Kỳ diệu hành trình đưa cậu bé 9 tuổi bị bỏng xăng trở về từ cõi chết

16/05/2019 12:11 GMT+7

A Huyên bỏng nặng mà không được chữa trị. Cơ quan ban ngành, các bác sĩ ở TP.HCM, nhóm thiện nguyện lên tận nhà cậu bé để năn nỉ ba mẹ cho em đi chữa trị. Cậu bé 9 tuổi được "kéo" về từ cõi chết.

Vác bịch xăng trên vai và...

Đầu giờ chiều thứ 7 ngày 11.5, chúng tôi liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại từ một cán bộ huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum): “Các anh lên nhanh, cậu bé đang trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh”. Ăn vội bữa cơm trưa, cánh phóng viên liền leo lên xe lao đi, chỉ mong đến nhanh nhất có thể để tìm hiểu sự việc.

Cứ sau 15 phút vị cán bộ lại điện thoại xác định vị trí của phóng viên để chỉ dẫn con đường nhanh nhất. Thông qua điện thoại anh nói ngắn gọn: Có cậu bé 9 tuổi (trú tại thôn Đăk Kang Piêng, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) bị bỏng nặng. Tuy nhiên sau khi bệnh viện điều trị gần khỏi, không hiểu vì sao gia đình lại đem cậu về để tiếp tục… chờ chết.

Trước khi được điều trị, những vết bỏng trên người A Huyên bị thối rữa, lớp chăn dính chặt lên da ĐỨC NHẬT
Khi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, A Huyên bất ngờ bị cha mẹ đưa về nhà ĐỨC NHẬT
Các bác sĩ tại TP.HCM lặn lội lên Kon Tum điều trị cho A Huyên ĐỨC NHẬT

Sau hơn 1 tiếng lái xe, chúng tôi cũng tìm được nhà của cậu bé khốn khổ. Trước căn nhà tình thương, anh A Nguy (34 tuổi, cha cậu bé) đang cùng anh em họ hàng thay nhau đào giếng. Anh vẫn cắm cúi làm như chẳng hề quan tâm đến đứa con trai đang cận kề cái chết. Thấy có khách hỏi thăm con, anh Nguy lạnh lùng chỉ tay vào căn buồng xập xệ nói gọn lỏn: Nó trong đó!

Cậu bé nằm im lìm trên chiếc giường nhỏ, những miếng gạc chắp vá dán đầy trên thân hình mảnh khảnh. Khuôn mặt nhăn nhó, đau đớn nhìn những vết thương loang lổ trên cánh tay.

Mẹ của A Huy cho biết, vào tháng 1, khi A Huyên đi mua xăng nhưng không có can nên phải bỏ vào bịch nilon. Cậu trai tinh nghịch để bịch xăng trên vai rồi vác về nhà. Trên đường về, bịch xăng không may bị vỡ, chảy ướt hết áo A Huyên. Chẳng ai ngờ được, ngọn lửa ở đám cháy bên đường theo vết xăng loang bất ngờ phực lên. Cả người A Huyên thành ngọn đuốc.

Nghe con bị bỏng, cha mẹ A Huyên trên rẫy tất tả chạy về. Hai vợ chồng gói ghém đồ đạc, gửi lũ con ở nhà cho hàng xóm trông rồi đưa A Huyên lên bệnh viện huyện. Thế rồi không có kinh phí, bố mẹ cậu bé đành đem con về nhà.

Sau gần 20 ngày, các vết thương của cháu bắt đầu hoại tử, ở những khu vực bị bỏng, da thịt dần dần thối rữa. Dịch màu vàng chảy ra hôi hám. Chiếc chăn mỏng cha mẹ A Huyên khoác lên người con dính bết vào những vết thương đang mưng mủ. Cha mẹ A Huyên khóc cạn nước mắt.

Chuyện A Huyên nằm ở nhà chờ chết cuối cùng cũng đến tai cô giáo chủ nhiệm. Đến nhà thăm cậu học trò nhỏ, thấy tình trạng của cậu đã rất nguy cấp, cô liền cầu cứu các nhà hảo tâm.

Lại về nhà chờ chết

Sức khỏe cậu đã được hồi phục rõ rệt. Những vết thương không còn làm cậu khóc ré lên và những cơn sốt không còn hành hạ. Trong cuộc trò chuyện với bà nội của Huyên, tôi nghe kể rằng rằng ước mơ của cậu là trở thành bác sĩ.

