“Kỹ sư làng” lai tạo giống điều mới

01/05/2013 10:40 GMT+7

Không hài lòng với giống điều tạp cho năng suất thấp đang trồng trong vườn, một nông dân ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã tự lai ghép ra giống điều mới có năng suất cao hơn…

Minh “ươm cây”, đó là biệt danh người dân ở ấp 5 (xã An Viễn, H.Trảng Bom, Đồng Nai) đặt cho anh Hoàng Văn Minh (52 tuổi, ngụ cùng xã)- người “kỹ sư làng” đã tạo ra nhiều giống điều có năng suất cao giúp người dân tăng thêm thu nhập.

 “Kỹ sư làng” lai tạo giống điều mới
Minh “ươm cây” - Ảnh: Lê Lâm

Vào vùng đất Trảng Bom lập nghiệp từ năm 1994, với số vốn ít ỏi, anh Minh chỉ mua được 5 sào đất trồng điều. Thế nhưng, giống điều anh trồng lại là loại điều trồng bằng hạt không qua lai ghép, năng suất thấp nên năng suất chẳng đáng kể so với sự phì nhiêu, màu mỡ của đất. Không bằng lòng, anh Minh liền nghĩ đến việc tự tạo ra giống cây điều cho năng suất cao để thay thế. Do trước đó anh Minh đã có kinh nghiệm một năm phụ việc ở Viện Nghiên cứu cây giống cà phê Eakmát (nay thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên - Đắk Lắk). Học lỏm được vài đường cơ bản về trồng cây giống nên đã giúp anh Minh thêm tự tin khi lai ghép. Anh Minh kể: “Năm 1996, tôi bắt tay vào ươm giống điều, biết ở đâu có giống tốt là tôi tìm đến xem, với chiếc xe đạp cà tàng tôi đi khắp các vùng để tìm và đem giống cây tốt về lai tạo”. Mới đầu, tỷ lệ cây giống sống và sinh trưởng chỉ đạt 40%. Những năm sau tỷ lệ cây sống tăng hơn năm trước, đến năm thứ ba thì tỷ lệ cây sống đạt 90%. Thời điểm này cũng là lúc giống điều mới do anh Minh nghiên cứu được trồng thay thế giống điều cho năng suất cao hơn. Từ đó anh mới nghĩ đến việc nhân giống đại trà bán cho bà con.

 

Giống điều này sau một năm là đã cho trái, sau ba năm bắt đầu rộ trái. Nhưng nếu muốn năng suất cao nhất là từ năm thứ bảy trở đi, có thể đạt đến 4 tấn/ha

Hoàng Văn Minh (52 tuổi, Trảng Bom, Đồng Nai)

Kỳ công

Anh Minh cho biết, đất dùng để ươm cây điều phải được bới lấy đất thịt, phơi giữa trời khoảng hai tháng. Sau đó đất được trộn phân NPK với tỷ lệ 50kg cho 5.000 bọc cây giống. Hạt giống phải chọn hạt to, bóng, đẹp phơi nắng 3 ngày, mỗi ngày phơi 4 tiếng. “Nếu phơi nhiều quá dầu trong hạt điều chảy ra làm chết hạt mầm”- anh Minh phân tích. Sau khi phơi khô, hạt điều được đưa vào ngâm trong nước để hạt phục hồi lại. Ngâm hạt trong vòng 48 tiếng, cứ sau 24 tiếng cho nghỉ 2 tiếng, một ngày phải thay nước hai lần, rồi tiếp tục bỏ vào bao có lỗ thoát nước cột lại, ngày tưới hai lần đến chừng nào thấy hạt điều nhú mầm thì đem ra cho vào bọc đất. Khi điều lớn được khoảng 75 ngày tuổi thì bắt đầu ghép, sau 45 ngày là có thể đem  trồng.

Mới đầu cây giống chỉ được anh Minh bán cho những người dân ở gần nhà. Sau đó, do cây có chất lượng tốt nên “tiếng lành đồn xa”, bà con ở các huyện Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Thống Nhất (Đồng Nai)… truyền tai nhau và tìm đến mua. “Giống điều này sau một năm là đã cho trái, sau ba năm bắt đầu rộ trái. Nhưng nếu muốn năng suất cao nhất là từ năm thứ bảy trở đi, có thể đạt đến 4 tấn/ha”- anh Minh phấn khởi nói. Thời điểm đó mỗi năm anh “xuất xưởng” hàng chục ngàn cây giống, năm cao nhất lên đến 40.000 cây; với giá bán là 5.000 đồng/cây đã cho lợi nhuận 200 triệu đồng/năm. Trong khoảng ba năm trở lại đây giá bán được nâng lên 10.000 đồng/cây nhưng nhu cầu bắt đầu giảm. Năm 2012, anh Minh bán được 13.000 cây, nhưng sang đến năm 2013, anh Minh chỉ ươm 7.000 cây và đã được đặt mua trước.

Lý giải về nhu cầu mua giống điều giảm, anh Minh nói: “Một phần do nhiều khu đất chuyên canh điều bị giảm. Giá đất tăng cao làm cho người dân chặt bỏ cây điều phân lô bán nền. Mặt khác, nhiều người dân chuyển sang trồng cây cao su do thấy giá trị cao hơn”. Số điện thoại anh Hoàng Văn Minh: 0986. 975430

Lê Lâm

>> Ca cao “cứu” cây điều
>> Sâu róm đỏ tàn phá cây điều
>> Người "sống chết" với cây điều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.