Mỗi sáng đi ngang qua công viên Phú Lâm (đường An Dương Vương, Q.6, TP.HCM), người đi đường dễ bắt gặp hình ảnh một lão ông vóc người thấp bé tung những đường quyền ngọn cước đầy uy lực, tay loang côn vun vút. Vị tiền bối 84 tuổi đó có cái tên như… con vua: Thái Tử Nghiêu.
|
Thái Tử Nghiêu sinh ngày 20.8.1930 tại làng Độc Tự Giang, huyện Tam Thủy, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Thuở nhỏ, cậu bé nghèo có cái tên như… con vua này luôn ốm đau bệnh tật, vì thế năm lên 7 tuổi, người con duy nhất trong gia đình họ Thái được cha cho thọ giáo môn phái Hồng gia. Học được 2 năm thì bóng ma chiến tranh ập tới, gia đình “vị thái tử” phải chạy loạn sang Việt Nam, dừng chân lập nghiệp tại chợ Thiếc (Phó Cơ Điều, Q.11) mưu sinh bằng nghề đan sọt.
Năm lên 10 tuổi, Thái Tử Nghiêu tìm đến Nhơn Nghĩa đường xin theo thọ giáo quyền sư Lưu Phú - võ phái Thiếu Lâm Châu gia (thuộc Nam phái, môn võ cương nhu phối triển, kết hợp Hồng gia và Thái gia), học cùng các sư huynh đệ Lưu Hào Lương, Tô Hữu, Khổng Quảng, Lư Diệu, Lâm Nhữ, Phan Ngạng (đoàn lân Trung Tín đường, Q.10), Trực Đạo, Lưu Mãng, Đặng Liêm, Dư Thượng Giai (Mã Chảy), Châu Cung Quận… Trùm du đãng vùng Chợ Lớn Tín Mã Nàm (Trần Hà Tư) từng mời quyền sư Lưu Phú về dạy võ tại nhà (đường Nguyễn Trãi, Q.5).
Do sinh kế, sau 3 năm khổ luyện võ công, Thái Tử Nghiêu đành buồn bã bái biệt sư phụ đi làm công nhân xưởng sản xuất dù, dẫu vất vả mưu sinh nhưng không vì thế mà niềm đam mê võ thuật trong lòng “thái tử” trở nên nguội lạnh. Ban ngày ông đi làm, tối về khổ luyện bên ánh đèn dầu công phu của Lưu sư phụ truyền dạy như Vạn Tự quyền, Tứ Bình quyền, Mai Hoa chưởng, Song công phục hổ, Lục Giác tạng, Ngũ Hình quyền, Tỏa Hầu thương, Cửu Hoàn đại đao, Lữ Bố kích… Nhằm tạo thu nhập đồng thời có cơ hội trau dồi nghề võ, buổi tối Thái Tử Nghiêu đi dạy Thiếu Lâm Châu gia thêm cho môn sinh. Khi bước sang tuổi 30, mái tóc của Thái Tử Nghiêu đã trở nên bạc trắng, vì thế võ lâm đồng đạo đặt cho biệt danh “Bạch Đầu Nghiêu”.
Trong hàng trăm bài quyền và binh khí Thiếu Lâm Châu gia, Thái Tử Nghiêu tâm đắc bài danh quyền Mai Hoa chưởng. Bài này tổng cộng 68 thế, khi thể hiện, tấn và thân pháp xoay bốn phương tám hướng tương tự cánh hoa mai bừng nở, quyền tung ra phải có kình lực hạ gục địch thủ nhanh chóng, luyện đôi tay không những cứng như thép mà còn phải uyển chuyển linh hoạt bằng cách đánh, đấm, xỉa, chọt mới đầu là bao mùn cưa đến bao cát rồi sỏi, đá dăm, hít đất liên tục với 10 đầu ngón tay, tung và chụp bắt quả tạ sắt nặng 3 kg… Tương truyền, đời nhà Nguyên bên Trung Quốc, vào một buổi sớm đầu xuân, Giác Viễn thiền sư đang ngoạn cảnh chùa, bỗng từ cội mai già, hàng ngàn nụ hoa rơi lả tả trước trận gió đông, vị cao tăng lập tức múa may theo hướng những cánh mai rơi, sau đó cảm hứng chế tác thành bài danh quyền Mai Hoa.
Nước da hồng hào, đôi mắt tinh anh, thân thủ linh hoạt, giọng nói sang sảng của lão võ sư 84 tuổi đã thuyết phục không ít người tìm đến ông xin theo học võ. “Tôi dạy Thiếu Lâm Châu gia tại công viên Phú Lâm từ năm 1996, ban đầu môn sinh đa số thanh niên trai tráng, về sau có thêm nhiều người cao tuổi tập dưỡng sinh tại đây, trông thấy tôi mạnh khỏe, minh mẫn lại còn tung quyền, múa kiếm, ngưỡng mộ bèn xin theo học” - lão võ sư vui tính cười cho biết.
Trước đây, mỗi sáng vị cao thủ Thiếu Lâm Châu gia từ nhà đạp xe ra công viên Phú Lâm đi về đôi lượt hơn 20 km nhằm mong truyền đạt cho hậu thế những tuyệt kỹ công phu. Vài năm trở lại đây, ông chuyển sang đi xe buýt, huấn luyện thể lực, các kỹ năng tự vệ chiến đấu cho khoảng 50 môn sinh đủ mọi lứa tuổi vào mỗi sáng trong tuần (từ 5 giờ 30 đến 11 giờ 30), buổi chiều ông dạy võ tại nhà (117/26 An Bình, P.6, Q.5) cũng như nhận đến dạy kèm tại tư gia cho những ai yêu thích võ thuật.
Ngọc Thiện
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 4: Truyền nhân Vịnh Xuân quyền
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 3: Trần cao thủ với tuyệt kỹ Cổn Đường đao
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 2: 'Bát quái côn' của Đàm sư phụ
>> Kỳ nhân làng võ: Cao thủ 'đao thương bất nhập
Bình luận (0)