UBND xã Thanh An phát hiện, kiểm tra, lập biên bản xử phạt người này 4 triệu đồng nhưng đã để công trình nghiễm nhiên tồn tại và tiếp tục hoàn thiện.
Vừa qua, dư luận xôn xao về công trình này, UBND H.Thanh Chương đã lập đoàn kiểm tra, xác định hộ dân này tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Chủ tịch UBND xã Thanh An và công chức địa chính xã này bị kỷ luật khiển trách vì không áp dụng biện pháp ngăn chặn và không xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất sử dụng sai mục đích tại địa phương. Chính quyền H.Thanh Chương cũng yêu cầu phải tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu cho khu đất.
Trước đó, một công trình tòa nhà 2 tầng dạng biệt thự đã ngang nhiên "mọc" lên trong khu rừng trồng tại xã Thanh Mai của huyện này. Điều đáng nói, mặc dù phát hiện công trình xây trái phép trên đất rừng, nhưng chính quyền xã vẫn "ngó lơ" để công trình này hoàn thiện. Sau khi báo chí phản ánh, UBND H.Thanh Chương lập đoàn kiểm tra, yêu cầu kỷ luật lãnh đạo xã và buộc phải tháo dỡ công trình này.
Để xây các công trình nói trên phải tốn nhiều tỉ đồng, nhưng kết cục đã nằm ngoài ý đồ được phép hợp thức hóa để tồn tại của chủ công trình. Các công trình này buộc phải tháo dỡ đã gây lãng phí tiền của, nhưng là thực hiện kỷ cương phép nước trong quản lý xây dựng. Thực tế, ở một số địa phương, việc xây dựng trái phép sau đó được hợp thức hóa sai phạm để cho tồn tại đã khiến pháp luật bị coi thường, tạo tâm lý chủ quan, dựa dẫm. Một khi kỷ cương phép nước được thực thi ở ngay chính quyền địa phương thì sẽ không ai dám xây dựng công trình trái phép vì lạc đà không thể chui qua được lỗ kim.
Bình luận (0)