Vì sao ư? Vì với tất cả các tờ báo chính trị - xã hội, điều tra luôn là mảng dựng nên tên tuổi, thương hiệu tờ báo và thu hút nhiều bạn đọc nhất - tất nhiên, tác giả những bài điều tra cũng gắn liền với ánh hào quang đó. Thực tế ở VN, báo chí đã góp phần quan trọng phanh phui rất nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, những góc khuất xã hội… qua mảng điều tra. Có thể dẫn ngay như vụ băng nhóm tội phạm Năm Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18, vụ Dương Chí Dũng… và rất nhiều vụ việc khác mà chắc chắn không một ai có thể nhớ và kể hết.
Nhưng làm sao để có những phóng sự điều tra thành công? Không có câu trả lời công thức chung, bởi mỗi phóng sự điều tra được thực hiện trong bối cảnh khác nhau, đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo và cả dấn thân mạo hiểm, hy sinh của người thực hiện… Tuy nhiên, từng bước thực hiện bài điều tra lại có trong cuốn Đường vào phóng sự điều tra của nhà báo Ngọc Trân, vừa do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. Sách dày 200 trang, dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của nhiều phóng viên, nhà nghiên cứu trong lẫn ngoài nước và của tác giả, giúp người đọc nắm vững những kỹ năng điều tra, tìm tài liệu, phân tích và sử dụng chứng cứ… và thậm chí là cách chấp nhận thất bại để rút tỉa những kinh nghiệm quý cho các phóng sự điều tra tương lai.
Cũng cần thêm vài dòng về tác giả - nhà báo Ngọc Trân như một sự “bảo chứng”. Ông từng làm việc cho báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn..., hiện là giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM; đã có rất nhiều sách xuất bản như Khám phá nghề biên tập; Kinh tế học: ồ quá dễ!; Viết tin, bài đăng báo; Thuật viết lách từ A đến Z…
Bình luận (0)