Hơn 70% trẻ học cưỡi ngựa là bé gái
Như mọi khi sau buổi tập cưỡi ngựa, Gabrielle đều tắm, chải bờm và cho cô ngựa Velvet ăn. Nhưng hôm nay Gabrielle làm chậm hơn, kỹ hơn, thỉnh thoảng em cúi xuống ôm cô ngựa, thì thầm điều gì đó, mắt rơm rớm…
Có lẽ hôm nay là ngày rất buồn của Gabrielle, 10 tuổi, vì ngày mai em phải theo ba mẹ về lại Canada sau 3 năm ở Việt Nam gắn bó với cô ngựa Velvet. Gabrielle là một trong số hàng trăm kỵ mã nhí tại Sài Gòn Pony Club - câu lạc bộ đầu tiên ở TP.HCM huấn luyện trẻ em cưỡi ngựa, có tuổi đời gần 20 năm.
Trận mưa kéo dài suốt đêm qua khiến buổi sáng trở nên mát mẻ. Câu lạc bộ Sài Gòn Pony Club (Tam Đa, Thủ Đức) khá nhộn nhịp. Sân trước là nơi "lính mới" tập những bài cơ bản. Phía sau là nơi "lính kỳ cựu" tung vó. Mé chuồng ngựa là đám trẻ đang vuốt ve và cho ngựa ăn cà rốt, táo để làm quen.
Khoảng 100 trẻ em đang học cưỡi ngựa tại đây, chủ yếu là con của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc…, trẻ Việt Nam khoảng 10 - 15 em. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên nhìn những nhóc tì 6 - 7 tuổi học cưỡi, nữ huấn luyện viên người Pháp Michelle Laenger cười: "Ăn nhằm gì, ở đây còn có trẻ học từ… 4 tuổi nữa kìa. Không ít bạn nhỏ ở câu lạc bộ đã có thời gian tập cưỡi ngựa gần… 10 năm. Điều thú vị là khoảng hơn 70% trẻ học cưỡi ngựa tại đây là nữ. Có lẽ do bé gái tập trung và dịu dàng với ngựa hơn các bé trai".
Hàng chục đến cả trăm triệu đồng/con ngựa
Theo huấn luyện viên Michelle, đầu tiên trẻ sẽ làm quen với ngựa, học cách dẫn ngựa từ chuồng ra sân, cách leo lên lưng ngựa, vận động trên lưng ngựa, ngồi trên yên và có người dẫn ngựa đi. Bài tập cơ bản là nằm, ngồi vững trên lưng, dang tay, nhắm mắt… Những bài tập khó hơn sẽ là điều khiển được ngựa đi thẳng, rẽ trái, phải, đi vòng tròn. Khó hơn nữa là những bài đi nước kiệu (nhanh), vượt chướng ngại vật, vượt xà, đi sa hình.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động cưỡi ngựa vượt rào, thi trang điểm cho ngựa. Vào các dịp lễ như Quốc tế thiếu nhi 1/6, câu lạc bộ cũng tổ chức các buổi cắm trại ở rừng, hoặc biển cho các học viên nhí tự do cưỡi", Michelle cho biết.
Những chú ngựa dễ thương luôn có sự cuốn hút đặc biệt với trẻ em. Phụ huynh của bé Uyển Hân (10 tuổi, đã học cưỡi ngựa tại đây gần một năm) kể: "Năm ngoái đi nước ngoài chơi, thấy những con ngựa trên thảo nguyên cưng quá, bé về nằng nặc đòi đi học cưỡi ngựa. Những hôm nắng quá, tôi nói thôi ở nhà cho mát nhưng nó cứ nằng nặc đòi tôi phải chở đi học, thăm mấy bạn ngựa".
Kỵ sĩ nhí và lời tạm biệt khó nói với cô ngựa đáng yêu
Do trẻ mê ngựa quá, một số phụ huynh mua ngựa và gởi lại trại nhờ chuyên gia chăm sóc, mỗi tuần chở con lên cưỡi. Một con pony chưa huấn luyện giá khoảng 30 - 40 triệu đồng/con, ngựa đã huấn luyện giá khoảng 80 - 100 triệu đồng/con.
"Ngựa ở đây chủ yếu là pony, chiều cao từ lưng xuống đất khoảng dưới 1,4 m nên rất phù hợp với trẻ em. Khi ngựa già sẽ được bán về các khu du lịch ở Đà Lạt để khách đến tham quan", ông Amaury Le Blan, chủ Sài Gòn Pony Club cho biết.
