Ông cụ và Trung ương đã hướng dẫn chúng tôi nghiên cứu tại chỗ để hiểu nhiệm vụ chống Nhật - Pháp, cứu nước. Nghiên cứu tới đâu, đầu óc chúng tôi sáng ra tới đấy. Những gì mình đang khao khát cần biết đều được giải đáp cặn kẽ. Thật như đại hạn gặp mưa rào. Tất cả những điều trên đã soi đường cho phong trào Bắc Sơn, cho riêng tôi những năm hoạt động sau này.
Trước ngày sắp trở về, ông cụ gọi các đồng chí Xứ ủy tới, dặn riêng từng đồng chí một. Ông cụ đánh máy các nghị quyết xong đưa cho các đồng chí Trung ương và nói: “Các đồng chí lấy cái này, còn cái này để báo cáo quốc tế”. Rồi ông cụ đưa tài liệu cho từng người, của ai người nấy nhận vui vẻ.
Thượng tướng Chu Văn Tấn và đồng bào Việt Bắc |
Tư liệu gia đình |
Chúng tôi tập trung tiểu đội lại, phân chia súng đạn, nhẩm khẩu lệnh, nhắc lại kỷ luật “súng sẵn trong tay không bắn bậy”, chuẩn bị lên đường. Số anh em đi về Bắc Sơn chia thành hai tốp, mỗi tốp đi một ngả. Một số đồng chí đưa Trung ương về đường cái, từ Pác Bó qua Tĩnh Tây qua Long Châu, về Bó Cục, đợi ở đấy: tốp này gồm có anh Sơn, anh Chính, anh Lý, anh Phùng (Phùng Chí Kiên), anh Trương Văn Minh (Đặng Văn Cáp). Một số đồng chí khác như Lâm, Hải Tâm (Bế Sơn Cương), Phung Héc, Mã (Mã Thành Kính),... do tôi cùng Sơn Hùng phụ trách, ngoài vũ khí còn mang một số tài liệu mật, từ Pác Bó về Sóc Giang, qua Đông Ngàn, qua Mỏ Sắt về Hòa An, vào Lũng Hoàng gặp các đồng chí ở Tỉnh bộ Cao Bằng để các đồng chí thu xếp cho đi từ Hòa An qua Đông Khê, Thất Khê, Nà Mạ, Pá Lầu, Tản Trang ra Bó Cục, để lại gặp tốp đồng chí Sơn, và chuẩn bị về Bắc Sơn.
Trên đường cùng đoàn chúng tôi trở về có đồng chí Mạc Văn Hải quê ở Thất Khê, đã hoạt động lâu năm ở Trung Quốc, dẫn đường. Hải phụ trách con đường tắt từ Thất Khê qua Văn Mịch.
Còn các đồng chí Xứ ủy về theo các đường bí mật khác.
Ngày 6 tháng 5 âm lịch (tháng 6.1941), từ giã Pác Bó và ông cụ Thu Sơn, tất cả lên đường.
Tốp đi đường ngoài nước lên đến Tĩnh Tây thì có anh Cao Hồng Lĩnh đi theo.
Lần đi phấn khởi, lần về càng phấn khởi hơn. Trên đường về càng nhớ lại những điều mình đã học được thì càng nhớ Pác Bó, càng nhớ ông cụ.
Về tới Hà Quảng - Đông Ngàn, chúng tôi thấy quần chúng đứng đông nghịt như ngày hội. Người si người lượn, chưa biết dân bản đang có việc vui gì, chúng tôi sinh nghi, rẽ vào bụi theo đúng quy cách quân sự, cũng nấp kỹ, cũng bò lăn lê toài, rình xem. Điệu lượn ấm áp của quê hương nghe không rõ tiếng, chỉ văng vẳng giọng đưa xa xa. Tốp đầu gặp chúng tôi, tươi cười vui vẻ cho biết là tổ chức si lượn để che mắt địch, để bảo vệ và đón đưa chúng tôi. Chúng tôi phấn khởi đi, len vào giữa đoàn người và càng thêm tin tưởng ở quần chúng cách mạng.
Về tới Bó Cục, chúng tôi đã thấy anh Sơn, anh Chính, anh Lý, anh Phùng đợi ở đây. Các anh mừng đội vũ trang chúng tôi về an toàn và tỏ ý rất hài lòng.
Chúng tôi qua Nà Khau, Nà Kẻ, bị lộ. Xã đoàn tưởng là cướp, cho dõng ra chặn đường. Trung ương cử hai đồng chí Lâm và Mạc Văn Hải đi thuyết phục. “Chúng tôi không phải là cướp, chỉ mượn đường đi qua thôi”. Hải nói vậy, đồng thời cố ý hé cho xã đoàn biết chúng tôi đông người, có nhiều súng, đụng vào sẽ bị tiêu diệt ngay! Xã đoàn cũng hốt, phải để cho đi. Hôm đó, chúng tôi lên Khau S’lin, một quả núi cao và nhọn như ngọn măng, ngủ!
Đêm hôm sau, phải vượt Thất Khê, đi vòng theo chân núi Khau Phin. Qua sông Thất Khê, nước hơi to, chảy xiết, lội đến quá bụng. Chúng tôi khoác tay nhau, dìu nhau đi qua. Lại vòng theo chân núi, thẳng xuống đường cái Thất Khê - Pò Có, về Văn Mịch. Từ Thất Khê đến Văn Mịch dài hơn bốn chục cây số, phải cố gắng vượt hết trong một đêm.
Đi đêm, ngoài việc quan sát chung quanh đề phòng bất trắc xảy ra, còn cần phải đặc biệt chú ý giúp đỡ anh Chính; anh Mã “béo” được đặc trách đi với anh Chính.
Đêm hôm thứ ba là chặng đường cuối cùng. Đến một xóm thuộc Bình Gia, bỗng thấy một toán người đi đâu về đốt hàng chục bó đóm. Đang đi trên ruộng bậc thang, không làm thế nào khác được, chúng tôi đành phải tránh lên đồi. Mã “béo” rẽ theo chúng tôi, còn anh Chính đi chậm, theo không kịp.
Chúng tôi ngồi lại, kiểm số người trước khi lại xuống đồi đi tiếp, thì thấy “rơi” mất anh Chính! Mã “béo” và ông Cáp đi tìm nhưng không thấy. Tôi đoán chắc anh chỉ lạc ở chỗ tràn ruộng bậc thang, liền theo đường cũ, xuống dốc. Anh Chính đang chống cây gậy, chọc chọc xuống đất để lên dốc. Thế nào mà hai người, một đi lên một đi xuống, tới gần sáp vào nhau, tôi mới thấy. Anh Chính bảo tôi:
- Tôi tưởng các anh đi xa rồi! Định lên núi ngủ, mai theo đường công khai đi vậy.
Lạc mất đến gần một tiếng đồng hồ.
(còn tiếp)
(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động)
Bình luận (0)