Kỳ bí 'viên ngọc rồng' tự xoay ở Vịnh Hạ Long

02/05/2015 13:41 GMT+7

(TNO) "Viên ngọc rồng" chính là một hòn đá lớn cỡ như một quả bóng, nằm trong khe núi đá trên biển, mỗi khi nước thủy triều lên đều xoay tròn và phát ra tiếng kêu như gió thổi.

(TNO) "Viên ngọc rồng" chính là một hòn đá lớn cỡ như một quả bóng, nằm trong khe núi đá trên biển, mỗi khi nước thủy triều lên đều xoay tròn và phát ra tiếng kêu như gió thổi.

ky-bi-hon-da-xoay-vung-Dong-BacHòn đá mỗi khi có nước dâng lên thì tự xoay tròn - Ảnh: Thúy Hằng

Đó là hòn đá khu Bể Giếng, thôn Yến Hải, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Hòn đá có nhiều tên gọi, người gọi đó là đá xoay, người gọi đá quay, người gọi là hòn ông Phỗng, cũng có người gọi đó là viên ngọc rồng.

Hòn đá kỳ lạ

Năm 2008, tình cờ trong một lần dựng chòi làm nơi chế biến con sứa biển, bà Phạm Hồng Sinh, 43 tuổi phát hiện ở bãi đá sát nhà một hiện tượng kỳ lạ: Dưới bãi đá lớn, khá bằng phẳng thôn Yến Hải, một hòn đá lớn, trơn nhẵn, hình tròn, màu trắng xanh, mỗi khi thủy triều dâng lên nửa hòn đá thì nó lập tức quay tròn, đều đặn như được ai xoay. Lắng nghe kỹ, mỗi khi hòn đá xoay lại phát ra những tiếng kêu như tiếng gió rít ngày mưa bão.

ky-bi-hon-da-xoay-vung-Dong-BacKhu Bể Giếng, nơi phát hiện ra hòn đá xoay kỳ lạ - Ảnh: Thúy Hằng

Bà Sinh gọi chồng con và hàng xóm đến xem, ai cũng ngạc nhiên trước một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ. Đều đặn suốt từ ngày phát hiện hòn đá kỳ lạ đến nay đã 6 năm, mỗi khi thủy triều dâng lên, bất kể ngày, đêm, hòn đá lại xoay đều. Ngày nắng, mỗi khi thủy triều xuống, quan sát hòn đá có thể thấy rõ những đường vân li ti nổi lên như mạch máu.

Trong điện thoại di động của bà Bùi Thị Kim Biển, 42 tuổi, người chế biến sứa tại Bể Giếng, còn lưu lại rất nhiều hình ảnh, clip quay lại cảnh hòn đá đang xoay. “Thuở bé đến giờ tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng kỳ lạ thế. Có thể do sóng biển khiến hòn đá xoay nhưng không phải xoay 1, 2 lần mà đều đặn, cứ ngập nước là xoay đều như được lắp mô tơ vậy”, bà Biển thắc mắc.

Năm 2012, sau khi tham khảo ý kiến một số người dân hay đi lễ chùa, bà Phạm Hồng Sinh, người phụ nữ phát hiện ra hòn đá xoay đã lập một bát hương trên bãi đá, cứ tuần rằm, mùng 1, lễ, Tết lại nhang khói.

Bà Sinh kể lại 2 năm trước, sau khi bà cúng trái cây tối hôm rằm thì bỗng nhiên, toàn bộ số lễ vật trên bàn thờ mất tích. Vài tuần sau có một nhóm người trong làng mang đến một mâm lễ, hương, hoa, tiền vàng đến đúng bãi đá xì xụp khấn vái. Họ kể lại do con trai họ nghịch ngợm lấy đồ cúng trên bãi đá về ăn, bỗng dưng sinh ngớ ngẩn, hay nói cười bất thường. Sau khi thành tâm khấn vái trên bãi đá, thanh niên nhà kia đã trở lại bình thường, lại đi làm ăn như ngày nào (?!).

Tiếng sét đêm bão và những lần mất tích bí ẩn

ky-bi-hon-da-xoay-vung-Dong-Bac
ky-bi-hon-da-xoay-vung-Dong-BacBãi biển nơi người dân phát hiện ra hòn đá xoay - Ảnh: Thúy Hằng

Năm 2013, chính đêm siêu bão Hải Yến (Haiyan) đổ bộ vào Quảng Ninh, người dân Quan Lạn giữa đêm bỗng nghe một tiếng sét kinh hoàng. “Nó khác biệt nhất với tất cả những âm thanh sấm sét tôi nghe được từ trước đến nay”, bà Phạm Hồng Sinh nhớ lại.

Sáng dậy, bà Sinh chạy ra nhìn hòn đá xoay. Thật kinh ngạc, hòn đá vỡ toác làm đôi. Người dân sống quanh khu Bể Giếng lo lắng.

Ông Nguyễn Bắc Bộ, 64 tuổi, người dân gốc thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn nhớ lại, người dân bàn tán xôn xao tìm cách để hòn đá trở lại trạng thái ban đầu. Sau nhiều ngày tranh luận, họ quyết định đưa hòn đá lên trên bờ để gắn lại. Tuy nhiên, bất ngờ thay, hòn đá chưa kịp gắn thì đã biến mất trong đêm, không vết tích.

“4 ngày sau lại thấy nó xuất hiện tại bãi đá, cạnh bát hương. Ít nhất phải có 3 lần cứ được trả về rồi lại bị mất. Người làng cứ đồn đoán là người này, người khác trong làng lấy cắp hòn đá nhưng bị gặp ác mộng, xúi quẩy, đều phải mang hòn đá trả ngay”, ông Bắc Bộ kể.

Hồi đầu tháng 3.2015, sau khi hòn đá được dính keo cho liền lại thì người dân không thể cho nó trở lại vị trí cũ. Một đêm, hòn đá lại bị một người nào đó mang đi mất trong đêm. Đến đầu tháng 4, người ta lại thấy hòn đá trở về vị trí cũ. “Chưa bao giờ hòn đá được mang đi lâu như vậy. Chúng tôi cứ bồn chồn, thấp thỏm mãi không yên. Giờ thấy hòn đá ở đây thì thở phào nhẹ nhõm”, một người dân thốt lên.

ky-bi-hon-da-xoay-vung-Dong-BacPhần tiếp xúc của hòn đá với các tảng đá xung quanh đã nhẵn mịn sau nhiều năm tháng - Ảnh: Thúy Hằng
ky-bi-hon-da-xoay-vung-Dong-BacNgười dân Quan Lạn luôn coi hòn đá xoay là báu vật của làng - Ảnh: Thúy Hằng

Ông Đinh Văn Đức, một người dân sống tại thành phố Cẩm Phả, người thường chụp ảnh, quay phim lại các lễ hội truyền thống Quảng Ninh, kể lại với phóng viên Thanh Niên Online: “Ngày hội làng truyền thống của Quan Lạn năm 2012, tôi được mời đến quay phim về lễ hội này. Người làng đưa tôi đến hòn đá xoay. Ngay lập tức, tôi đã linh cảm, đây không phải một vật thường. Tôi gọi tên hòn đá là viên ngọc rồng của vịnh Hạ Long”, ông Đinh Văn Đức nói.

Ông Lưu Thành Viên, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho hay, hòn đá xoay trên hòn đảo này là một món quà của tạo hóa, nó như một báu vật của vùng đất cổ Quan Lạn, không gì đánh đổi. Đây có thể là một trong những hiện tượng lạ, hấp dẫn hơn du khách về với vùng đất rất có tiềm năng du lịch này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.