Anh Việt ở xã Bình Đào, H.Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 2016, anh tiếp tục sang Nhật du học để trau dồi kiến thức. Sau 3 năm, anh trở về nước nhưng lại chuyển sang nghề hướng dẫn viên du lịch, mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Nhưng được một thời gian, anh lại chuyển nghề tiếp, lần này là về quê để nuôi ốc bươu đen.
Thay đổi chỉ xảy đến trong một lần đưa khách đi tham quan. Lúc đó, anh tình cờ được ăn món ốc bươu đen, cảm thấy rất ngon, nhưng hỏi ra thì biết nguyên liệu ốc có giá thành cao và khó mua. Ý tưởng đầu tư nuôi ốc bươu đen liền nảy sinh trong anh, nhất là khi ở địa bàn Quảng Nam lúc đó rất ít hộ nuôi ốc.
Anh Cao Hữu Việt kiểm tra chất lượng ốc bươu đen nuôi trong hồ |
MẠNH CƯỜNG |
Từ một hướng dẫn viên du lịch với mức lương hàng chục triệu đồng, giờ bỏ về quê nuôi ốc bươu, ban đầu anh Việt bị người nhà phản đối, nhưng rồi cuối cùng anh cũng thuyết phục được. Với số vốn gần 40 triệu đồng, anh làm 8 hồ lót bạt trong vườn nhà (mỗi hồ khoảng 8 m2), mua 4 kg trứng ốc giống mang về ấp thủ công.
Sau nhiều ngày “ăn chực nằm chờ” học hỏi kinh nghiệm từ thực tế và mạng xã hội, anh dần hiểu tập tính của ốc nên thay đổi phương pháp nuôi... Từ thành công ban đầu đó, anh mở rộng diện tích nuôi. Đến nay, anh đã xây dựng được một trại ốc sinh sản ở Quảng Nam với 20 ao nuôi (khoảng 3.000 m2) và một trại ốc thương phẩm ở Đà Nẵng với 18 ao nuôi.
Ốc bươu đen nuôi trong hồ chuẩn bị đến kỳ xuất bán |
MẠNH CƯỜNG |
Theo anh Việt, nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều chi phí đầu tư do thức ăn của ốc rất dễ tìm trong tự nhiên (như mướp, xơ mít, các loại lá môn, đu đủ...). Ốc cũng có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật. Tuy nhiên, người nuôi phải phòng bệnh đường ruột và sưng vòi cho ốc. Nếu phát hiện bệnh kịp thời sẽ hạn chế được tình trạng ốc chết hàng loạt.
Ốc bươu đen chủ yếu đẻ trứng rộ từ tháng 4 - 10 âm lịch. Những tháng cuối năm là thời gian ốc ngủ đông, đến khoảng giữa tháng 3 âm lịch năm sau ốc mới bắt đầu ngoi lên mặt nước đi tìm thức ăn. Muốn ốc đẻ trứng thuận lợi, người nuôi nên tạo bờ đất xung quanh ao để ốc leo lên. Ốc thường có 2 chu kỳ đẻ trong năm, mỗi chu kỳ đẻ 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 30 ngày. Trung bình, mỗi lần ốc mẹ có thể đẻ 70 - 150 trứng. Khoảng 15 ngày, khi trứng chuyển từ màu trắng sang đen, ốc sẽ nở. Tiếp đó, người nuôi sẽ cho ốc con xuống bể ươm. Nuôi thêm 15 ngày, ốc to bằng đầu đũa là có thể xuất bán ốc giống.
Thị trường tiêu thụ ốc thịt và ốc giống của anh Việt ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Bắc Giang... Vào mùa cao điểm, một ngày anh có thể thu khoảng 1,5 kg trứng, bán được khoảng 1,5 triệu đồng. Còn ốc thương phẩm mỗi đợt anh xuất 300 - 400 kg, bán với giá 70.000 - 85.000 đồng/kg. Như vậy, trung bình anh có thể thu lãi ròng 30 - 35 triệu đồng/tháng.
“Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi, tìm kiếm thị trường và chế biến ốc bươu đen đóng hộp đưa vào siêu thị bán... Tôi có tham vọng lớn là đưa sản phẩm ốc bươu đen ra nước ngoài”, anh Việt bày tỏ.
Bình luận (0)