'Kỳ gian' và câu chuyện vẽ tranh không dùng cọ

16/07/2023 18:47 GMT+7

Với chủ đề The course of time (Kỳ gian), nữ họa sĩ trẻ goY Trần đã mang đến không gian trưng bày của DAT art space số 3/5A Yersin, P.10, TP.Đà Lạt một cuộc đối thoại giữa con người và thiên nhiên thú vị.

Triển lãm diễn ra từ ngày 8.7 - 31.7, trưng bày 25 bức tranh được vẽ bằng cà phê trên những chất liệu khác nhau như giấy tái chế từ phân voi, giấy bã mía, giấy truyền thống dân tộc (giấy dó, giấy dướng, giấy dừa…) với kỹ thuật không dùng cọ mà tác giả trình bày là goY Trần (Trần Ngọc Yến).

'Kỳ gian' và câu chuyện vẽ tranh không dùng cọ  - Ảnh 1.

Tác giả goY Trần (bìa phải) đang trao đổi với điêu khắc gia Cao Bá Hưng

NVCC

Tác giả goY Trần sinh ra ở Đồng Tháp, lớn lên và sáng tác ở TP.HCM cho biết: "Đúng hơn là tôi không dùng cọ để vẽ trực tiếp lên giấy mà vẽ bằng cách đổ trực tiếp cà phê trong bát ra giấy theo định lượng nhiều ít khác nhau. Đôi khi dùng muỗng đổ xuống, có lúc vẩy cà phê bằng cọ từ trên xuống. Những hoạt động ấy dừng lại cũng là lúc mình cảm thấy nó đã trở thành tác phẩm theo ý niệm của mình".

Sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông, năm 2017 goY Trần tham gia công việc tình nguyện viên một năm ở Ba Lan và Scotland. "Tôi đến với trẻ em có hội chứng tự kỷ (phổ tự kỷ, trẻ không nói được, khiếm thị, mất khả năng giao tiếp xã hội và chăm sóc bản thân). Tôi làm công việc tình nguyện vì điều đó mang lại cho tôi nhiều giá trị tinh thần và hiểu về mỗi mảnh đời khác nhau nhiều hơn. Bởi từ lúc 7 tuổi tôi đã phải đối mặt với sự trầm cảm nên xem việc vẽ hay những hoạt động liên quan đến nghệ thuật, làm tình nguyện viên là một phương thức giúp tôi tự chữa lành sự trầm cảm của mình. Vẽ và được diễn đạt suy nghĩ của mình ra ngoài, giúp được những đối tượng có cùng hoàn cảnh với mình là hạnh phúc của tôi", goY Trần nói.

Cô gái trẻ chia sẻ thêm: "Việc tiếp xúc với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn khiến tôi cảm thấy trân trọng cuộc sống và những gì mình đang có hơn. Trẻ em khuyết tật thường phải sử dụng sự sáng tạo và kiên nhẫn để vượt qua những khó khăn và thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Họ có thể tìm ra những cách độc đáo để làm những việc mà người khác xem là bình thường. Những góc nhìn độc đáo về cuộc sống ở trẻ em tự kỷ truyền cảm hứng cho tôi trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ thiên nhiên và hiểu hơn về những âm thanh khác trong cuộc sống".

Có lẽ nhờ "những góc nhìn độc đáo của trẻ em tự kỷ" mà The course of time cũng trở nên độc đáo khi có sự kết hợp giữa hội họa và thơ ca, giúp tăng trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật vượt ngoài khuôn khổ và khám phá những khả năng sáng tạo mới. Kết hợp hội họa và thơ ca cho phép thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và ý tưởng toàn diện, đa chiều hơn. Khía cạnh hình ảnh của bức tranh có thể gợi lên những cảm xúc nhất định, trong khi các từ trong bài thơ góp phần đào sâu thêm các tầng ý nghĩa của câu chuyện.

'Kỳ gian' và câu chuyện vẽ tranh không dùng cọ  - Ảnh 2.

Xem tranh của goY Trần, nhất là bức Reincarnation (bức tranh hai mặt được vẽ bằng cà phê trên giấy dó, mỗi mặt của bức tranh mang đến những sắc thái, góc nhìn, cảm nhận khác nhau), điêu khắc gia Phạm Văn Hạng gọi goY Trần là "người thực hành lý tưởng" bởi hội họa đối với goY Trần giống như một công cụ để thiền, hướng tới phát triển tâm thức của con mỗi ngày, hơn là một chức danh cụ thể nào đó theo quy chuẩn xã hội. Đó cũng là một trong những lý do tác giả không dùng cọ khi vẽ các bức tranh, mục đích hướng đến sự tự do trong từng giọt cà phê được đổ vào trang giấy, và sự tự do trong tâm trí của goY Trần vậy.

Và, số tiền thu được trong việc bán tranh trong triển lãm này góp phần ủng hộ cho trẻ em tự kỷ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.