Kỷ cương với nghệ sĩ

20/05/2012 03:26 GMT+7

Đất nước nào cũng có những kỷ cương, rộng hơn là có những quy định văn hóa với nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng, những kỷ cương, quy định văn hóa ấy không chỉ mang tính đặc thù, bất biến, mà còn mang tính thời đại, khả biến.

Đúng là có một số ca sĩ Việt Nam bây giờ quá nghĩ về chuyện thân thể sẽ nâng cao giọng hát của mình, họ nghĩ nhiều khi hơi quá và đã gây phản cảm cho người nghe, người xem. Nhưng, cũng phải nói thêm, thân thể ca sĩ bây giờ cũng là “một phần tất yếu” của sự trình diễn, góp phần khiến giọng hát của họ gây “ép-phê” hơn với khán giả.

Nghĩ như thế không sai. Tuy nhiên, nếu đẩy suy nghĩ ấy về phía cực đoan, thì lại hỏng. Những ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc nhẹ đều biết mỗi khi mình xuất hiện trên sân khấu, thì không chỉ giọng hát hay vũ điệu, mà chính trang phục của mình cũng góp phần khiến tác phẩm được biểu diễn đạt tới hiệu quả cao nhất có thể. Nhưng, trang phục như thế nào thì đưa được bài hát lên, còn trang phục thế nào lại khiến bài hát gây phản cảm cho người nghe và xem? Điều đó không thể do một cơ quan công quyền nào quy định, mà phải do chính nghệ sĩ biểu diễn thấu hiểu và cảm nhận. Và khi đã đứng trên sân khấu, thì nghệ sĩ biểu diễn sẽ được công chúng và công luận phán xét, từ giọng hát tới hiệu quả biểu diễn, trong đó có trang phục.

Những dễ dãi hay khắt khe quá đáng đối với trang phục của nghệ sĩ biểu diễn sẽ vô hình trung làm mờ đi cái quan trọng nhất của nghệ sĩ biểu diễn: đó là hiệu quả của tác phẩm được trình diễn. Một ca sĩ sẽ bị cho là lố, là phản cảm, là bất lịch sự khi trong một chương trình nghệ thuật mang tính cổ điển hay phục vụ trực tiếp cho một lễ hội chính thức nào đó, họ lại ăn mặc một cách “mát mẻ” khi trình diễn ca khúc của mình. Nhưng, nếu trong một chương trình “nhạc trẻ” mà số đông người thưởng thức là thanh niên, thì nếu ca sĩ lại trình diễn theo một phong cách mang tính “quy phạm” cứng nhắc, chắc chắn họ sẽ không được hoan nghênh.

Ca sĩ Lady Gaga của Mỹ cũng từng bị cho là ăn mặc “hở hang” khi trình diễn ở một vài quốc gia chưa “quen” với phong cách Mỹ, nhưng điều đó cũng không khiến giọng hát của Lady Gaga giảm giá. Tính thị trường, tính cập nhật của ca nhạc biểu diễn là rất cao. Và, nó cũng luôn biến đổi theo “mốt”. Có thể vào lúc này khán giả thích kiểu ăn mặc này của nghệ sĩ, nhưng vào lúc khác họ lại không thích. Thực ra, nghệ sĩ biểu diễn luôn phải hướng tới khán giả, thậm chí chiều lòng khán giả. Nếu chúng ta cần những chuẩn mực mang tính văn hóa và thuần phong mỹ tục Việt Nam, thì hãy để dư luận và công luận lên tiếng mỗi khi có những ca sĩ “quá đà” trong trang phục hay hành vi biểu diễn. Những phản ứng của dư luận và công luận trong thời gian qua về phong cách và trang phục biểu diễn của một số ca sĩ là đúng và xác đáng, nhưng cách xử lý của các cơ quan công quyền, mà cao nhất là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thì lại có vẻ hơi “vuốt đuôi” và không gây được sự tin tưởng trong dư luận.

Trong khi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch còn quá nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực văn hóa cần phải giải quyết mà chưa giải quyết được, thì chuyện “ca sĩ ăn mặc hở hang” chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ” so với những vấn nạn lớn khác về văn hóa yêu cầu Bộ phải ra tay ngay. Phạt mấy triệu đồng với một ca sĩ “xịn” chẳng là gì, bắt họ đi lao động công ích cũng chả giải quyết được vấn đề (nếu không nói đây là tư duy rất cực đoan), trong khi đời sống văn hóa Việt Nam đang còn quá nhiều vấn đề bất cập cần được nêu ra và giải quyết.    

Thanh Thảo

>> “Mổ xẻ” trang phục phản cảm
>> Mặc áo phản cảm, Thu Minh bị phạt 3,5 triệu đồng
>> Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan bị “ném đá” vì tạo dáng phản cảm
>> Xử phạt nghiêm các ca sĩ ăn mặc phản cảm
>> Ăn mặc quá “mát”, người mẫu xe hơi bị chỉ trích
>> Điều tra vụ thí sinh lộ ngực phản cảm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.