Kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận: Gỡ nút thắt 'cán bộ đùn đẩy trách nhiệm'

08/12/2022 12:29 GMT+7

Sáng nay 8.12, HĐND tỉnh Bình Thuận đã khai mạc kỳ họp thứ 12, cũng là kỳ họp cuối cùng của năm 2022 để bàn và quyết định nhiều chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế , xã hội của tỉnh.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết, đây là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung quan trọng, các đại biểu sẽ thảo luận về kết quả hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời biểu quyết 17 nghị quyết quan trọng.

Đặc biệt, kỳ họp này, HĐND sẽ thực hiện quyền giám sát thông qua việc chất vấn trực tiếp lãnh đạo các sở ngành và UBND tỉnh trên các lĩnh vực mà cử tri quan tâm.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh phát biểu tại kỳ họp cuối năm, sáng ngày 8.12

QUẾ HÀ

Nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng trình bày báo cáo về kinh tế xã hội năm 2022, cho thấy đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội kể từ sau đại dịch Covid-19.

GRDP tăng trưởng khoảng 7,75%, ước đạt và vượt 16/17 chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm. Đón khách du lịch đạt 5,7 triệu lượt (giảm hơn 10%, trong đó khách quốc tế giảm mạnh), doanh thu đạt 13.680 tỉ đồng.

Thu ngân sách ước đạt 11.300 tỉ, trong đó thu nội địa giảm 1,4 % so với năm 2021 (do giảm thu tiền sử dụng đất). Giải ngân trong năm 2022 ước đạt 95% so kế hoạch giao.

Tuy nhiên, theo ông Đăng, trong năm 2022 xuất hiện nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Các sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu, như trái thanh long, cao su (cao su giảm sâu tới 92,3%). Vẫn còn tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ.

Nổi bật khó khăn trong năm là tình hình xuất khẩu trái thanh long, mủ cao su gặp khó, số lượng giảm sâu

QUẾ HÀ

Chỉ số hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính, nhất là cấp huyện, cấp xã còn thấp, chậm được cải thiện. Tiến độ triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm còn rất chậm.

Đáng chú ý, theo ông Đăng, đã xuất hiện tình trạng làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi cơ quan chức năng ở T.Ư tiến hành kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm khuyết điểm, sai phạm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ các công việc chung của tỉnh.

Để tháo gỡ các khó khăn, tìm giải pháp cho năm 2023, theo ông Đăng, UBND tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động . Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Dù lượng khách du lịch đã hồi phục nhưng giảm rất sâu so với trước dịch, đặc biệt là không có khách quốc tế

QUẾ HÀ

“Tôi nghĩ chúng ta đang thiếu quyết tâm” !

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho rằng, đã có nhiều điểm sáng trong nền kinh tế của tỉnh, cho thấy nền kinh tế đã được phục hồi so với năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát.

Tuy nhiên, nhìn lại một năm qua, ông An cho rằng kinh tế Bình Thuận phát triển không như mong đợi. Tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ ở mức khá, không như kỳ vọng, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An phát biểu tại kỳ họp của HĐND sáng 8.12 cho rằng nền kinh tế phát triển nhưng không như kỳ vọng

quế hà

Nếu so với các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Thuận xếp thứ 10/14 tỉnh, thuộc nhóm thấp nhất. Ngoài ra, ở Bình Thuận hiện nay, việc xác định giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất các dự án rất chậm chạp.

Không thực hiện được việc đấu giá đất để tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư cũng như tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh.

“Tôi lấy ví dụ một việc thôi, các đại biểu đi tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư nhà tang lễ, đài hóa thân. Đại biểu đã tổng hợp, phản ánh tại các kỳ họp; Tỉnh ủy cũng đã có chủ trương chỉ đạo rồi, song đến giờ chúng ta vẫn chưa làm được. Chúng ta có nhiều công trình phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng 1 nhà tang lễ để lo cho người đã mất không khó, nhưng tại sao nhiều năm không làm được ? Chúng ta không có đất để bố trí, không có tiền để xây, hay không có quyết tâm để làm? Tôi nghĩ, chúng ta đang thiếu quyết tâm”, ông An phát biểu.

Tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất đai, gây mất an ninh trật tự có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi trong tỉnh (trong ảnh là cưỡng chế lấn chiếm đất công ở Mũi Né, TP.Phan Thiết)

QUẾ HÀ

Về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, ông An cho rằng chưa có chuyển biến tích cực, thậm chí còn gây nhiều bức xúc cho dân.

“Nổi lên tình trạng lấn chiếm đất công, lấn chiếm đất các dự án đã được giao đất, cho thuê đất; lấn chiếm, tái lấn chiếm đất sau khi đã đền bù, diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh với tính chất ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Một số trường hợp mang tính chất côn đồ, có tổ chức, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, đất đai, gây bức xúc trong nhân dân”, ông An nêu.

Về nguyên nhân của những yếu kém, tồn tại trên, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan thì “có nguyên nhân từ yếu tố con người”. Nhắc lại báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, ông An cho rằng còn tình trạng cán bộ, công chức yếu về năng lực chuyên môn, làm việc cầm chừng, đùn đẩy công việc và sợ trách nhiệm....

“Tôi đánh giá cao việc UBND tỉnh nhìn nhận rõ vấn đề này và đã thẳng thắn nêu trong báo cáo trình HĐND tỉnh. Tôi đề nghị trong thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận sâu thêm vấn đề này để chúng ta có biện pháp khắc phục trong năm 2023. Nếu không, đây sẽ tiếp tục là lực cản của quá trình phát triển tại tỉnh nhà trong thời gian tới”, ông An nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.