Ký hợp đồng in sẵn mua nhà, bảo hiểm, người dân chịu nhiều 'điều khoản bất lợi'

10/05/2023 09:51 GMT+7

Cử tri rất lo lắng, thậm chí bức xúc khi mua nhưng không được nhận nhà ở, đất ở, cũng chưa lấy lại được tiền đã đầu tư. Nhiều người cũng gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm.

Sáng nay 10.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Ký hợp đồng in sẵn mua nhà, bảo hiểm, người dân chịu nhiều 'điều khoản bất lợi' - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến

QUOCHOI

Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm. 

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã khẩn trương hơn trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Công ty AIC; sai phạm trong phát hành trái phiếu của một số tập đoàn là FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh...

Cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính...

Tuy nhiên, theo ông Chiến, do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động giảm.

Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19. Cử tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì đời sống sẽ tiếp tục khó khăn hơn.

Đáng chú ý, một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo lắng, có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nay không nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư. Nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm... 

Người dân cũng băn khoăn, lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau; các vụ cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng thực thi pháp luật hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm, thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn.

"Hiện nay, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ là sự thật, không thể né tránh. Nếu các cơ quan nhà nước không có ứng xử thật lòng giải quyết những khó khăn, tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển thì trong thời gian tới rất khó khăn và còn khó khăn hơn nữa", ông Chiến nêu rõ.

Ký hợp đồng in sẵn mua nhà, bảo hiểm, người dân chịu nhiều 'điều khoản bất lợi' - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi trong phiên họp

QUOCHOI

Cần bảo đảm quyền lợi người dân mua nhà, trái phiếu, bảo hiểm

Ông Chiến cũng đề cập tới khía cạnh có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm. 

Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ. 

Đây là các hợp đồng được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. "Vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân", ông Chiến nêu.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc cũng kiến nghị có quy định phòng, chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, "giữ an toàn quá mức cần thiết", không dám giải quyết công việc. Từ đó gây trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. 

"Suy cho cùng, biểu hiện này cũng là tiêu cực. Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, chứ không thể đổ lỗi, sợ, không dám làm", ông Chiến nêu thêm.

Tình hình công dân khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, cử tri cũng lo ngại vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội; việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp…

Trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2588/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 4 - kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV (đạt 99,9%).

Trong tháng 4, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 3. Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 486 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.