Ngày 9.7, tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII (nhiệm kỳ 2021 - 2026), đại biểu Hoàng Trung Thông (thuộc tổ đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum tại H.Ia H'drai) đặt câu hỏi về những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả
Theo ông Thông, báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc. Tồn tại, hạn chế nêu trên đã được UBND tỉnh chỉ ra trong các báo cáo tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đây được xem là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chậm triển khai thực hiện thi công các dự án và giải ngân kế hoạch vốn đã được bố trí. Từ đó gây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu, chi ngân sách trên địa bàn tỉnh, không đạt kế hoạch đã đề ra.
Ông Hoàng Trung Thông đặt câu hỏi vì sao tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và chưa có giải pháp khắc phục, giải quyết dứt điểm các tồn tại nói trên. Đại biểu này cũng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cho biết cụ thể các khó khăn này là gì? Nguyên nhân vì sao? Các giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian đến...
Gây cản trở lớn đến tiến độ dự án
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nhận định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, hiệu quả của dự án, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. UBND tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành dự án theo kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, ách tắc gây cản trở lớn đến tiến độ dự án. Trong đó, một số dự án hiện nay chưa triển khai được hoặc rất chậm như: dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối H.Kon Plông (Kon Tum) với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà (Quảng Ngãi); dự án đường trục chính phía tây TP.Kon Tum; dự án xây dựng mở rộng doanh trại các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 10 (thuộc Quân đoàn 3) tại xã Hòa Bình, TP.Kon Tum...
Theo ông Sâm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều đối tượng, cơ quan, chính sách, lợi ích người bị thiệt hại, dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, mất an ninh trật tự... Trong khi đó, quá trình quản lý, xử lý của cơ quan có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ, chưa đảm bảo pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế đối với từng khu vực, địa phương như chuyển đổi rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ, đặc dụng...
Ngoài ra, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật mất nhiều thời gian như thông báo thu hồi đất, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng mất từ 3 đến 6 tháng.
"Ngoài các nguyên nhân trên, còn có sự thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư và các cơ quan khi chưa quyết liệt, chưa chủ động phối hợp linh hoạt giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc này. Chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, xác minh nguồn gốc đất... Nhất là sau khi những sai phạm được thanh tra, kiểm tra phát hiện đã ảnh hưởng, chậm tiến độ của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng", ông Sâm nói.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum tập trung hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1.8.2024, trong đó có quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm và có chế tài xử lý đối với chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm chính, không được phó thác, phải chủ động phối hợp tốt với địa phương, sở, ngành để làm tốt, kịp thời công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ các cơ quan thực hiện nhiệm vụ và công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn...
Bình luận (0)