Tim Marshall mở đầu cuốn sách bằng một ví dụ kinh điển khi nhắc đến sự sụp đổ của bức tường Berlin (Đức) năm 1989 - biểu tượng của cuộc Chiến tranh Lạnh và sự chia rẽ/chia cắt đất nước. Trong bối cảnh đó, học giả Francis Fukuyama xuất bản tiểu luận The end of history (Sự cáo chung của lịch sử) giữa năm 1989 và cuốn sách The end of history and the last man (Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng) năm 1992. Lịch sử là lịch sử nào? Nếu “cáo chung” không mang ý nghĩa “chấm dứt” mà là “đích đến” như Fukuyama từng biện hộ trong Identity (Bản sắc) thì hình thái chủ nghĩa tư bản kiểu phương Tây, toàn cầu hóa, chủ nghĩa quốc tế và sự thống nhất có đang đưa cả thế giới đến cuộc sống giàu có hơn, ít bạo lực hơn?
Bức tường Berlin lưu dấu những câu chuyện một thời |
T.L |
Từ bức tường vật lý đến não trạng pháo đài
Trong Chia rẽ: Tại sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường, Tim Marshall viết tám chương sách, kèm những ví dụ minh họa sống động, về Trung Quốc, Mỹ, Israel, Palestine, Tây Á, Ấn Độ, châu Phi, châu Âu, Vương quốc Anh, xem xét những bức tường hữu hình đang tồn tại ở các khu vực đó gây ra những chia rẽ như thế nào giữa con người và các quốc gia với nhau.
Bức tường Berlin kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó nhưng lịch sử thì không dừng lại. Trong thế giới toàn cầu hóa - thời đại xích lại gần nhau và hợp tác, đang tồn tại một nghịch lý là trong vòng 20 năm qua, hàng nghìn dặm tường, hàng rào, rào chắn, dây thép gai - thậm chí được gài mìn, mọc lên khắp nơi trên thế giới từ Âu sang Á để ngăn chặn dòng người/làn sóng nhập cư, ngăn xung đột tôn giáo, tránh nguy cơ/đe dọa của khủng bố và chủ nghĩa dân tộc... Các ranh giới-tường tạo nên những đường đứt gãy phân chia địa chính trị và bản sắc quốc gia, dân tộc; góp phần hình thành thế giới của chúng ta trong nhiều năm tới như Tim Marshall nhận định.
Nếu Vạn lý trường thành được xây dựng để ngăn cách giữa văn minh của người Hán ở phương Nam và sự man di mọi rợ ở phương Bắc (Mông Cổ, Mãn Châu Lý, Tân Cương) trong quá khứ, có giá trị biểu tượng chia cắt người Hán với những người không phải người Hán, thì Vạn lý hỏa thành (bức tường lửa lớn) đang được vận hành ở Trung Quốc ngày nay là để ngăn cách người Trung Quốc khỏi sự "độc hại" của tinh thần tự do, dân chủ và văn hóa đồi trụy phương Tây, đồng thời để ngăn ngừa những nguy cơ bạo động từ bên trong thông qua kiểm soát an ninh mạng.
Bìa sách Chia rẽ: Tại sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường, Trần Trọng Hải Minh dịch, Nhã Nam và NXB Dân trí vừa ấn hành. |
NGUYỄN QUANG DIỆU |
Ở Mỹ, bức tường mà Donald Trump muốn dựng lên, trong chiến dịch tranh cử, ở biên giới với Mexico được truyền thông mô tả như một biểu tượng của lòng quyết tâm bảo vệ nền văn hóa-ngôn ngữ Mỹ, giá trị Mỹ trước sự xâm nhập từ bên ngoài, cụ thể là làn sóng nhập cư, nhằm chia tách người Mỹ với người không phải Mỹ. Với bán đảo Triều Tiên, những chia rẽ từ bên ngoài là một lực cản lớn bên cạnh chia rẽ từ bên trong, ở đó có sự tham gia của cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản với những toan tính riêng khiến sự chia rẽ nội bộ vẫn tiếp tục kéo dài sau nhiều thập kỷ…
Những cuộc di cư hàng loạt từ bên ngoài vào Mỹ, từ nông thôn đến thành thị ở Trung Quốc, từ Bangladesh đến Ấn Độ, từ Palestine sang Israel… là thứ không thể dừng lại. Vì sinh tồn, để tồn tại, để thoát nghèo, tránh xa bạo lực chiến tranh, tị nạn khí hậu… là những nguyên nhân. Để ứng phó, nước giàu sẽ dựng lên những bức tường vật lý như biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan và Bangladesh, biên giới Israel và Palestine ở Bờ Tây, ngày càng nhiều (nhiều hơn thời Chiến tranh Lạnh) những bức tường được dựng lên giữa lòng châu Âu…; cư dân thành thị sẽ dựng lên những bức tường ý thức và tâm lý thị dân với dân ngoại ô và nông thôn. Những bức tường đó mang đến sự chia rẽ sắc tộc, chủng tộc, phẩm giá cá nhân, chính trị, bản sắc (một chiều) để cô lập và nhấn chìm kẻ khác. Tuy nhiên, những kẻ khác không phải người Hán hay người Mỹ… đó có khi lại có cùng văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ như họ.
Từ những bình nguyên nông nghiệp ban đầu với những bộ lạc, con người dựng nên nhà cửa chuồng trại ngăn cách nhau, hàng rào để đánh dấu lãnh thổ, pháo đài để cố thủ khi bị tấn công và chòi canh để bảo vệ. Và giờ đây, một thế giới kỹ thuật số mới trên không gian mạng đã và đang hình thành, ở đó có sẵn những "chân lý" của phe "chúng ta" để bác bỏ những luận điểm của phe "chúng nó’" quanh những vấn đề về văn hóa, sắc tộc, chính trị, chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo, ý thức hệ, vùng miền…
Tim Marshall cho rằng, vận mệnh của các quốc gia là do địa lý tạo ra và chi phối, hoặc do con người đang tự chia rẽ lẫn nhau. Thế kỷ 21 như luận giải của Tim Marshall là thời đại của những bức tường, ở đó ý niệm chia rẽ bám trụ dai dẳng trong tâm trí con người như một phần bản chất của họ. Trong ý nghĩa đó, trong mọi thời, từ bình nguyên nông nghiệp cổ xưa cho đến biên giới quốc gia thời toàn cầu hóa và lãnh thổ/hội nhóm trên các mạng xã hội/thế giới kỹ thuật số hiện tại, con người vẫn miệt mài đi xây tường, dựng hàng rào và là tác nhân chính gây ra chia rẽ. Mỗi bức tường có những lý do tồn tại và sứ mệnh riêng của nó để kể những câu chuyện chia tách, chia rẽ… nhân danh truyền thống, ý thức hệ.
Một đoạn của Vạn lý trường thành |
T.L |
Những bức tường, rào chắn được dựng lên là để ngăn chặn bạo lực nhưng mặt khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra bạo lực, những bức tường là biểu hiện vật lý của sự bất đồng ngày càng sâu sắc hơn giữa các quốc gia. Những bức tường nổi bật và kiên cố nhất có thể là những bức tường chưa tồn tại hoặc là những bức tường không thể nhìn thấy, nó đang nằm trong não trạng của mỗi con người, mỗi lãnh đạo.
Chia rẽ: Tại sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường của ký giả Tim Marshall mang đến những thông tin, lý giải thú vị giúp người đọc ý thức được điều gì đã và tiếp tục chia rẽ "chúng ta và chúng nó" trên các cấp độ: cá nhân, địa phương, quốc gia, quốc tế.
Bình luận (0)