Kỹ năng sống chung với ‘lũ’ ở Sài Gòn

27/09/2016 15:19 GMT+7

Chuyên gia khuyên nên hạn chế di chuyển khi có mưa lớn. Các hố ga, các xoáy nước sẽ gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện lưu thông, đặc biệt là phụ nữ…

Trận mưa kinh hoàng chiều tối 26.9 trên địa bàn TP.HCM, đã gây ngập 59 tuyến đường với chiều sâu ngập từ 0,10 m đến 0,50 m; diện tích ngập lan rộng từ 100 m2 đến 30.000 m2.

59 tuyến đường bị ngập nặng
Sáng 27.9, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết, trận mưa diễn ra vào lúc 16 giờ 45 phút ngày 26.9 là trận mưa cực đoan, lớn nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ trong thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi, vũ lượng mưa đã đạt đến 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay.
Theo thống kê, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vũ lượng mưa đã đạt 170,3 mm (theo Trạm đo Tân Sơn Hòa). Tại các bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 đã xuất hiện ngập cục bộ với chiều sâu ngập 0,30m.
So với trận mưa ngày 26.8 vừa qua, tình hình ngập tại sân bay này đã được cải thiện nhờ việc cải tạo xong 7 vị trí cống băng ngang đường tuyến Mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước. Ngoài ra, tại một số Trạm đo mưa như Mạc Đỉnh Chi, chỉ sau khoảng 1 tiếng rưỡi, vũ lượng đã đạt 204,3 mm; Trạm đo mưa Lý Thường Kiệt, vũ lượng là 169,4mm; Trạm đo mưa Thanh Đa là 172,2 mm....
Cơn mưa chiều 26.9 khiến nhiều người dân TP.HCM khổ sở Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trận mưa lớn đã gây ngập nặng cho 59 tuyến đường như: Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo... thuộc lưu vực Bến Nghé (Q.4) ngập sâu khoảng từ 0,20 đến 0,30m.
Tại lưu vực Tây TP: Lượng nước ngập sâu ở ngưỡng cao 0,40m trên các tuyến đường Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký, Tân Quý...; Tại lưu vực Nam TP: Các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Mai Hắc Đế... ngập sâu từ 0,20 đến 0,25m; Tại lưu vực Bắc TP, lượng nước ngập sâu ở ngưỡng khá cao từ 0,25 đến 0,30m trên các tuyến đường Nguyễn Văn Quá, Phan Văn Hớn...
Mặc dù, hiện nay một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước, nhưng vẫn rơi vào tình trạng “ngập hoàn ngập” như: Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân...
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, nguyên nhân là do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước tại miệng thu hầm ga, kênh rạch... còn phổ biến.
“Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy. Đồng thời, tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến. Một số dự án thoát nước đang triển khai thi công, cũng đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu. Một số tuyến đường đã xử lý ngập bằng giải pháp tạm như: Đấu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu… Trong khi chờ các dự án lớn triển khai đã xuất hiện ngập khi mưa to”, đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết thêm.
Hạn chế lưu thông khi mưa lớn
Theo TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, mưa lớn kéo dài, một lượng lớn nước mưa sẽ đổ dồn về các khu vực có vùng trũng, kênh rạch... Khi dòng nước chảy này gặp những vật cản hoặc tại khu vực có hố ga, sẽ xuất hiện những dòng xoáy nước, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Vì vậy, để bảo vệ bản thân trước những tình huống bất ngờ xảy ra, trước tiên, bản thân người dân cần phải hạn chế lưu thông khi trời mưa.
“Tại các hố ga, các xoáy nước sẽ gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện lưu thông, đặc biệt là phụ nữ. Họ thường có tay lái yếu và hay lúng túng trước những tình huống bất ngờ xảy ra, dẫn đến tình trạng bị trôi xe, sập hố cống... Để tránh những tai nạn đáng tiếc này, người đi đường cần quan sát kỹ khi tham gia giao thông. Nếu đang di chuyển trên các tuyến đường, khi nhìn thấy dòng chảy lớn, các xoáy nước, hay có phát hiện dây điện bị đứt, thì người dân cần dừng lại, chứ không nên tiếp tục lưu thông”, TS. Phạm Sanh nhấn mạnh.
Trận mưa kinh hoàng chiều tối 26.9 trên địa bàn TP.HCM, đã gây ngập 59 tuyến đường với chiều sâu ngập từ 0,10 m đến 0,50 m Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngoài ra, việc cây xanh ngã đổ gây thương vong về người đã không hiếm. Để phòng tránh việc này, TS. Phạm Sanh cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, hạn chế mức tối đa khi di chuyển vào trời mưa và có giông. Đồng thời, trong quá trình di chuyển, cần chú ý quan sát, đặc biệt không nên đứng dưới gốc cây xanh để núp mưa, như thế sẽ rất nguy hiểm. Người dân sống quanh khu vực có phát hiện dây điện bị đứt, cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng và cảnh báo cho người đi đường.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần có kế hoạch thường xuyên kiểm tra các hệ thống nguồn điện, cây xanh, tập trung nạo vét hệ thống cống thoát nước, kênh rạch ở những vị trí có khả năng gây ngập.... Đồng thời, các ban ngành cần cần có trách nhiệm đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo cho người dân nắm rõ, nhằm tránh các trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra khi lưu thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.