Từ ý tưởng táo bạo
Ông Khén cho biết năm 1980 ông may mắn được tỉnh Bạc Liêu chọn đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất lúa tại một số nước bạn. Thời điểm đó sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn thô sơ, lạc hậu nên năng suất, hiệu quả rất thấp. Trong khi đó ở nước bạn đã hoàn toàn cơ giới hóa từ khâu cải tạo đất, thu hoạch, vận chuyển, đến xây lúa… nên năng suất, hiệu quả rất cao. Từ những kinh nghiệm ít ỏi học được ở nước bạn, ông quyết tâm sáng chế máy móc phục vụ nông dân quê nhà.
Đầu tiên ông nghĩ đến việc sáng chế máy gặt đập liên hợp. Khi ý tưởng mới được đưa ra thì nhiều người ngăn cản, cho đó là chuyện của các nhà khoa học, kỹ sư, còn nông dân ít học, không vốn liếng như ông thì còn lâu mới làm được. Không nản chí, ông Khén gom hết tiền tích cóp được, vay thêm vốn ngân hàng, thậm chí bán luôn đôi bông tai cưới của vợ để mua máy hàn, sắt, thép… phục vụ cho việc sáng chế. Sau bao năm miệt mài nghiên cứu, chế tạo, đến năm 1992, máy gặt đập liên hợp của ông được “ra lò” chạy thử nghiệm, đem lại hiệu quả bất ngờ. Máy có nhiều ưu điểm như giá thấp hơn máy nhập từ Trung Quốc nhưng năng suất, hiệu quả tương đương. Đặc biệt, máy gọn nhẹ nên rất phù hợp với vùng đất sình lầy, trũng ở ĐBSCL, phù hợp với mỗi mùa vụ. Còn máy nhập ngoại chỉ cắt lúa ở những vùng đất khô ráo, phù hợp với mùa khô, mùa mưa không thể gặt được. “Năm 2006, tôi đạt giải nhì Hội thi sáng tạo tỉnh Bạc Liêu, được thưởng 5 triệu đồng, nhờ vậy tôi mới có tiền mua đôi bông tai mới cho vợ”, ông Khén kể.
Thành công ban đầu đã tiếp thêm niềm đam mê sáng tạo của ông Khén. Năm 1993, ông tiếp tục sáng chế thành công máy cắt lúa xếp dãy. Máy có thể cắt lúa ở mọi vùng đất, công suất tương đương 30 lao động thủ công/ngày nhưng giá thành chỉ khoảng 20 triệu đồng/máy nên được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh thành ĐBSCL. Ngoài ra, ông còn sáng chế thành công lò sấy lúa chạy bằng máy và kéo mô tơ điện, kinh phí thấp nhưng hiệu quả cao nên được nhiều nông dân áp dụng và nhân rộng.
tin liên quan
Tiết kiệm hàng chục tỉ đồng nhờ thay bóng đèn chong thanh longHàng chục ngàn hộ nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Long An
và Tiền Giang đã thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact để chong đèn cho
ra hoa trái vụ, mỗi năm tiết kiệm được hơn 82 tỉ đồng tiền điện.
Ông Khén kể cách đây khoảng 2 năm, sau khi tham dự cuộc họp triển khai áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở địa phương, ông cứ trăn trở “làm cánh đồng mẫu lớn mà bà con xịt thuốc trừ sâu, phun thuốc diệt cỏ thủ công, phải mang cái bình to đùng trên lưng thì làm sao kham nỗi”. Từ trăn trở này, ông tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để lắp ráp, sản xuất máy phun thuốc.
Sau nhiều lần thất bại, tháng 3.2016, ông Khén đã sáng chế thành công máy phun xịt thuốc trừ sâu, trừ cỏ có công suất gấp 10 người xịt thủ công. Máy phun thuốc có 4 bánh, chạy bằng động cơ dầu 10 mã lực, một người lái. Toàn bộ hệ thống máy gồm 1 động cơ dầu và 1 bình chứa nước, hóa chất 200 lít cũng như chỗ ngồi đều đặt trên một khung đỡ chắc chắn. Phía trước là hệ thống giàn phun thuốc gồm 2 cần phun có sải cánh dài 18 m (mỗi bên 9 m) với 63 béc phun. Để hạn chế hư hại lúa, hệ thống bánh lăn được làm bằng sắt phi 60. Với hệ thống này, mỗi hecta lúa chỉ tốn khoảng 75 phút để xịt, trong khi xịt thủ công phải mất tới 5 - 6 giờ. Máy phun thuốc đều, không gây hại lúa, đỡ công phun thuốc và giảm gây hại cho người phun và năng suất cao. Sản phẩm của ông Khén đã đoạt giải 3 cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu tổ chức.
Hiện đã có trên 10 sáng chế được mang thương hiệu Tư Khén. Do những sáng chế của ông có nhiều ưu điểm, giá rẻ, đạt năng suất cao, đặc biệt phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nên được nhiều người tín nhiệm. Nguyện vọng lớn nhất của ông là tiếp tục nghiên cứu, sáng chế ra nhiều máy móc, công cụ sản xuất vì nông dân.
tin liên quan
Máy tỉa đậu của nhà nôngÔng Lê Đức Tiếp (thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) đã chế máy tỉa đậu phộng, giúp tiếp kiệm nhiều chi phí trong sản xuất.
Bình luận (0)