Cuối tháng 9 vừa qua, theo báo cáo của Ban Tổ chức T.Ư, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tới 30.6, toàn hệ thống chính trị đã giảm 3 đầu mối (đang hoàn thiện thủ tục để giảm thêm 1 đầu mối) trực thuộc T.Ư, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 87 cục, vụ, 73 đơn vị sự nghiệp thuộc ban, bộ, ngành.
Kết quả, toàn hệ thống giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó; đã tinh giản được khoảng 97.900 biên chế... góp phần tiết kiệm chi thường xuyên trong năm 2019 khoảng 10.000 tỉ đồng.
Những “điểm sáng” có thể kể đến như Bộ Tài chính. Tính đến tháng 9.2019, số chi cục thuế trong cả nước đã giảm từ 711 còn 500 chi cục. Trước đó, từ tháng 9.2018 đến nay, Tổng cục Thuế đã tiến hành nhiều đợt hợp nhất hàng trăm chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài chính đã rà soát, sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, cắt giảm được 3.160 đầu mối các đơn vị từ T.Ư đến địa phương.
Trong đó, giảm 2 tổ chức cấp phòng thuộc các vụ/cục thuộc cơ quan bộ, 30 phòng thuộc cơ quan tổng cục, 485 tổ chức cấp phòng/chi cục thuộc cục địa phương và 2.643 đơn vị cấp tổ (đội) thuộc chi cục thuộc cục địa phương.
Kết quả, so với biên chế được giao năm 2015, biên chế công chức của Bộ Tài chính được giao năm 2019 đã giảm 4.974 chỉ tiêu (giảm 6,7%). Đặc biệt, giảm trên 1.700 công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên.
Tại Bộ Y tế, từ năm 2016 đến nay, số lượng phòng trong các vụ, cục của bộ được sắp xếp, thu gọn từ 94 xuống còn 59 phòng (giảm tương đương 37,2% và giảm 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng). Bộ GTVT theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2021 sẽ tinh giản 1.855 biên chế, tương ứng với giảm 16,5% so với năm 2015. Thống kê cho thấy năm 2015, Bộ Nội vụ giao Bộ GTVT 2.030 chỉ tiêu biên chế, năm 2016 giao 2.000 chỉ tiêu; 2017 giao 1.970 chỉ tiêu và năm 2018 giao 1.935 chỉ tiêu. Như vậy, đến hết năm 2018, khối hành chính Bộ sẽ giảm 95 chỉ tiêu.
Không chỉ bộ, ngành mà tại các địa phương phong trào tinh giản biên chế diễn ra hết sức khẩn trương, sôi động. Cần Thơ công bố tinh giản và cắt giảm 164/213 biên chế, đạt hơn 76% kế hoạch giai đoạn 2015 - 2021. Số lượng người trong đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 3.194/2.313 người, đạt 138% kế hoạch giai đoạn 2015 - 2021. Sau 2 năm, Lai Châu đã sắp xếp, tinh gọn 124 tổ chức, giảm được 109 lãnh đạo, tinh giản được 1.049 biên chế. Cao Bằng giảm 500 vị trí lãnh đạo...
Mới cắt phần ngọn
Không thể phủ nhận kết quả của việc tinh giản biên chế, cắt giảm bộ máy hành chính, tuy nhiên theo PGS-TS Trần Đình Thắng, Học viện Kỹ thuật quân sự, tinh giản biên chế không đơn thuần là cắt giảm số lượng một cách cơ học và làm theo “phong trào”, “mùa vụ” nhất thời. Phải làm sao để nó có sự đào thải, thanh lọc, làm trong sạch, “làm khỏe” và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự một cách thường xuyên trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động của bộ máy công vụ, để duy trì bộ máy có biên chế hợp lý nhất, có chất lượng và hiệu quả hoạt động tốt nhất.
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, tinh giản biên chế, đặc biệt cấp lãnh đạo là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp... Việc làm rất khó thực hiện nhưng bắt buộc phải làm. “Chúng ta làm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh vì không ít cơ quan, cán bộ, công chức là người thân, người quen, người nhà của các sếp. Nếu làm gắt thì lại điều chuyển từ vị trí này sang vị trí khác tương đương. Như vậy chỉ đạt được hình thức, còn chất lượng thì không có chuyển biến”, ông Long nói.
Bình luận (0)