'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Bí ẩn 'xuất lộ' từ những bức ảnh

25/02/2024 07:34 GMT+7

Cùng với những phát hiện các bức tranh gương lưu lạc của điện Cần Chánh, nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ cũng đã sưu tầm và số hóa, qua đó giải mã được nhiều bí ẩn liên quan đến điện Cần Chánh.

Chia sẻ về quá trình sưu tầm tư liệu hình ảnh về di sản Huế, Nguyễn Tấn Anh Phong cho biết: "Một thời gian khá dài, chúng tôi đã cùng nhau trên con đường sưu tầm tư liệu. Con đường này thật sự gian nan và nhiều thử thách. Những tư liệu hồ sơ tìm về từ Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) làm rõ các hạng mục trùng tu Cần Chánh năm 1943, những tư liệu "mật" từ Viện Khảo cổ về quá trình đề xuất dự án tái thiết Cần Chánh dưới chế độ miền Nam, năm 1963... đã xuất hiện như những kỳ duyên".

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Bí ẩn 'xuất lộ' từ những bức ảnh- Ảnh 1.

Bức tranh gương "Thiên Mụ chung thanh" trước đó treo trong cung Diên Thọ, nhưng sợ rơi vỡ nên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đưa về bảo quản trong kho của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Thông qua đối sánh với hình ảnh tư liệu, nhóm Nguyễn Tấn Anh Phong xác định bức tranh từng được treo ở điện Cần Chánh

Nguyễn Tấn Anh Phong

Những tư liệu hình ảnh, thước phim sưu tầm được đã được các thành viên trong nhóm khai thác một cách triệt để, kèm những phân tích khoa học, logic qua phương pháp thực chứng. "Từ đó, chúng tôi đã phản biện tất cả về bản vẽ của điện Cần Chánh trong đợt báo cáo sơ bộ vào tháng 7.2023 bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm và yêu cầu Cần Chánh có một bản vẽ mới đúng với nguyên bản lịch sử hơn qua tư liệu ảnh", anh nói thêm.

Đến hôm nay, mọi thứ đã trở nên thật hoàn hảo. Phong bảo, những nắn nót của các thành viên thời gian qua cho ngôi điện này đã gặt hái được quả ngọt. "Một Cần Chánh đúng nguyên bản lịch sử nhất qua tư liệu ảnh đã xuất hiện trên bản vẽ, trên phối cảnh, chúng ta đã hiểu được từng chi tiết của ngôi điện này để mang nó quay trở lại với hiện tại", Nguyễn Tấn Anh Phong vui mừng.

Điện Cần Chánh từng đặt ngai vàng

Khi được tham gia phản biện nhiều hơn cho dự án, những phát hiện từ hình ảnh của nhóm "Tân Đô Thành Hiếu Cổ" đã làm sáng tỏ nhiều chi tiết lịch sử liên quan đến điện Cần Chánh. Ví dụ, từng có nhà nghiên cứu suốt 30 năm qua về ngôi điện này khẳng định Cần Chánh không hề xuất hiện ngai vàng, vì chức năng ngôi điện này không phải vậy...

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Bí ẩn 'xuất lộ' từ những bức ảnh- Ảnh 2.

Bức tranh gương “Sơn tủng tùng đình” vẽ về vườn Cơ Hạ đang được treo ở điện Long An (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế) cũng chính là bức tranh gương được treo ở cột C7 bên trong điện Cần Chánh

ẢNH TƯ LIỆU CỦA NGUYỄN TẤN ANH PHONG

Trước đó, nhóm của Phong cũng đã sưu tầm được tấm "Phiếu gởi" liên quan tới việc tái thiết điện Cần Chánh giai đoạn 1960 - 1963. Từ những văn bản này cho thấy, giai đoạn 1960 - 1963, Phủ Tổng thống (chế độ miền Nam), Nha Kiến thiết, Tổng giám mục giáo khu Huế đã từng đề xuất đến việc dựng lại ngôi điện này với tinh thần quyết liệt, nhưng ngôi điện này vẫn không được tái thiết.

"Khi kết luận một công trình lịch sử, chúng tôi thường căn cứ vào tư liệu, tư liệu ảnh là kim chỉ nam cho tất cả mọi thứ liên quan tới di sản, nhất là các di tích không còn tồn tại. Và cơ duyên đã đến để làm sáng tỏ khi nhóm của chúng tôi tiếp cận và mua được bức ảnh tư liệu tại Pháp, thể hiện rất rõ ở ngự tọa Cần Chánh có xuất hiện ngai vàng chứ không phải như những kết luận trước kia", Phong nói.

Chia sẻ thêm về quá trình số hóa tư liệu hình ảnh góp phần giải mã những ẩn số của di tích, Nguyễn Tấn Anh Phong cho biết nói đến số hóa, người ta hay nhầm tưởng rằng đó là việc scan, chụp lại hình ảnh để lưu trữ làm tư liệu số. Tuy nhiên khái niệm "số hóa" mà nhóm của Phong đang thực hiện thực sự công phu và mang yếu tố chuyên ngành hơn. Đó là dùng các ứng dụng, kỹ thuật mới của công nghệ số để đối sánh, thực chứng bằng kỹ thuật số để khôi phục những hình ảnh chất lượng thấp và không rõ nét. Công việc này đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên ngành về kỹ thuật số kết hợp với các nguồn tư liệu và hình ảnh đối sánh được nghiệm thực trên thực tế của hiện vật. Từ đó, đưa ra được những kết quả với sai số thấp nhất, tiệm cận với nguyên bản lịch sử qua tư liệu ảnh.

Những hình ảnh, thước phim tư liệu mà nhóm của Nguyễn Tấn Anh Phong mua được còn cho thấy rõ nét màu sắc hoa văn của nền gạch hoa, trang trí nội thất với những hàng cột được sơn son thếp vàng, những hiện vật được trưng bày bên trong ngôi điện... Một thước phim tư liệu còn cho thấy đoàn tùy tùng gánh kiệu vua Khải Định đi từ trong ngôi điện ra bên ngoài chi tiết và rõ nét...

"Từ những gì mà hình ảnh tư liệu sưu tầm được cho thấy một diện mạo điện Cần Chánh đã hiện ra rõ nét với quy mô bề thế của một ngôi điện biểu trưng của vương quyền. Diện mạo của điện Cần Chánh sau khi được soi sáng bằng hình ảnh đã làm rõ một sự thật mà trước đó nhiều người vẫn hay nhầm tưởng rằng điện Cần Chánh là một "phiên bản" khác của điện Thái Hòa. Sự thật, điện Cần Chánh là một công trình tiêu biểu trong hệ thống di tích triều Nguyễn nhưng vốn được xây dựng với chức năng và ý nghĩa khác nên có rất nhiều chi tiết khác biệt với điện Thái Hòa", Nguyễn Tấn Anh Phong cho biết thêm.

Làm hết sức, huy động tất cả chất xám của cả nhóm, "chiếm dụng" quỹ thời gian riêng tư, phung phí tiền túi, nhiều đêm thức trắng... là những mô tả của Nguyễn Tấn Anh Phong về công việc của nhóm. "Để hôm nay đây, chúng tôi được nói về di sản, được can thiệp sâu vào công trình, chỉ rõ được đúng - sai. Chúng tôi không làm khó ai hay hại ai, vì con đường chúng tôi muốn tới là di sản phải được trả đúng về nguyên bản nhất", Phong chia sẻ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.