Việc chỉ “khoanh vùng” xử lý đối với cán bộ từ cấp thứ trưởng trở lên đã về hưu hay bất cứ ai có vi phạm cũng phải xử lý đang gây tranh luận khi dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức được đưa ra lấy ý kiến.
Để rộng đường dư luận, Thanh Niên ghi nhận ý kiến của đại diện ban soạn thảo cũng như một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), Tổ phó Tổ biên tập dự án luật: Xử lý cán bộ cấp thấp thì tính tuyên truyền, cảnh báo cũng không cao
|
Đúng là lãnh đạo huyện, xã cũng có quyền lực lớn. Đúng ra một anh công chức cấp xã hoặc một bà phó trưởng phòng ở một doanh nghiệp nhà nước cũng có thể gây thiệt hại đến hàng nghìn tỉ, nhưng đó cũng chỉ là cấp thực thi. Có luồng quan điểm hướng đến chỉ xử lý các vị trí có thể đưa ra các chính sách, các quyết định hành chính có ảnh hưởng đến nhiều người, chứ không phải cấp tổ chức thực hiện. Chúng ta cũng cần phân biệt xử lý mang tính chất tuyên truyền, cảnh báo và xử lý mang tính trừng phạt. Xử lý mang tính trừng phạt đã chiểu theo pháp luật hình sự, hoặc cách chức, hạ lương với cán bộ đương chức. Còn với những người đã về hưu thì mang tính chất giáo dục, cảnh báo là chính. Do đó, có ý kiến cũng cho rằng mở ra ở cán bộ cấp quá nhỏ thì tính chất cảnh báo cũng thấp. Tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng đang đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến đóng góp và vấn đề này chắc cũng sẽ phải xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi ban hành.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ai vi phạm cũng nên xử
|
Tôi lưu ý rằng chỉ một chủ tịch xã, một chuyên viên thôi đã có thể vi phạm rất nặng rồi. So với một chủ tịch huyện thì phạm vi quyền hạn của thứ trưởng chưa chắc đã bằng. Cái tư duy cho rằng mình có thể thoát khỏi việc bị trừng phạt đã dẫn đến tư duy nhiệm kỳ, dẫn đến “hy sinh đời bố, củng cố đời con” như dân gian thường nói. Nếu chúng ta sợ mở rộng đối tượng đông quá không xử lý xuể thì phải làm sao để cho bớt đi, chính là răn đe ngay từ ban đầu để người ta không dám làm nữa, vì dù về hưu bao nhiêu năm anh vẫn cứ phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng mình không ngại cái đông, đã vi phạm thì nên xử lý.
Ông Nguyễn Hải Long, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử: Nếu chỉ xử lý người đứng đầu thì có thể bao quát đến cấp xã
|
Về phạm vi, tôi cho rằng nên áp dụng đối với người đứng đầu, vì đó mới là người phải chịu trách nhiệm, cấp phó cũng chỉ là giúp việc thôi. Nếu áp dụng như vậy, thì phạm vi sẽ rút gọn còn khoảng 600 cán bộ cấp chiến lược (chủ tịch tỉnh, thứ trưởng trở lên); chủ tịch huyện khoảng hơn 700 người; khoảng trên dưới 12.000 chủ tịch xã... Nếu xác định áp dụng với người đứng đầu thì có thể bao quát được đến tận cấp xã, và nên như thế. Chức vụ gắn với 2 thứ: một là danh dự, hai là quyền lợi. Xử lý cán bộ về hưu là vấn đề danh dự rồi; còn quyền lợi chỉ còn 2 thứ là đi khám bệnh theo bảo hiểm và tổ chức lễ tang khi chết. Nếu xử lý kỷ luật đối với một chuyên viên đã về hưu cũng chỉ dừng ở mức đó thôi.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Nếu buộc phải làm, nên áp dụng với tất cả những người có chức vụ
|
Cũng có người lập luận việc xử lý này có tác động về mặt danh dự, nhưng khuyến khích không lớn. Nếu cái lợi của họ rất lớn thì nhiều trường hợp họ sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, chuyện danh dự trong việc có thể bị cách cái này cái kia khi về hưu sẽ không có ý nghĩa đáng kể. Danh dự sẽ gắn với dư luận và sự đánh giá của công chúng nhiều hơn, mà cái này thì không cần quy định gì cả.
Nếu buộc phải làm, thì tôi nghĩ áp dụng với tất cả những người có chức vụ, không quan trọng cấp nào, vì anh có “nguyên” - nguyên trưởng phòng, nguyên cục trưởng... tức là anh có một cái như tước. Còn người không có chức thì thôi. Tôi quan niệm “cựu” tức là vị trí đã từng có trong quá khứ, “nguyên” tạm coi là cái tước của anh, thì có thể cách cái “nguyên” đó như một vấn đề danh dự. Tuy nhiên, cũng phải rất rõ về mặt khái niệm mới làm được, vì hiện tại chúng ta cũng không có văn bản nào phân định sự khác nhau giữa “nguyên” và “cựu”.
Bình luận (0)