Nhận được lời cầu cứu, nhóm thiện nguyện ACC liền đến nhà A Huyên xem xét tình hình. Ngay trong đêm, nhóm dùng xe tải chở A Huyên xuống Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Kon Tum chữa trị.

“Thấy thằng bé gào lên trong cơn đau, cả nhóm chẳng kìm lòng được, ai cũng quay đi sụt sịt khóc. Lúc này các lớp da cơ thể A Huyên gần như đã dính hết vào chăn, giường mà cha mẹ A Huyên đã đắp cho em. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải dùng xe tải chở cả A Huyên và chiếc giường tới bệnh viện”, chị Chung Kiều Oanh, một thành viên nhóm ACC chia sẻ.

Ngày 20.1, A Huyên được nhóm ACC đưa đi Bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM) điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán A Huyên bị bỏng cấp độ 2 với trên 65% cơ thể và bị nhiễm trùng máu. Các bác sĩ đã tận tình, dùng nhiều phương pháp điều trị. Đặc biệt qua 3 lần ghép da, thương tích của A Huyên đã giảm đáng kể, sức khỏe ổn định. Sau 4 tháng chữa trị những vết bỏng trên người Huyên đã bị thu hẹp chỉ còn khoảng 15% diện tích cơ thể. Các vết thương bị hoại tử, tình trạng nhiễm trùng máu đã được khống chế.

A Huyên đau đớn gào khóc khi bác sĩ lau rửa vết thương ĐỨC NHẬT
Thấy con đau đớn, mẹ A Huyên cũng khóc theo nhưng cương quyết không cho con đi chữa trị ĐỨC NHẬT

Khi các bác sĩ đang chuẩn bị tiến hành ghép da lần thứ 4, chỉ cần xong lần này, thân thể A Huyên sẽ lành lặn và chờ ngày bình phục. Thế nhưng không hiểu vì lí do gì, ngày 5.5, chị Y Húi (mẹ em A Huyên) cương quyết xin cho con mình ra viện.

Nắm được sự việc, ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 1, các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện đã liên tục thuyết phục vận động gia đình để cháu ở lại tiếp tục điều trị. Các bác sĩ đã hết lời vận động, thậm chí nhờ cả công an can thiệp nhưng đều bị khước từ. A Huyên được cha mẹ đưa về căn nhà nơi góc núi Đăk Kang Piêng.

Từ ngày xuất viện, do không được lau rửa vết thương, điều trị đúng cách, các vết bỏng trên người cháu Huyên tiếp tục lở loét, nhiễm trùng. Cậu bé bắt đầu bị các cơn sốt hành hạ. Dù các nhóm thiện nguyện phát hiện sự việc đã vận động gia đình đưa cháu Huyên trở lại điều trị, toàn bộ chi phí thuốc men, ăn ở đều được các nhà hảo tâm tài trợ, thế nhưng gia đình A Huyên vẫn khước từ.

Trở về từ cõi chết

Chiều muộn thứ 7 ngày 11.5, sau ca trực, 3 vị bác sĩ từ TP.HCM vội vàng bắt chuyến xe khách cuối ngày về Kon Tum. Họ là những người trực tiếp điều trị cho A Huyên từ những ngày đầu tiên khi cháu nhập viện Nhi Đồng 1. Họ vẫn luôn dõi theo tình trạng sức khỏe của cậu bé tội nghiệp. Thế rồi sau khi nghe các tình nguyện viên thông báo về bệnh trạng của A Huyên họ không thể ngồi yên nhìn A Huyên chết.

Tờ mờ sáng chủ nhật 12.5, các bác sĩ đặt chân đến bến xe Kon Tum. Sau cuộc hội ý, cả nhóm liền lên đường hướng về huyện Đăk Tô. A Huyên nằm thoi thóp trên chiếc giường duy nhất của gia đình. Khi các bác sĩ tháo băng, gạc, mùi hôi của vết thương hòa lẫn cùng mùi thuốc bốc lên nồng nặc. Huyên khóc ré lên, đôi mắt giàn giụa nước khi những vết thương dần dần được lau rửa, sát trùng.

Thấy con khóc, chị Y Húi cũng khóc theo. Từ hôm về, cháu được gia đình cho nằm im tại đây. Theo lời các bác sĩ, chị cho con uống thuốc và lau rửa vết thương. Chị Y Húi bảo bản thân đang mang thai gần đến ngày sinh nở. Hơn 4 tháng ròng rã hai vợ chồng đã chăm con tại bệnh viện nên rất mệt mỏi và muốn đưa về nhà chăm sóc.

