Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Lực lượng thanh niên xung phong: 1-C, con đường huyền thoại

12/07/2020 08:10 GMT+7

Ngày 15.7.2020 là kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam . Kỷ niệm dấu mốc đặc biệt này, Báo Thanh Niên xin trích đăng một số kỳ trong cuốn sách 1-C, Con đường huyền thoại (NXB Mũi Cà Mau - NXB Phương Đông.

Từ những tấm gương 

Hơn 8 năm kiên trì dũng cảm chiến đấu trên tuyến lửa 1-C (1967 - 1975) đường mòn Hồ Chí Minh ở miền Tây Nam bộ, 2 liên đội thanh niên xung phong đã lập nên những kỳ tích lưu danh sử sách.
467 trên 724 đồng chí, đa số là nữ tuổi từ 16 - 20, đã vì Tổ quốc thân yêu nằm lại mãi mãi trên những nẻo đường của miền Tây Nam bộ, tập trung nhất là vùng Hà Tiên, Bảy Núi, kinh Vĩnh Tế, An Giang. Nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần chiến đấu hy sinh của anh chị em vẫn mãi mãi khắc sâu vào tâm tư, tình cảm của những đồng đội còn sống sót sau cuộc chiến tranh khốc liệt đó. Những con người, những cái tên hết sức thân yêu mà mỗi lần gặp lại nhau, nhắc lại là ôm nhau khóc mãi không thôi. Như chị Nguyễn Ngọc Đẹp, Trung đội phó Đại đội Nguyễn Việt Khái II, khi L-19 của địch phát hiện ra nơi đóng quân của ta, phóng pháo điểm xuống đội hình.
Khi pháo điểm vừa chạm mặt đất cách Đẹp không đầy 3 m, chị đã nhanh trí ra lệnh cho đồng đội móc đất sình đè lên quả pháo. Chân duỗi, tay móc sình đắp lên, cứ thế mà dập tắt được quả pháo màu.
Chị cùng đại đội dụ dẫn địch ra phía ngoài và kết quả chúng thả bom bên ngoài cứ, ta bảo vệ được lực lượng. Nhưng cuộc chiến đấu đâu dừng lại. Những trận đụng đầu tiếp theo với địch, người đồng đội thân yêu ấy đã ngã xuống một cách anh dũng. Tinh thần hy sinh bảo vệ đồng đội, bảo vệ căn cứ của chị mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Như người nữ đồng đội Võ Thị Hồng Láng, quê đất Phong Lạc, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Sự hy sinh dũng cảm của chị đã bảo vệ đồng đội, bảo vệ “hàng” và làm cho kẻ thù bàng hoàng khiếp sợ. Ai ai trong chúng tôi cũng ngậm ngùi khi nhớ lại ngày hôm ấy.
Trong chuyến vận chuyển hàng chiến lược từ Campuchia qua biên giới bằng đôi vai bé nhỏ gầy yếu của mình, khi băng qua đồi cát, cách kinh Vĩnh Tế khoảng 500 m thì bị phục kích. Đồng đội và đồng chí đã dũng cảm chiến đấu, vượt khỏi vòng vây địch. Khi đến trạm tập trung kiểm điểm quân số thì phát hiện còn thiếu 2 đồng chí là Tám Hoa và Hồng Láng ở Đại đội Nguyễn Việt Khái II. Nhờ sự bình tĩnh, mưu trí, chị Tám Hoa đã dùng tro tràm phủ lên khắp mình mẩy, nên địch không phát hiện, dù lúc đó chị đã bị thương, và sau đó đồng đội tìm được chị đưa về.
Riêng Hồng Láng do bị thương nặng nên hôn mê. Bọn địch bắt được chị và dùng xe bò đưa về Vĩnh Điều. Chúng muốn chị phải sống và cung khai ra nơi ở và kho vũ khí đạn dược của ta để hòng dập tắt tuyến đường 1-C, con đường quyết định vận mạng chiến trường Tây Nam bộ. Đã bị thương, mất máu nhiều, kiệt sức, phải trải qua sự tra tấn man rợ của kẻ thù, và đấu tranh cân não với sự khai thác của chúng, chị Hồng Láng không cho địch băng bó và quyên sinh trước sự thán phục và sợ hãi của quân thù. Hành động hy sinh của người anh hùng Võ Thị Hồng Láng đã tô thêm nét son oanh liệt trên tuyến đường 1-C huyền thoại.

