Thập niên 70 thế kỷ trước, vùng Chợ Lớn lừng lẫy đội lân Kim Sư Thanh Liên với những tiết mục biểu diễn rợn người của võ sư Trần Cây: dùng thập chỉ - mười đầu ngón tay - xỉa vỡ tan chồng gạch Tàu, lủng quả dừa tươi, đó là Hổ Hình quyền - tuyệt đỉnh công phu Nam Hồng phái do tổ sư Huê Quang sáng lập.
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 5: Thái Tử Nghiêu và tuyệt kỹ Mai Hoa chưởng
|
Võ sư Trần Cây tên thật là Lâm Văn Kỷ, sinh năm 1940 tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Năm 1945, thế chiến thứ 2 bùng nổ, ông chạy loạn cùng bà ngoại sang Việt Nam ngụ ở chợ Hòa Bình (Q.5), 17 tuổi, làm quản lý nhà hàng Maxims rồi nhà hàng nổi Thanh Đa, nhà hàng Thiên Nam. Định mệnh đưa đẩy Trần Cây đến với nghiệp võ khi người bạn giới thiệu gặp quyền sư Lâm Minh Hào - cao thủ Nam Hồng quyền, cùng là đồng hương Hải Nam. Từ đó, Trần Cây không rời sư phụ nửa bước, theo thầy hành tẩu giang hồ từ chợ Hòa Bình rồi Thuận Kiều đến cầu Xóm Củi...
Lâm sư phụ dáng cao dong dỏng, không vợ con, làm tài công tàu thủy tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu, rất nghiêm khắc, đệ tử luyện võ xao lãng lập tức bị thầy đánh chảy máu đầu. Được giới võ lâm gọi là “Dìa Có” (anh Hai), ông Hào lừng lẫy Chợ Lớn với tuyệt kỹ Bát quái chưởng, từng khuất phục nhiều tay du đãng cầu Xóm Củi. Năm 1952, sau khi nghỉ lái tàu, Lâm quyền sư sáng lập Kim Sư Thanh Liên biểu diễn lân từ Sài Gòn, Chợ Lớn đến Sông Bé, Tây Ninh, Phan Thiết… Thời gian này, ông theo sư phụ học hỏi từ những nét căn bản của môn võ này đến sự vận dụng tinh túy, sáng tạo và nhờ khổ luyện, chẳng mất chốc ông đã đạt được nội công ở mức thượng thừa.
Hơn 8 năm theo thầy “dãi nắng dầm mưa”, chấp nhận tập luyện trong gian khổ, Trần Cây lĩnh hội toàn bộ tinh hoa Nam Hồng quyền (môn công phu thuộc Thiếu Lâm nam phái kết hợp Thái gia mã) với nhiều bài mang tính chiến đấu cao: Hổ Hình quyền, Tam Tiết côn, Song Đầu côn, Bát Quái côn, Tứ Môn quyền, Quan Công đao, Hoa quyền… Học cùng Trần Cây có các sư huynh đệ Hàn Nghệ Phong, Lâm Hán Thành, Trương Lộc Công... Tết Mậu Thân 1968, quyền sư Lâm Minh Hào quá vãng. Trước khi tạ thế, ông giao toàn bộ cơ nghiệp cho đệ tử Trần Cây với lời nhắn nhủ: “Con và các sư huynh đệ hãy cố gắng gìn giữ và phát huy những nét tinh túy của môn võ học này. Thầy rất hy vọng những bài võ đầy sức mạnh và nghĩa khí của môn phái mình sẽ được nhiều người biết đến tập luyện và vận dụng tốt trong cuộc sống”.
Công phu Hổ Hình quyền được Trần Cây luyện và trình diễn hết sức sắc sảo khi ông thể hiện nhãn quan đầy uy lực và hủy diệt như lúc chúa sơn lâm rình mồi, 5 đầu ngón tay (ngũ trảo) cứng tựa thép qua nhiều năm xỉa, chọt, đâm bao cát, sỏi, đá dăm, Hổ trảo (10 ngón tay quặp lại cong vòng như móng cọp) tấn công theo đường thẳng, cự ly ngắn, chủ yếu kéo, bẻ, vặn, chụp các yếu huyệt ở mặt, cổ, cánh tay, cổ tay, ngực, bụng đối phương cực kỳ lợi hại. Ông kể lại: “Hổ Hình quyền đòi hỏi sự tập trung rất cao, mình phải làm cho thân thể nhẹ nhàng và hết sức thư thái giống như thiền để toàn bộ sức lực tập trung vào cánh tay và các đầu ngón tay. Chỉ khi đó mới có thể thực hiện tốt các động tác khéo léo của môn võ này”. Hiện dù đã bước sang tuổi 74 nhưng vóc dáng Trần võ sư vẫn vạm vỡ với lưng thẳng, vai ngang, hai cánh tay và bàn tay to, chai cứng, thành quả đạt được qua hàng chục năm khổ luyện công phu Hổ Hình quyền.
Với sứ mệnh truyền bá và phát dương môn phái, lão võ sư Trần Cây đã đào tạo nhiều cao đồ kiệt xuất như Phù Châu Tử, Tăng Kỷ Quang, Lâm Quốc Thy, Huỳnh Quốc An, Huỳnh Quốc Hưng… Từ 20 đến 22 giờ thứ hai, tư, sáu hằng tuần, Trần sư phụ truyền bá công phu Nam Hồng quyền tại trường học Trần Hữu Trang (P.11, Q.5).
Ngọc Thiện
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 4: Truyền nhân Vịnh Xuân quyền
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 3: Trần cao thủ với tuyệt kỹ Cổn Đường đao
>> Kỳ nhân làng võ - Kỳ 2: 'Bát quái côn' của Đàm sư phụ
>> Kỳ nhân làng võ: Cao thủ 'đao thương bất nhập
Bình luận (0)