A Huyên được đưa trở lại bệnh viện điều trị ĐỨC NHẬT

“Thời gian qua, con mình được các bác sĩ, các nhà hảo tâm giúp đỡ mình biết ơn lắm. Nhưng mình không muốn mắc nợ thêm nữa. Vợ chồng mình chỉ cho bác sĩ khám con lần này, lần sau sẽ không cho bác sĩ khám nữa. Số phận con mình thì do trời quyết định. Bản thân mình và gia đình không muốn làm phiền ai vì sợ mang nợ. Nếu con chết mà mình đi tù thì mình đành cam chịu”, chị Y Hui nói trong nước mắt.

Bác sĩ Nguyễn Bảo Lộc, bác sĩ chuyên khoa I, Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM), cũng là người hỗ trợ bé A Huyên ngay từ đầu sau khi thăm khám, cho biết lúc được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, A Huyên đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, sau khi được chuyển về nhà, thì một phần da mới ghép đã bị hoại tử, nhiễm trùng. Những vết thương lại tiếp tục loang ra trên 30% cơ thể. Ngay lúc này cần đưa A Huyên quay trở lại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục chữa trị, vì ở các bệnh viện tuyến huyện không đủ nhân lực, cơ sở vật chất để chữa trị cũng như ghép da cho Huyên.

“Ngay cả băng thay cho A Huyên chúng tôi cũng phải dùng loại băng tốt nhất đem theo từ TP.HCM. Vết thương của A Huyên ngoài bị nhiễm trùng còn có khả năng bị nhiễm độc. Do đó cần có bác sĩ có kinh nghiệm để theo dõi, chữa trị. Hiện các vết thương của cháu đã bị nhiễm trùng trở lại. Nhiễm trùng máu là điều hiển nhiên, cái chết chỉ còn trong gang tấc nếu để cháu ở nhà”, bác sĩ Lộc nói.

Sau khi lau rửa các vết thương cho A Huyên, các bác sĩ lại tiếp tục nài nỉ cha mẹ, họ hàng đưa cháu về TP.HCM điều trị. Đáp lại tấm lòng này là những cái lắc đầu nguầy nguậy.

Trước tình hình trên, nhóm phóng viên đã liên hệ với nhiều lãnh đạo tỉnh Kon Tum để giải cứu cháu bé.

Sáng 13.5, trước sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, nhiều cơ quan, đoàn thể đã tới nhà A Huyên vận động. Vừa thấy bóng đoàn cán bộ, anh A Nguy theo cửa sau trốn đi. Phải đến khi được gọi mới trở về nhà làm việc. Tại đây, đoàn cán bộ đã cố gắng thuyết phục vợ chồng A Nguy cho con trai đến cơ sở y tế chữa trị. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng nhất quyết không đồng ý. Thậm chí, chị Y Hui còn dọa sẽ tự tử nếu bắt con họ đi.

Sau đó, đoàn đã đưa ra ý kiến chỉ đem A Huyên lên Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô, gần nhà, cho gia đình dễ dàng chăm sóc, thăm hỏi. Cùng với đó, nhờ những người hàng xóm, người bạn của hai vợ chồng tác động thêm thì vợ chồng A Nguy mới bắt đầu thay đổi thái độ. Khi hai vợ chồng A Nguy gật đầu, các bác sĩ liền bế A Huyên đi ngay vì sợ cha mẹ cháu đổi ý.

Ngồi chăm cháu bên hành lang bệnh viện huyện, bà Y Bút (bà nội A Huyên) cho biết, khi nghe cha mẹ không cho A Huyên đi chữa trị bà buồn lắm. Bà đã khuyên bảo nhiều nhưng bố mẹ A Huyên nhất quyết không nghe.

“Mình giận hai vợ chồng nó lắm. Con mình sắp chết mà không cho người khác cứu. Đến giờ vài tiếng cảm ơn các bác sĩ cũng không có. Mình cảm ơn mọi người đã vất vả trông cháu, chăm sóc giúp đỡ cháu mạnh khỏe. Mình không biết cảm ơn như thế nào, mình chỉ biết dùng lời nói thôi chứ chẳng có gì để đền đáp mọi người”, bà Y Bút nói.

Khi tôi đặt bút viết những dòng này cũng là lúc A Huyên đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum chữa trị. Sức khỏe cậu đã được hồi phục rõ rệt. Những vết thương không còn làm cậu khóc ré lên và những cơn sốt không còn hành hạ. Trong cuộc trò chuyện với bà nội của Huyên, tôi nghe kể rằng rằng ước mơ của cậu là trở thành bác sĩ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.