Khác với lần trước đánh chiếm lại đồn Mỏ Nhài với 20 tên lính khố xanh, đánh úp trường học Vũ Lăng với 40 tên vừa lính vừa dõng, lần này chúng huy động quân đông hơn gấp bội: một cánh quân từ Lạng Sơn qua Bình Gia tiến về đánh vào các xã Hương Vũ, Hữu Vĩnh, Tân Lập, Vũ Lăng, Vũ Lễ, gieo tai họa lên đầu nhân dân Bắc Sơn.
Chưa ai quên được mối thù này thì một cánh quân thứ hai gồm lính khố xanh, lính dõng, mật thám, tổng đoàn, cường hào từ Thái Nguyên qua Đình Cả vào khủng bố các xã Tràng Xá, Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên, Làng Mười (thuộc châu Võ Nhai). Chúng ráo riết vây lùng, càn quét liên tục trong các khu rừng, xóm bản. Chúng mặc sức đốt nhà, phá thôn, khủng bố, dồn dân vào các trại tập trung kiểu phát-xít ở Nà Pheo, Đình Cả, Làng Giữa, Đồng Ẻn thực hiện âm mưu “tát cạn nước để bắt cá”, tìm cách cắt đứt dây liên lạc giữa nhân dân với Cứu quốc quân. Khó khăn chồng chất, song có sự chỉ đạo của Trung ương, chúng tôi đang cố gắng khắc phục khó khăn để đưa phong trào tiến lên.
Anh Sơn và anh Vân đã về xuôi. Riêng anh Chính còn ở lại để giúp đỡ chúng tôi kế hoạch chống khủng bố, tổ chức lực lượng đấu tranh. Chưa được một tháng, đột nhiên có thư của anh Vân yêu cầu anh Chính về ngay. Không nán lại được nữa, anh Chính đã chuẩn bị sẵn sàng chấp hành chỉ thị của Đảng. Trước khi về xuôi, anh Chính thay mặt Trung ương Đảng, quyết định thành lập Trung đội Cứu quốc quân thứ hai. (Đội Cứu quốc quân thành lập ở Khuổi Nọi chúng tôi gọi là Trung đội Cứu quốc quân 1).
Các bà, các chị nói rất đúng. Hôm nay, có anh Chính đến đây thật. Anh chị em Cứu quốc quân đã tề tựu đông đủ trên bãi nương, xếp thành hai hàng ngang. Trong giờ phút nghiêm trọng này, còn một người cầm súng chống lại quân thù là một điều mừng. Hôm nay, không phải là một người mà là cả mấy chục người - một số đồng chí còn lại của Trung đội Cứu quốc quân 1 đã được thử thách từ khu căn cứ Bắc Sơn và một số đồng chí mới đứng vào hàng ngũ.
Đội viên Cứu quốc quân họp mặt (1971) |
T.L KHẢI MÔNG |
Hôm nay là 15 tháng 9 năm 1941. Trung đội Cứu quốc quân 2 làm lễ chính thức thành lập. Anh chị em có mặt ở đây phần lớn đã tham gia hoạt động từ sau khi địch đánh úp cơ quan chỉ đạo Cứu quốc quân ở Đình Cả đầu tháng 7 (1941). Hầu hết đều là con em những gia đình bị địch lùa vào các trại giam, đều là những con người mang nặng thù sâu với đế quốc. Nhiều gia đình bị địch khủng bố gay gắt như cả gia đình đồng chí Thoòng, gia đình đồng chí Triệu Khánh Phương có sáu người bị bắt giam ở Định Hóa chết dần chết mòn vì đói khát, ốm đau. Bà mẹ của đồng chí Phúc Quyền bị đánh đến phát điên; mả tổ nhà anh và mả tổ nhà tôi cũng bị chúng đào lên rồi tưới xăng đốt. Tại đình và chùa Cầu Rắn ở xã Phú Thượng, hai tên mật thám gian ác khét tiếng từ Hà Nội tên là Đờ-loóc và Sinh cùng bọn tay chân, ngày đêm ra sức tra tấn những người già, đàn bà, trẻ con, nhất là gia đình các anh chị em hiện đang ở trong khu căn cứ, hòng lung lạc tinh thần Cứu quốc quân và làm nhụt ý chí đấu tranh của quần chúng.
Nỗi khổ của từng người góp lại thành mối thù chung. Chung thù, chung trả là ước vọng của mỗi người, của mọi người. Cũng vì thế, họ yêu thương nhau, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Và khi gặp nguy hiểm, họ sẵn sàng xả thân cứu đồng đội.
Mặt trời đã chếch về phía tây. Nắng thu trải trên nương lúa nương ngô xoải dài theo bờ suối Khuôn Mánh.
Tôi nhìn anh Nguyễn Cao Đàm. Trông anh đã lại người. Viên đạn địch phóng qua bả vai ra trước ngực anh và những ngày đêm lẩn trốn trong rừng trước đây không lâu làm cho lòng căm thù địch thêm sâu sắc. Câu chuyện của anh Đàm cũng là một bài học kinh nghiệm rất bổ ích cho chúng tôi về nhiều mặt. Và câu chuyện ấy cứ như diễn lại trước mắt tôi...
Sau khi bộ phận anh Phùng Chí Kiên và anh Giáo rút khỏi Bắc Sơn, số các đồng chí còn lại tập họp thành một tiểu đội do ba anh Đàm, Tần và Ruệ chỉ huy. Anh em có nhiệm vụ giữ vững cơ sở và chống khủng bố của địch... Họ chia ra làm ba tổ - tổ anh Đàm, tổ anh Thức và tổ anh Vẩn Sang - mỗi tổ nắm một địa phương trọng điểm. Anh Đàm cùng với Quốc Vinh, Tần, Ruệ và Thái “trấn” Phie Khao. (còn tiếp)
(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)
“Lần này, Nguyễn Cao Đàm là một trong ba đồng chí được Trung ương chỉ định vào Ban chỉ huy Cứu quốc quân 2. Người thứ hai là Lê Dục Tôn. Dục Tôn kém tôi vài tuổi, vẻ người hơi lạnh lùng nhưng có mối thù sâu với bọn thống trị. Dục Tôn ít khi cười, làm nhiều, nói ít.
Trước lá cờ đỏ sao vàng, chúng tôi bùi ngùi nhớ lại các đồng chí đã hy sinh. Sau phút mặc niệm, đến lễ tuyên bố kết nạp một số đảng viên mới. Đây là những đồng chí xuất sắc đã được thử thách trong thời gian qua như các đồng chí Phương Cương, Chu Phóng, Hà Mạnh, Hà Kỳ, Hồng Thái... Toàn đơn vị như có một khí thế mới, phấn khởi lạ thường”.
(Thượng tướng Chu Văn Tấn)
Bình luận (0)