Kỷ luật Đảng nghiêm minh cốt để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Lê Hiệp
(thực hiện)
13/03/2023 07:09 GMT+7

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ quyết liệt như hiện nay, xử lý quan chức vi phạm không có vùng cấm, song quy định kỷ luật Đảng hiện cũng rất nhân văn, thấu tình đạt lý.

"Trong hơn một năm qua đã có 6 ủy viên đương nhiệm khóa XIII nhận trách nhiệm chính trị và xin thôi giữ các chức vụ. Đây là nét mới cho thấy sự chặt chẽ, toàn diện và nghiêm minh trong việc xử lý kỷ luật đảng viên nói riêng, công tác cán bộ nói chung của Đảng", PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Thanh Niên.

Kỷ luật Đảng nghiêm minh cốt để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm  - Ảnh 1.

PGS-TS Vũ Văn Phúc

NGHIÊM MINH NHƯNG NHÂN VĂN, THẤU TÌNH ĐẠT LÝ

Các quy định về miễn nhiệm, từ chức và bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mới được Bộ Chính trị khóa XIII ban hành đã tạo nên sự đồng bộ, chặt chẽ, và nghiêm minh trong kỷ luật Đảng, thưa ông?

Ngày 3.11.2021, Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ được ban hành thì ngày 19.11.2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật ở mức cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến do những vi phạm khi còn là Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tới ngày 8.9.2022, Bộ Chính trị có thông báo Kết luận số 20 về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật. Trong đó nêu rõ kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Cùng đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Kỷ luật Đảng rất nghiêm minh, nhưng cũng nhân văn, thấu tình đạt lý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Kỷ luật không phải là đánh một đòn chết ngay, dập cho người ta không ngóc đầu dậy được. Kỷ luật cốt để họ sửa chữa, trưởng thành".

Cũng trong năm 2022, các ông: Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư, đều là các ủy viên T.Ư đương nhiệm bị kỷ luật ở mức độ cảnh cáo, sau đó đã được T.Ư Đảng quyết định cho thôi chức vụ Ủy viên T.Ư Đảng.

Kỷ luật Đảng phải là kỷ luật "thép", tức là phải rất chặt chẽ, nghiêm minh. Tôi cho rằng các quy định như Quy định 41, thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị cùng với các quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm mới được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đã tạo cơ sở để tiến thêm một bước trong việc hình thành hệ thống quy định đồng bộ, nghiêm minh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhưng thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ chủ trương tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện?

Kỷ luật Đảng rất nghiêm minh, nhưng cũng nhân văn, thấu tình đạt lý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Kỷ luật không phải là đánh một đòn chết ngay, dập cho người ta không ngóc đầu dậy được. Kỷ luật cốt để họ sửa chữa, trưởng thành". Do đó, xem xét kỷ luật cán bộ, đảng viên phải "xem xét toàn diện và phải xem xu hướng vận động phát triển nhìn về tương lai".

Thế nên mới nhất, Quy định 69 ngày 6.7.2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, bên cạnh kế thừa quy định cũ, đã bổ sung thêm nguyên tắc khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào "hoàn cảnh cụ thể". Điều này có nghĩa, khi xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm cần phải đặt hành vi của cán bộ đảng viên trong điều kiện lịch sử cụ thể.

Như dịch bệnh Covid-19 hai năm qua là một hoàn cảnh bất thường, chưa có tiền lệ. Do đó, khi xử lý vụ việc cần phải tính đến yếu tố này, không thể cứng nhắc áp dụng các quy định như điều kiện bình thường. Vừa qua, khi xử lý vụ án Việt Á, Bộ Chính trị đã chủ trương phân hóa thành các nhóm đối tượng để xử lý. Những kẻ chủ mưu, biết sai vẫn thực hiện sai phạm để tư lợi thì kiên quyết xử lý nghiêm minh. Ngược lại, những người không phải chủ mưu, không có yếu tố vụ lợi cần được đánh giá toàn diện, xem xét mức kỷ luật nhẹ hơn.

Kỷ luật Đảng nghiêm minh cốt để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm  - Ảnh 3.

Các quy định về kỷ luật đang được đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm minh nhưng cũng nhân văn, thấu tình đạt lý

GIA HÂN

KHẮC PHỤC TÂM LÝ SỢ TRÁCH NHIỆM

Thời gian qua, rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự vì những sai phạm từ các nhiệm kỳ trước. Không có quan chức nào có sai phạm có thể "hạ cánh an toàn" mà phải "chịu trách nhiệm đến suốt đời"?

Đúng là việc xử lý kỷ luật cán bộ hiện nay không còn khái niệm "hạ cánh an toàn". Một khi cán bộ có hành vi sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý theo kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điều này thể hiện quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính và các hình thức xử lý của pháp luật.

Tuy nhiên, với mục đích tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, quy định của Đảng về xử lý kỷ luật cũng quy định rõ về thời hiệu kỷ luật, tức là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm không bị kỷ luật.

Theo Quy định 69, thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng là 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách và 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng và các hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Bởi lẽ, trong thực tế đối với các hành vi vi phạm mà mức kỷ luật nhẹ, không đến mức đặc biệt nghiêm trọng, phải khai trừ ra khỏi Đảng thì việc kỷ luật sau thời hạn hơn 5 năm (đối với mức kỷ luật khiển trách) và hơn 10 năm (đối với mức kỷ luật cảnh cáo, cách chức) sẽ không còn nhiều tính răn đe, cảnh tỉnh vì sự việc đã diễn ra quá lâu. Quy định về thời hiệu này sẽ tạo cơ hội để cán bộ sửa chữa, tiếp tục phấn đấu, nhất là những cán bộ trẻ tuổi.

Vừa rồi, Quốc hội đã sửa luật Công chức, viên chức để đồng bộ hóa thời hiệu kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính với thời hiệu 5 năm và 10 năm tôi cho là phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng là nhiều nơi cán bộ sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật nên không dám làm dẫn đến công việc nhiều nơi ách tắc, trì trệ. Những quy định như trên liệu có đủ giải quyết tình trạng này không, thưa ông?

Tâm lý sợ trách nhiệm, trì trệ, "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" mà anh nói tới ở một số nơi, một số thời điểm là có và cần sớm được khắc phục.

Từ năm 2021, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tới Quy định 69 vừa rồi, chủ trương này cũng đã được tích hợp khi quy định rõ: nếu đảng viên thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo nhưng xảy ra thiệt hại thì sẽ được xem xét miễn kỷ luật, hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Tại khoản 3, điều 2 Quy định 69 thể hiện rất rõ tinh thần này: "Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra".

Tôi cho đây là một bổ sung thể hiện tinh thần nghiêm minh nhưng nhân văn, thấu tình đạt lý, xem xét các hành vi vi phạm trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Đây sẽ là cơ sở rất quan trọng để tiếp tục thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.