Kỹ sư hóa khởi nghiệp với ốc gác bếp, thu lãi trăm triệu mỗi tháng

09/10/2022 08:00 GMT+7

Quyết định nghỉ việc tại Trường CĐ cộng đồng Đồng Tháp với mức lương ổn định, anh Lê Hồng Lâm (ngụ P.Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) khởi nghiệp với sản phẩm ốc gác bếp, thu lãi mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng.

Anh Lê Hồng Lâm và chị Trương Thị Hồng Phẩm (vợ anh) lựa ốc gác bếp để giao cho khách

TRẦN NGỌC

Nhiều lần thất bại quyết không nản chí

Anh Lâm tốt nghiệp đại học ngành hóa học. Năm 2017, trong một lần đến An Giang chơi, anh mua về 0,5 kg ốc lác. Trong lúc rộng ốc chờ chế biến món ăn, có 2 con bò vô kẹt máy giặt nằm im vài tháng mới được phát hiện nhưng vẫn không chết.

Nhớ lại món ốc lác gác bếp hồi nhỏ được cha làm cho cả nhà thưởng thức có vị thơm ngon, thịt trắng… anh Lâm lao vào mày mò, tìm hiểu cách sản xuất sản phẩm ốc gác bếp thương phẩm để kinh doanh, tăng thêm thu nhập.

Suy nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào sản xuất rất gian nan. Số tiền dành dụm của gia đình được anh Lâm dùng mua ốc về làm ốc gác bếp. Thế nhưng, hết ốc lác rồi đến ốc bươu cứ liên tục chết, vợ chồng anh phải bỏ, kêu người đến cho để làm thức ăn cho cá. Có lúc người thân thấy xót của, khuyên anh ngừng nghiên cứu sản xuất ốc gác bếp nhưng anh vẫn quyết tâm làm.

Sau nhiều lần thất bại, đến tháng 9.2019, mẻ ốc gác bếp 20 kg đầu tiên ra lò thành công mà không cần vùi trong đất. Ốc được kích thích sống trong tình trạng ngủ đông tốt, thịt trắng, chất lượng đảm bảo, nhưng vẫn còn nhược điểm là màu sậm. Thế là anh Lâm tiếp tục nghiên cứu, tìm cách hong phơi để có màu vàng bắt mắt. Đến tháng 10.2019, sản phẩm ốc gác bếp do anh sản xuất đạt chất lượng và màu sắc như ý.

Anh Lâm cho biết sau khi sản xuất thành công mẻ ốc gác bếp đầu tiên anh mang đi tặng, biếu cho bạn bè, người thân. Nhiều người bất ngờ và không tin rằng sản phẩm ốc gác bếp truyền thống của người xưa được anh làm thành công. Một số bạn bè động viên anh mang đi trưng bày các phiên hội chợ và thành lập cơ sở mua bán ốc gác bếp để bán sản phẩm nhiều hơn.

Mở rộng sản xuất, đăng ký sản phẩm OCOP

Thấy cơ hội mở rộng thị trường tốt, cuối năm 2020, anh Lâm bàn với vợ là chị Trương Thị Hồng Phẩm, cùng công tác tại Trường CĐ cộng đồng Đồng Tháp, nghỉ việc để tập trung cho việc kinh doanh sản phẩm ốc gác bếp.

Anh Lê Hồng Lâm sản xuất thành công ốc gác bếp, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/tháng

TRẦN NGỌC

Theo anh Lâm nguyên liệu sản xuất ốc gác bếp ngon phải là ốc lác trong giai đoạn từ giữa mùa lũ đến cuối mùa lũ. Bởi, vào thời gian này, cơ thể ốc tích tụ đủ chất dinh dưỡng để khi ngủ đông sẽ không bị ốm. Tuy nhiên, anh Lâm cho hay, không phải ốc lác ở vùng nào cũng có thể tạo ra sản phẩm ốc gác bếp đạt tỷ lệ sống và chất lượng cao. Kinh nghiệm của anh sau hơn một năm tìm nguồn ốc lác ở nhiều tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… thì ốc sống trong điều kiện khắc nghiệt, sức sinh tồn mạnh mới sản xuất ốc gác bếp hiệu quả tốt.

“Muốn cho ra 1 kg ốc gác bếp thành phẩm phải mất 3 tháng thực hiện quy trình kích thích cho ốc ngủ đông. Ốc trước khi ngủ đông sẽ tự đào thải phân, các chất dinh dưỡng dư thừa và tự lấy dinh dưỡng tích tụ dưới phần đuôi để nuôi cơ thể. Tôi nghiên cứu không cho ốc vùi trong đất nên sản phẩm không bẩn và qua kiểm nghiệm chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm ốc gác bếp đều đạt theo quy định. Trung bình, khoảng 100 kg ốc lác nguyên liệu sản xuất được 50 đến 70 kg ốc gác bếp thành phẩm. Tôi bán lẻ với giá 250.000 đồng/kg, cao gấp 4 - 5 lần so với ốc lác bình thường”, anh Lâm chia sẻ.

Đến nay, trung bình mỗi tháng cơ sở của anh Lâm cung cấp gần 2 tấn ốc gác bếp cho các nhà hàng, điểm du lịch sinh thái tại Đồng Tháp, TP.HCM và một số tỉnh ĐBSCL. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/tháng.

“Cái khó trong sản xuất ốc gác bếp là phải làm sao để ốc ngủ đông vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và màu sắc đẹp. Trong khâu chọn nguyên liệu, phải biết cách chọn ốc có sức sống khỏe, nếu không thì quá trình sản xuất ốc rất dễ bị chết, tỷ lệ hao hụt rất lớn. Hiện đã có đối tác tại TP.HCM đến tìm hiểu, ký hợp đồng bao tiêu 5 tấn ốc/tháng để cung cấp cho thị trường. Do sản xuất thủ công nên sản lượng làm ra chưa nhiều. Tôi sẽ nghiên cứu đầu tư máy móc mở rộng sản xuất theo hướng công nghiệp để tăng sản lượng, giảm giá thành và đăng ký sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, đưa vào các siêu thị và xuất khẩu sang nước ngoài”, anh Lâm thông tin.

Theo anh Lâm, ốc lác phát triển tốt trong môi trường sạch, đất và nước không bị ô nhiễm. Nếu cơ sở của anh phát triển thị trường tốt, các hộ dân có thể gây nuôi ốc lác trong môi trường tự nhiên để cung cấp cho anh. Giá ốc lác thường dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg nên người nuôi sẽ có thu nhập rất khá. Đối với sản phẩm ốc gác bếp, ốc có thể sống trong tình trạng ngủ đông lên đến 2 năm nên trong môi trường khô ráo, sản phẩm của anh bán ra bảo hành đến 12 tháng. Vì ốc ngủ đông nên rất háo nước, khi chế biến chỉ rửa sơ. Sau đó úp mặt ốc xuống, đổ sữa tươi hoặc nước dừa vào cho ốc hút vài tiếng thì hấp, cho tiêu, gia vị lên nướng. Khi ăn, thịt rất thơm và ngon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.