Ký kết CPTPP: Không nên chỉ nhìn vào 11 thị trường

07/03/2018 11:47 GMT+7

Một trong những yếu tố từng gây “hụt hẫng” các nền kinh tế hồ hởi tham gia TPP trước đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui khỏi TPP vào đầu năm qua.

Tuy nhiên, mọi nhiệt huyết và kể cả toan tính của các nền kinh tế đã quay trở lại ngay lập tức sau khi CPTPP được tiếp tục thúc đẩy đàm phán tại VN vào tháng 11.2017.
Trên thực tế, dù lợi ích tiếp cận thị trường Mỹ không còn nữa nhưng thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với VN. Vì vậy, hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc, Canada, Mexico... cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà VN đang có nhu cầu phát triển. Ngoài ra, CPTPP cũng sẽ là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Mỹ quay trở lại và sự tham gia của các nước khác.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy, một thỏa thuận tự do thương mại được thông qua có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đẩy lùi hàng rào bảo hộ được các nước lớn dựng lên. Khung pháp luật mà các nước trong CPTPP đề cập vượt khỏi khuôn khổ của 11 nước thành viên mà sẽ là mô hình hiệp định quốc tế cho các hiệp định khác tham khảo. 
Mỹ đang chiếm hơn 22% kim ngạch xuất khẩu của VN, tuy nhiên các thị trường mới như Úc, New Zealand, Mexico… được nhiều DN kỳ vọng qua hiệp định này. Nhiều DN ngành dệt may và giày dép đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào hai thị trường Úc và New Zealand. Xuất khẩu hàng dệt may của VN sang Úc khoảng 200 triệu USD/năm. Tuy nhiên, theo các DN dự báo, sau CPTPP con số này sẽ tăng từ gấp 3 - 5 lần. Hay như với Mexico, năm 2017 xuất khẩu cá ngừ của VN vào thị trường này lên đến 15 triệu USD, tăng 66% so với năm trước.
Từ khai thác các thị trường mới này, theo ông Doanh, việc mở rộng thị trường sang các quốc gia khác cũng dễ dàng hơn. Do đó, không nên nhìn vào hiệp định gói trong 11 quốc gia mà đó là thị trường rộng hơn, không loại trừ khả năng Mỹ có thể quay trở lại thì một số quốc gia khác cũng đã ngỏ ý muốn tham gia.
Cơ hội lớn chính ở đây. Một dự báo từ Bloomberg đưa ra vào đầu năm nay cho thấy, CPTPP sẽ không dừng lại ở con số 11 thành viên mà có thể tăng lên 16. Như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã ngỏ ý có thể sẽ tham gia. Như vậy, dự báo cho thấy, nếu lợi ích của các bên được mở rộng, quy mô thị trường được chuyên gia dự báo lớn đến 500 tỉ USD/năm, cao gấp 3 lần dự báo của CPTPP và cao hơn cả dự báo của TPP trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.