TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 17: Vì trẻ thơ

28/05/2015 08:00 GMT+7

(iHay) Nhìn 11 con chó lớn đối xử với 4 con chó con, “con đầu đàn” tôi học được bao nhiêu điều thú vị.

(iHay) Sự tử tế đối với trẻ con là lằn ranh cuối cùng của tư cách làm người, rơi xuống dưới lằn ranh đó sẽ không còn nhân tính. Hình như ông Makarenko, nhà giáo dục vĩ đại người Nga đã nói đại ý như vậy. Tất nhiên tử tế với trẻ con để đưa lên đài lên báo hay cố tình để cho cha mẹ của chúng nhìn thấy là một chuyện khác, không nằm trong đạo lý của ông Makarenko.
Nhưng đạo lý này không áp dụng được cho loài chó, đơn giản là do con chó có một thứ đạo lý khác con người. Nhìn 11 con chó lớn đối xử với 4 con chó con, “con đầu đàn” tôi học được bao nhiêu điều thú vị.
Trước hết là chó mẹ. Thông thường thì khi chó con khoảng 1 tháng tuổi, chó mẹ bắt đầu hạn chế cho bú bằng cách thường xuyên phải … chạy trốn, nên dân gian có câu “Trốn như chó trốn con”. Nhưng con Tu-ti nhà tôi thì khác. Nó cho bú bất cứ lúc nào lũ con đòi bú, khi hết sữa thì tự đám con không bú nữa. Nhiều hôm đôi chân sau của nó bị liệt không đứng dậy được phải nằm một chỗ, đó là do con bú nhiều quá cơ thể nó bị tụt canxi. Bình thường con chó cần một lượng canxi trong thức ăn gấp 10 lần con người, khi cho con bú lượng canxi cần nhiều hơn. Những lúc như vậy tôi cho ăn vài cục xương cù lẳng sống để cấp tốc bổ sung canxi cho nó, vài tiếng sau nó lại đứng dậy và đi được. Vì vậy trong thời gian nó cho con bú tôi phải cho ăn xương cù lẳng sống liên tục hàng ngày, vì chỉ cách một hai ngày không ăn xương là bị liệt chân ngay. Trong thời gian chó con còn bú, chỉ có “con đầu đàn” tôi và “sếp nhất” là có thể chạm vào chó con, những người khác chạm vào là chó mẹ chồm lên nhe răng ra sủa. Và bất cứ lúc nào chó con kêu là con Tu-ti lập tức có mặt để đối phó với bất trắc cho con nó. Nhưng đến khi chó mẹ không còn tiết sữa được nữa, khi ấy chó con cũng tự nguyện bỏ bú, chỉ vài ngày sau, đám chó con trở thành “người dưng” như những con chó khác trong đàn, chó mẹ chẳng còn coi chúng có bà con họ hàng gì với mình nữa.
Đạo lý của con chó ở đây là, khi chó con đủ khả năng tự mình sinh sống, chó mẹ kết thúc nhiệm vụ của mình, kết thúc một cách triệt để không dây dưa. Đó là thiên tính của con chó. Xin lỗi bạn đọc tôi phải nói ra điều này: Đối với loài người, dù luật pháp quy định cha mẹ không bắt buộc có trách nhiệm cấp dưỡng cho con cái đã đủ 18 tuổi (ngoại trừ trường hợp con khuyết tật, mất khả năng lao động), nhưng các bậc cha mẹ thường “bảo kê” cho con mình suốt đời, khiến cho không ít những “đứa trẻ” đến ba mươi, bốn mươi tuổi cũng không thể tự trưởng thành lên được và có không ít những “con ông cháu cha” dựa vào ô dù bố mẹ để làm càn. Nhiều bậc làm cha mẹ khi sinh một đứa con, dù nó hư hay nó nên (nhưng sao có thể tránh khỏi khiếm khuyết), cũng suốt đời phiền não hoặc lo lắng vì con cái. Và loài người có quá nhiều những đứa con bất hiếu, bởi thế mà đạo hiếu là cái đạo được đề cao nhất trong những cái đạo làm người, nhưng đề cao kiểu gì thì thành phần có hiếu vẫn luôn là thiểu số trong nhân loại. Có lẽ đó cũng là một “lỗi hệ thống” mà tạo hóa khi sinh ra con người đã quên đưa ra giải pháp khắc phục. Hơn hai ngàn năm trước đã nảy nòi ra một ông Trang Tử, có lẽ muốn giải quyết triệt để vấn đề này nên ông bảo cái khó nhất của phận làm con là làm cho cha mẹ chúng ta quên chúng ta đi, như vậy mới là Đại Hiếu. Ý của Trang là đứa con nên giúp cha mẹ trở về với thiên tính nhằm đoạn tuyệt phiền não. Chuyện này xin được nói tới đó, nói thêm sẽ lạc đề.
 
Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 17: Vì trẻ thơ - ảnh 2
Trở lại thái độ đối với trẻ con của đám chó lớn nhà tôi. Khi con Tu-ti sinh con, hàng ngày 10 đứa đều thay phiên nhau vào ổ dòm dòm ngửi ngửi, chẳng biết để làm gì. Lúc bọn nhỏ biết đi lững chững, sau mẹ chúng thì “con đầu đàn” tôi và “sếp nhất” được chúng vẫy đuôi làm thân đầu tiên. Khi biết chạy, chúng đến vẫy đuôi làm quen với các anh lớn, tới đây thì tình hình bắt đầu có vấn đề. Bốn đứa to nhất tỏ ra lúng túng, rồi bộc lộ rõ sự khó chịu. Thằng Chuối tuy không gầm gừ nhưng né tránh. Thằng Bầu thì gầm gừ khiến bọn nhỏ không dám lại gần. Thằng Bí thường nhe răng ra dọa. Riêng thằng Ổi thì táp và hất ra xa, dù chẳng sứt mẻ đau đớn gì nhưng bọn nhỏ vẫn kêu “ẳng ẳng” và cụp đuôi chạy trốn. Đục nước béo cò, “con đầu đàn” tôi nghiễm nhiên trở thành con chó tin cậy nhất đối với bọn nhỏ, ngoài mẹ chúng nó. Đến khi mẹ chúng nó đoạn tình thì tôi trở thành con đầu đàn không cần để trong ngoặc kép nữa.
Sáu con chó nhỏ có thái độ khác với bốn thằng to đầu. Sáu con này không ở gần bọn chó con, mỗi ngày chỉ tiếp xúc vài ba lần, nhưng đứa nào cũng tỏ ra thân thiện. Thân thiện nhất là con Ớt. Lúc nào các em đến vẫy đuôi, chị Ớt cũng đùa vui quấn quýt như mẹ con. Thằng Gừng, con Nghệ, thằng Hành, thằng Ngò dù không quấn quýt nhưng đều chơi đùa vui vẻ khi các em đến gần. Đứa làm tôi bất ngờ nhất là thằng Tỏi.
Như có lần tôi đã nhắc tới, Tỏi là đứa có “tiền sự” không tốt lắm, bản tính ăn hỗn ngay từ nhỏ, nên hơn một lần bị 5 đứa kia xông vô đánh hội đồng. Anh Tỏi này vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo đặc biệt với “nhân vật số 3” trong nhà tôi là chàng dê tên Bống. Đối với đám nhỏ, bình thường Tỏi không tỏ ra có gì thân thiện đặc biệt, nhưng đến bữa ăn, nếu các em nhỏ sà vào bát của nó, nó sẽ ngừng ăn để nhường ngay, chờ cho các em ăn hết nó mới liếm bát, trong khi 9 anh chị kia, kể cả chị Ớt, tuy không bao giờ giành ăn với các em nhưng không anh chị nào nghĩ là mình có nghĩa vụ nhường phần ăn của mình cho đám nhỏ.
Và bạn sẽ nhầm to nếu nghĩ rằng bốn thằng to đầu khó chịu trên kia ghét đám trẻ con. Một hôm bạn tôi sang chơi, bạn tôi là chỗ rất thân quen với đám chó nhà tôi, thấy bầy chó con thích quá bế một cháu, cháu này thấy người lạ kêu “éc” một tiếng rất nhỏ, lập tức thằng Ổi từ xa phóng tới, vừa sủa vừa đẩy tay bạn tôi ra khỏi con chó con. Lúc này mẹ nó mới lao tới, ba thằng khó chịu còn lại cũng lao tới, rồi cả lũ đồng loạt lao tới. Thấy đứa nhỏ không gặp nguy hiểm gì chúng nó mới giãn ra .
(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 16: Con chó và sự bí ẩn trong lòng bàn tay
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 15: Một 'nguồn lực' quân sự quý giá
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 14: ‘Sứ mệnh’ của con chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 13: 'Trận pháp' giữ nhà
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 12: Ba cấp độ chó săn
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 11: Luận về danh lợi
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 10: Thằng Bí xấu trai
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 9: Nỗi niềm nan giải
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 8: Chó mẹ nuôi dạy con
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 7: Khi chó sống chung với dê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.