Kỳ diệu đứa trẻ bại não sắp tốt nghiệp cấp 3: Món quà cuộc sống của mẹ

30/04/2019 09:12 GMT+7

Cô Kim Châu (60 tuổi) đã chăm sóc Phương (hiện 23 tuổi) - cô gái bại não, đa dị tật bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng. Phương sắp tốt nghiệp cấp 3, mẹ nuôi mong muốn có một ngày mẹ ruột nhìn thấy Phương trưởng thành.

Rạng sáng một ngày tháng 10.1996, ông bà bế đứa cháu chào đời vài giờ đồng hồ từ Long An lên TP.HCM để gửi ở Hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble (P.6, Q.3). Đứa trẻ đó tên Phương, bị đa bị tật, mắc chứng đầu to do bị bại não và liệt toàn thân. Ông bà nói Phương không có cha, mẹ Phương lại không được khỏe, ông bà thì già rồi nên mang Phương đến đây, hy vọng có phép màu giúp Phương vượt qua số phận.
Các bác sĩ chẩn đoán Phương không thể qua được 12 tháng tuổi. Không từ bỏ hy vọng, các mẹ và các chuyên gia vật lý trị liệu ở Trung tâm phục hồi chức năng và hỗ trợ trẻ khuyết tật của Hiệp hội vẫn tận tâm chăm sóc, luyện tập cho Phương.
Và giờ đây, vượt lên tất cả, cô bé Phương ngày nào nay đã sắp tốt nghiệp THPT của một trường chuyên biệt.
Để có được điều kỳ diệu này là cả một hành trình dài của cô Kim Châu - cô điều dưỡng của Hiệp hội ngày nào, giờ cũng chính là mẹ nuôi của Phương.

'Không bỏ được nữa!'

Theo chia sẻ từ hiệp hội, tôi tìm đến căn phòng trọ chất đầy đồ đạc, sách vở của mẹ con cô Châu vào một buổi tối bất chợt mà không hẹn trước. Cô Châu ngạc nhiên vì có khách đến nhà, Phương lúc đó đang rửa chén cũng nói thật to, dù là không rõ ràng: “Chào chị!”
Biết tôi là phóng viên, tìm đến để nghe câu chuyện của hai mẹ con, cô Châu vội kéo tôi ngồi xuống giữa nhà, nói thì thầm: “Tới giờ Phương không biết nó là con nuôi đâu, nên mình nói nhỏ thôi nhé”.
Cô Châu chậm rãi kể, năm đó ở hiệp hội, cô thấy Phương khóc hoài không nín. Làm trong ngành nên cô biết do không nuốt được nên Phương mới khóc. Từ đó, tới giờ ăn là cô Châu lại xuống nâng cằm để Phương nuốt được.
Năm 2001, cô bé được chẩn đoán không qua được 12 tháng tuổi đã được 5 tuổi rưỡi và bắt đầu biết đi. Không lâu sau đó, Phương được chuyển về một trung tâm khác ở Thủ Đức. Về phần cô Châu, hằng ngày vẫn chăm bao nhiêu đứa trẻ ở hiệp hội.
Một lần có dịp xuống thăm trung tâm, cô Châu thấy Phương ốm nhom, mặt buồn rầu và chỉ lết chứ không đứng dậy đi, Phương còn có dấu hiệu tâm thần nhẹ. Không cầm lòng được và mặc mọi người can ngăn, cô Châu xin trung tâm cho nhận Phương về chăm sóc đến khi nào Phương khỏe lại sẽ gửi lại trung tâm.
Cô Châu luôn đồng hành cùng Phương Vũ Phượng chụp lại
Cô Châu tâm sự: “Lúc đó cứ 3 ngày tôi lại cho đi khám bác sĩ tư một lần, mỗi lần vậy là 500 ngàn. Bác sĩ cho nó uống thuốc ngủ để trị bệnh, tôi chủ động cắt giảm liều lượng đến khi dứt hẳn. Tôi dốc hết tiền tích cóp ra để lo chữa trị, thuê giáo viên về nhà dạy nó học. Rồi nuôi nó tới giờ, không bỏ được nữa”.