Những lợi ích bất ngờ cho trẻ từ cưỡi ngựa
Ngày nay, khoa học đã báo động sự lệ thuộc quá nhiều của con người vào điện thoại, mạng xã hội. Cưỡi ngựa không chỉ là sở thích mà còn là hoạt động ngoài trời có tác dụng tích cực đến sức khỏe thể chất cho trẻ. Âm thanh và nhịp điệu khi trên lưng ngựa cũng là một liệu pháp tốt giúp tiết ra endorphins làm tăng thư giãn, giảm đau.
Theo tạp chí Journal of Physical Therapy Science, cưỡi ngựa có thể cải thiện đáng kể sức mạnh cơ bắp và độ linh hoạt của trẻ vì khi cưỡi trẻ phải duy trì thăng bằng và điều khiển ngựa, từ đó giúp phát triển cơ bụng, lưng và chân. Chưa kể việc phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm cơ và sự tập trung cao độ, giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động và cân bằng.
"Khi học cưỡi ngựa, chuyện té là bình thường. Điều tự hào nhất của tôi là các bé rất dũng cảm. Bị té, có bé đau nên khóc, nhưng chỉ vài phút sau lại chủ động leo lên ngựa cưỡi tiếp. Ngựa ở trại thấp, sân cưỡi là cát nên bị té không nguy hiểm", chị Nguyễn Thị Duyên Trang, trợ lý của Sài Gòn Pony Club chia sẻ.
Ở Sài Gòn Pony Club, không chỉ học cách điều khiển ngựa, trẻ còn phải học cách chăm sóc, chịu trách nhiệm với con ngựa mình cưỡi. Sau buổi tập, trẻ được khuyến khích tắm, chải lông, mát xa ngựa, cho ngựa ăn như hình thức khen thưởng. Trại không thu tiền vé nên nhiều phụ huynh thường dẫn con đến ngắm ngựa, mang theo cà rốt, táo, chuối để trẻ cho ngựa ăn.
Nghiên cứu từ Frontiers in Veterinary Science cho thấy, giao tiếp cơ thể với ngựa, chăm sóc ngựa sẽ giúp phát triển các mối liên kết tình cảm, tăng sự thấu cảm và trách nhiệm ở trẻ. Tiếp xúc với ngựa và tham gia cưỡi ngựa có thể giảm mức cortisol (hormone gây căng thẳng) trong cơ thể trẻ.
David Nolan, nhà địa chất học người Canada đang làm việc tại Việt Nam cho biết: "Con gái tôi là Gabrielle đã học cưỡi ngựa ở đây được 3 năm. Cưỡi ngựa không chỉ giúp những đứa trẻ dũng cảm hơn mà còn biết chăm sóc và yêu thương động vật hơn".
Là một trong những kỵ mã nhí giỏi nhất ở Sài Gòn Pony Club, Tô Ái Minh, học sinh trường THCS Colette, Q.3 mới 14 tuổi nhưng đã có… 9 năm cưỡi ngựa. Về lý do gắn bó với cưỡi ngựa, với sự "già dặn" trước tuổi, Ái Minh cho biết: "Hồi nhỏ em học vì thích ngựa. Lớn lên, ngoài chuyện xem cưỡi ngựa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, còn là cơ hội chơi với các bạn nước ngoài. Bây giờ là công dân toàn cầu rồi, kết nối càng nhiều càng tốt".
Cưỡi ngựa trị liệu cho trẻ tự kỷ và khuyết tật
Cưỡi ngựa thật sự là một phương pháp trị liệu, có tên là hippotherapy và đã được chứng minh là giúp ích nhiều cho trẻ khuyết tật và tự kỷ.
Theo Journal of Physical Therapy Science, liệu pháp cưỡi ngựa có tác dụng tích cực trong việc cải thiện thăng bằng và kiểm soát vận động ở trẻ em bị bại não. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp, cưỡi ngựa lại không cần nói nhiều, chỉ cần dùng chân thúc, nói ngắn, nhẹ nhàng là đủ nên tiếp xúc với ngựa và huấn luyện viên sẽ khuyến khích trẻ tự kỷ cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội.
Phương pháp cưỡi ngựa trị liệu đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập… Cách đây khoảng 10 năm trước, cưỡi ngựa trị liệu đã được câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ ở Hà Nội và câu lạc bộ Ngựa Hà Nội phối hợp thử nghiệm.
Bình luận (0)