15.7 là ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam

Tư liệu

 Mỗi sự ra đi đều đã để lại dấu ấn cao đẹp

Chúng ta cũng nhớ lại hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thình - Tiểu đội trưởng. Trong một trận đụng đầu ác liệt với địch, nhiều đồng đội bị thương. Thình được lệnh bảo vệ thương binh và đưa về tuyến sau. Trên đoạn đường tải thương, địch phát hiện, cho trực thăng phóng pháo đánh nhừ nát đội hình ta.
Riêng Thình kiên quyết bảo vệ thương binh đến cùng, xuồng chuyển thương binh bị bể, anh kéo lên gò cho thương binh nằm không ướt. Qua mỗi trận pháo, anh nhanh chóng ngụy trang lại chỗ giấu thương binh. Một đợt pháo bất thình lình không tránh kịp, anh dùng thân mình nằm chồng lên để che cho đồng đội và cuối cùng anh Nguyễn Văn Thình đã dũng cảm hy sinh.
Hơn 400 đồng chí không bao giờ trở lại, mỗi sự ra đi của họ đều đã để lại dấu ấn cao đẹp, sáng ngời về sự hy sinh, về lòng dũng cảm để bảo vệ kho tàng, đồng đội, xông ra phía trước đối mặt với quân thù, giành cái chết về phần mình để đồng đội được sống. Có những người vẫn còn hiện diện bên cạnh chúng ta, tiếp tục chịu đựng những thiệt thòi mất mát, vẫn không một lời oán trách, không một tiếng kêu ca như Hồ Thanh Hồng, đã từng có biệt danh là Hồng “Cối”, giờ có chồng, 5 con, là thương binh, không có đất đai canh tác, phải đi làm thuê làm mướn. Có lẽ mọi người chung quanh và nhất là chính quyền địa phương không hiểu nhiều về đồng chí, nhưng trong lòng đồng chí và đồng đội không thể nào quên…
Rạng sáng hôm đó, địch cho B-52 bỏ bom liên tục và đổ quân xuống đỉnh đồi cách Stúc-mía (Campuchia) 500 m, hàng chục máy bay, hàng trăm xe tăng, và 100 tiểu đoàn tinh nhuệ vây phủ mặt đất, bầu trời nơi ta đóng quân và cất giấu hàng. Trận địa diễn ra vô cùng ác liệt, quân ta “tả xung hữu đột”, vừa đánh xe tăng, chống lại bộ binh, vừa bắn máy bay. Hồ Thanh Hồng có khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí. Đội hình ta bị địch quần tan tác, kẻ chết, người bị thương, tan lạc… Thanh Hồng và Năm Bé bình tĩnh lạ thường. Em dùng súng AK bắn tới tấp về phía địch và rút về các điểm pháo cối 60 li, 80 li, một mình nã đạn liên tục về phía địch, có lúc Hồng dùng cả AT chống tăng, B-40, có lúc ném lựu đạn,… Thanh Hồng và Năm Bé chiến đấu suốt một ngày trời, tinh thần căng thẳng như sợi dây sắp đứt.
Các chốt đầu và chặn viện đã bị địch cắt đứt. Hồng và Năm Bé lui vào hang tiếp tục chiến đấu suốt 7 ngày 7 đêm không một hột cơm, một giọt nước và không chợp mắt, nhưng hai đồng chí đã đẩy lùi mấy chục đợt xung phong của địch.
Sang ngày thứ 8, địch rút chạy, đơn vị ta tìm được 2 đồng chí đã hoàn toàn kiệt sức. Nhưng như một chuyện đùa, chỉ điều trị 5 ngày là cả hai lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.