Đứa con khờ khạo và nước mắt người mẹ

Thấy tôi và mẹ thầm thì to nhỏ, Phương đang rửa chén chốc chốc lại chạy lên đứng hóng, cô Châu sợ Phương nghe được chuyện nên kêu Phương tắm rửa rồi đi học bài.
Cô Châu nói Phương rất khờ, khiến cô không biết bao nhiêu lần rơi nước mắt vì tủi thân. Cô kể: “Năm 11 tuổi, Phương có kinh nguyệt. Đi học tôi lót sẵn băng vệ sinh vào nhiều quần nhỏ đưa con mang đi. Dặn con là thay như thế nào, bao lâu thay một lần. Vậy mà chiều đón về nghe mùi hôi hôi, tôi hỏi con có làm như mẹ dặn không. Nó cười hà hà bảo con mang hết về cho mẹ nè”.
Có lần, tối ngủ giật mình dậy, cô Châu thấy Phương mặc bộ đồ màu khác với lúc đi ngủ, lại nghe mùi hôi, mới biết là Phương đã ị ra giường. “Nhưng Phương không như những đứa trẻ khác, nó biết dậy thay đồ nhưng thay vì dọn chỗ đó đi thì nó lại nằm ẹp xuống ngay chỗ đó. Đầu tóc, quần áo dính phân hết. Đó là mùa mưa nên khá lạnh, 3 giờ sáng tôi dậy nấu nước tắm rửa cho nó mà bước mắt chảy hoài, vừa tủi thân mà vừa thương nó”, cô Châu tâm sự.
Ngày chưa được bạn cho chiếc xe 81 cũ, cô Châu chở Phương đi học bằng xe đạp. Những ngày ngập nước, Phương không chịu xuống đi bộ cùng mẹ mà đòi ngồi trên xe để mẹ dắt qua con đường ngập nước kéo dài suốt 2 km. “Mình thương nên nhận nó về nuôi chứ đâu nghĩ là nuôi đứa con cực dữ vậy đâu”, cô Phương bộc bạch.
Hai mẹ con đi du lịch cùng nhau NVCC

'Mẹ mua ba cho con đi!'

Vì bị bại não nên Phương cứ nhớ nhớ, quên quên. Mỗi lần chuẩn bị thi học kỳ, hai mẹ con lại phải vật lộn với nhau. Cô Châu phải làm sẵn bài văn để Phương học thuộc, mà Phương còn... trả treo nói chỉ học nổi một bài, cô Châu lại phải “đoán đề” cho con học thuộc. Tới khi thi ra đề khác, Phương ngồi chơi không viết một chữ gì. Về đến nhà lại đổ thừa tại mẹ nên không làm được, những lần như vậy, cô Châu chỉ biết cười động viên con thi lại.
Cũng chính vì vậy, Phương mất 3 năm mới qua lớp 10, giờ cũng đang là năm thứ ba Phương học lớp 11.
Phương đến nay vẫn chưa biết câu chuyện về cuộc đời mình NVCC
Cô Châu kể có nhiều lần thấy sự khờ khạo mà thương Phương chảy nước mắt. Cô trải lòng: “Năm nó học lớp 9, đi học về mặt buồn cả tuần vậy. Tới bữa nói mẹ đi chợ cho con đi theo với nên tôi dắt nó đi chợ Nguyễn Văn Trỗi. Trong lúc tôi mua rau, mắt nó cứ láo liếc miết. Rồi nó lôi tôi xềnh xệch tới một ông rất cao, nói mẹ mua ba cho con đi. Tôi hỏi sao lại mua ba, nó nói bạn lớp con chiều nào cũng có ba đón, mà mẹ thì tới đón con hoài. Tôi nói thôi về bữa sau mẹ giải quyết cho chứ nay mẹ không có tiền”.

Ước mơ cho con

Đến độ tuổi này, Phương suốt ngày hỏi đủ câu trên trời, dưới đất về quê quán, cha mẹ, ông bà nên cô Châu thường xuyên phải nói... xạo. Mỗi lần nói xạo Phương chuyện gì, cô lại ghi vào sổ nói xạo. Cô dự định năm Phương học lớp 12, cô sẽ đưa cho Phương xem rồi kể cho Phương nghe về cuộc đời của Phương và của cô - một người phụ nữ không chồng.
Ước mơ lớn nhất của cô Châu là khi Phương học xong lớp 12, cô sẽ đi tìm mẹ của Phương để hai mẹ con được gặp mặt nhau.
“Mẹ nó tên Hoa, ở Cần Giuộc, Long An. Tôi chỉ muốn hai mẹ con gặp nhau, dù gì cũng là máu mủ ruột rà, để mẹ nó biết là con gái mình nay đã trưởng thành như thế này. Nhưng gặp nhau kín đáo thôi, để khỏi ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình hiện tại của mẹ nó”, cô nói.
Cô Châu rất lo có một ngày cô không còn khỏe nữa, thì ai sẽ che chở, chăm sóc cho đứa con khờ khạo của mình. Điều duy nhất bây giờ cô có thể làm, đó là hằng ngày, tập cho Phương làm việc nhà, vệ sinh cá nhân (dù không sạch lắm) vì muốn Phương tự lập để sau này có thể tự lo cho mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.