Năm 1994, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (gọi tắt: Trung tâm) đã ký kết với Đại học Waseda (Nhật Bản) một chương trình hợp tác với 4 mục tiêu chính: nghiên cứu toàn diện về di sản Huế trên nhiều khía cạnh; xây dựng cơ sở khoa học cho các dự án bảo tồn; trùng tu di tích Huế theo hướng bền vững; nâng cao năng lực quản lý và bảo tồn của đội ngũ cán bộ Trung tâm. Trong số đó, mục tiêu quan trọng nhất của dự án là nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh.
Các nhóm chuyên gia của Đại học Waseda đã đến Huế vào tháng 3, tháng 8 hằng năm cùng cán bộ Trung tâm khảo sát đo vẽ và phân tích các dữ liệu di tích, đồng thời cũng tổ chức đào tạo kỹ năng nghiên cứu bảo tồn tại chỗ ở TP.Huế và Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu đã công bố hàng chục bài khảo luận về kiến trúc cung đình Huế, việc nghiên cứu tái thiết điện Cần Chánh đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Nhóm chuyên gia đã giải mã những vấn đề then chốt như phương pháp thiết kế kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian truyền thống Huế, tìm ra hệ thống thước đo của triều Nguyễn, phương pháp và kỹ thuật xây dựng cung điện, phương pháp sử dụng vật liệu truyền thống và các vấn đề kỹ thuật khác liên quan công cuộc kiến thiết kinh đô Huế. Từ đó, tập hợp các nguồn tư liệu về kiến trúc cung đình Huế và điện Cần Chánh, bao gồm các tư liệu viết, vẽ, ảnh chụp, các tư liệu ảnh, bản vẽ cổ và tài liệu phân tích phương pháp thiết kế tái thiết điện Cần Chánh; thám sát khảo cổ học nền móng ở điện...
Kết quả đã nghiên cứu thực nghiệm qua việc xây dựng mô hình tái thiết điện Cần Chánh tỷ lệ 1/10 (hiện đã hoàn thành và đang được trưng bày). Hai bên đã xây dựng thành công một hệ thống cơ sở dữ liệu gồm mô hình điện Cần Chánh tỷ lệ 1/50.... Tuy nhiên, dự án phục hồi điện Cần Chánh vẫn chưa được triển khai vì nhiều "điểm mờ" lịch sử chưa được giải mã.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết: "Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là phần trang trí các ô hộc thơ theo lối nhất thi nhất họa, một số chi tiết cụ thể... Đây là phần không có đủ tư liệu gốc nên rất khó thiết kế được chính xác".
Ông Hải cũng cho biết thêm, việc hợp tác với Nhật Bản có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm gian nan, do phương pháp trùng tu của Nhật dù được đánh giá cao song mất rất nhiều thời gian nghiên cứu. Khó khăn nữa là vấn đề thủ tục, mỗi dự án phải mất đến 2 - 3 năm mới hoàn thành.
"Thường khi có quyết định phê duyệt là chúng tôi phải điều chỉnh dự án vì trượt giá. Nhiều năm nay, chúng tôi chỉ làm toàn công trình nhỏ, do mỗi năm quần thể di tích Huế chỉ được đầu tư từ 50 - 60 tỉ đồng để trùng tu. Một dự án lớn như Cần Chánh cũng gặp khó khăn về nhân lực", ông Hải nói.
DỰ ÁN CHƯA KHẢ THI
Theo Trung tâm, ngày 7.6.2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 (Quyết định số 818/QĐ-TTg). Ở giai đoạn 3 (2018 - 2020), có một số nhiệm vụ đặt ra: hoàn chỉnh việc phục hồi và tôn tạo những phế tích có giá trị tiêu biểu; cơ bản phục hồi hoàn nguyên các công trình quan trọng khu vực Đại nội theo kiến trúc hoàng thành trước đây và phương án quy hoạch bảo tồn được duyệt, bao gồm dự án nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh.
Để có cơ sở pháp lý triển khai dự án, Trung tâm, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành các thủ tục để trình Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét hỗ trợ thực hiện dự án trùng tu, phục hồi hoàn nguyên điện Cần Chánh từ nguồn ODA không hoàn lại với tổng kinh phí đề nghị khoảng 32 triệu USD.
Theo Trung tâm, đây có thể xem như là công trình trong di tích Huế được nghiên cứu phục hồi lâu nhất, công phu nhất với nhiều công sức, độ khó, sự cần mẫn và dành tất cả tình yêu cho di tích từ phía Huế và Nhật Bản. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được phía Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa vào danh mục hỗ trợ từ nguồn vốn ODA.
Để dự phòng phương án nguồn vốn ODA của Nhật Bản có trở ngại, Trung tâm cũng đã lập dự án dự phòng (vẫn chọn Đại học Waseda làm tư vấn), đưa vào kế hoạch trùng tu từ nguồn vốn ngân sách trong nước. Nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai vì chưa có nguồn vốn bố trí.
Hành trình nghiên cứu để phục hồi ngôi điện đẹp nhất trong Tử cấm thành Huế, biểu tượng quan trọng dưới thời vua Nguyễn vẫn là trăn trở với bao thế hệ nghiên cứu và người làm công tác bảo tồn vì dự án chưa thể triển khai. (còn tiếp)
Bình luận (0)