Kỷ niệm Cứu quốc quân: Bảo vệ đoàn cán bộ đi họp Hội nghị T.Ư VIII

18/12/2021 06:27 GMT+7

Đoàn đi có 9 người: 4 đồng chí T.Ư là anh Sơn (Trường Chinh), anh Vân (Hoàng Văn Thụ), anh Chính (Hoàng Quốc Việt) và anh Trần Đăng Ninh, anh em thường gọi là anh Đầu to; 1 đại diện Xứ ủy Trung kỳ (đồng chí San), 1 đại diện Xứ ủy Nam kỳ (đồng chí Thảo); đi dẫn đường và bảo vệ có đồng chí Tài, cán bộ địa phương; đồng chí Lâm, đội viên Cứu quốc quân , và tôi.

Hành lý là mấy đôi sọt đựng quần áo, trong để tài liệu bí mật. Lương thực là mấy đấu gạo nếp rang thật khô. Vũ khí của tôi là một loại súng đặc biệt: súng Dóp tháo báng, chỉ có ổ súng và nòng không, với một băng đạn 5 viên. Tôi chuẩn bị sẵn 2 cái khăn tay để khi bắn lót tay cho khỏi nóng. Ban ngày, cả súng đạn đều giấu trong cái chăn dạ cuộn tròn vào đòn gánh. Anh em chúng tôi lúc đi bí mật, lúc giả dạng lái buôn đi công khai lên Thất Khê rồi đi đêm ra biên giới.

Di tích Đội Cứu quốc quân I tại xã Tràng Xá, H.Võ Nhai, Thái Nguyên

Trần Thép

Chúng tôi khởi hành vào một buổi chiều vài hôm sau lễ thành lập đội Cứu quốc quân, xuyên khu rừng Vân Hạ. Đến tối mịt thì vượt qua bản Loòng, theo đường núi đá tai mèo lởm chởm xuyên qua xóm Phie Khao đến Bó Tát, một xóm đầu xã Vũ Lăng, nằm trong khu vực cơ sở của ta. Đoàn nghỉ lại ở đây mấy hôm để điều tra lại đường, nắm thêm tình hình: từ đây trở đi là vùng chưa có cơ sở cách mạng, lính địch hay đi tuần. Phải đi gấp làm sao trong một ngày đêm từ Bó Tát đến bến sông Văn Mịch. Chặng đường này dài, phải qua mấy cây số đường cái lớn Bắc Sơn - Bình Gia, lại phải qua mấy làng Bản Quế, Bản Sao, Vạn Thủy, Rạng Mông có nhiều tay sai địch hay sục sạo.

Từ Bó Tát đi qua Nà Tởu, qua Lũng Chỏn, chúng tôi ngồi nghỉ ở ven rừng, chờ cho tối thật lâu mới qua Bản Quế rồi qua quãng đường cái lớn, rẽ vào đường đi Bản Sao, Vạn Thủy. Mọi người rất mừng vì qua được một đoạn đường nguy hiểm. Nhưng ai cũng thấy mệt. Anh Ninh, người yếu sẵn, bắt đầu lên cơn sốt...

Hôm ấy trời tối đen như mực. Đồng chí Tài đi trước dò đường, còn tất cả bám sát nhau, người đi sau nắm áo người đi trước hoặc níu vai nhau mà đi. Mấy đồng chí dưới xuôi lên không quen đường rừng, chập choạng, vấp ngã. Đến mỗi ngã ba, tôi phải chạy lên chạy xuống chờ cho mọi người đi hết rồi mới bước theo sau.

Chúng tôi sẽ phải qua Rạng Mông: Đây là quãng nguy hiểm nhất, chỉ có độc một con đường qua giữa bản, hai bên là núi đá. Trong bản này có nhiều lý dịch phản động. Ở chỗ này mà lộ thì không có đường chạy. Chúng tôi phải ngủ lại trên một đỉnh núi cao nằm dọc đường đi Rạng Mông để hôm sau vượt chỗ nguy hiểm này.

Hôm sau, sắp sửa vượt được Rạng Mông đã nghe có tiếng gà gáy. Tim tôi hồi hộp: Sắp sáng rồi. Đồng chí Tài chắc cũng sốt ruột như tôi. Tài nói nhanh trong hơi thở gấp: “Mau lên, các đồng chí! Sáng thì khó khăn đấy!”.

Anh Ninh lúc này người nóng như hòn than hồng. Anh đang lên cơn sốt, một cơn sốt ghê gớm, nhưng anh vẫn bám theo người đi trước. Anh Chính thì đau chân, bước thấp bước cao, đi rất vất vả. Nhưng biết rằng nhanh một phút là đỡ nguy một phút nên ai nấy đều dồn hết sức xuống hai chân, cố bước cho thật mau, mắt mở to quan sát bốn phía. Một giờ sau, qua được Rạng Mông!

Sáng sớm, chúng tôi vào rừng thay quần áo vì sau một đêm làm bạn với đường trơn, dốc cao, quần áo rất bẩn. Xong lại tiếp tục đi ngay. Dọc đường có các bản xóm lẻ tẻ, gặp nhiều người qua lại: Chúng tôi chia ra làm 2 tốp đi cách nhau. Anh Vân, anh Tài, anh Lâm và tôi vờ nói chuyện làm ăn bằng tiếng địa phương; các đồng chí khác, nhất là đồng chí Trung Kỳ và Nam Kỳ thì đành im như hạt thóc, vì đây là khu người Nùng ở. Nói tiếng Kinh bình thường đã lộ rồi, huống hồ lại nói tiếng miền Trung thì càng lộ.

Chiều hôm đó, chúng tôi đến được bến Pác Cáp là ngã ba sông Văn Mịch. Đoàn vào nhà 2 đồng bào Nùng làm ruộng có quen biết đồng chí Tài ít nhiều. Gia đình này vui vẻ xếp chỗ cho nghỉ rồi giúp chúng tôi làm cơm ăn. Anh Ninh đã ốm lại phải đi bộ suốt ngày đêm trong rừng núi dầm sương dãi gió, bây giờ sốt li bì, không ăn được. Chúng tôi đều rất lo ngại: Đường còn dài, sợ anh Ninh bệnh càng nặng thêm...

Tài đi dò đường gặp đồng bào cho biết tụi châu đoàn thường lùng sục từ Pác Cáp đi Pò Có. Như vậy là đường bộ không thể đi được. Các đồng chí T.Ư quyết định đi đường sông để tránh nguy hiểm. Từ đây bắt đầu phải đi mảng dọc con sông Văn Mịch cho tới cầu Bản Trại (Thất Khê). Đi dọc sông có cái lợi là ít đồn địch, ít qua làng, đỡ nguy hiểm hơn đường bộ. Đồng chí Tài rất thông thuộc con sông này, nhớ từng mỏm đá, con thác. Đến chiều, chúng tôi kiếm được 4 cái mảng nhỏ, mỗi cái là mấy cây nứa ngộ (nứa to), dồn lại thành 2 mảng to, một cái chở 4 người, một cái 5 người. Đồng chí Tài chặt ít cây xếp ngang hai lượt lên trên mảng thành chỗ cao ráo cho anh Ninh nằm khỏi ướt. (còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động 2010)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.