'Kỹ sư nhí' với giàn phơi tự động

12/10/2014 02:05 GMT+7

Ba học sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.4, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đã chế tạo thành công giàn phơi đồ tự động.

 Các “kỹ sư nhí” bên giàn phơi đồ tự động phát hiện trời mưa do các em sáng chế
Các “kỹ sư nhí” bên giàn phơi đồ tự động phát hiện trời mưa do các em sáng chế

Vùng ĐBSCL thường xuyên xuất hiện những cơn mưa rào bất chợt làm cho việc phơi quần áo  gặp rất nhiều khó khăn. Hiểu được tình cảnh trên, Nguyễn Công Danh, Đặng Minh Đức và Tống Mai Xuân Hưng đã sáng tạo giàn phơi đồ tự động.

Theo Công Danh, cha mẹ đều đi làm, đồ đạc phơi ở nhà thường xuyên bị ướt vì mưa và đây cũng không phải là chuyện của riêng ai. Sau nhiều lần tìm hiểu và nghiên cứu, 3 bạn trẻ này đã chế tạo giàn phơi quần áo với chiều dài 1,2 m, cao 0,8 m và ngang 0,5 m. Nhà chứa hình mái vòm làm bằng khung nhôm với màn nhựa trong. Giàn phơi đảm bảo tính mỹ thuật, đơn giản và giá thành thấp nhưng chất lượng. Nhà chứa làm bằng vật liệu nhôm sẽ tăng độ bền khi ở ngoài trời. Tổng chi phí sản phẩm gần 2 triệu đồng. 

 Mô hình Giàn phơi đồ tự động phát hiện trời mưa - Ảnh: Thanh Đức
Mô hình Giàn phơi đồ tự động phát hiện trời mưa - Ảnh: Thanh Đức

Giàn phơi đồ gồm các phần: nhà chứa quần áo, thanh đường ray chạy, động cơ chạy, phần hệ thống mạch điện - các cảm biến và cuối cùng là năng lượng của giàn phơi... Trong đó, phần thanh ray là một trong những bộ phận quan trọng nhất của giàn phơi. Thanh đường ray làm bằng nhôm sử dụng cơ cấu ổ bi kết hợp với trục, kết cấu giống như bánh xe tàu hỏa trên đường ray để kéo đồ ra vào nhanh và chuẩn.

Theo nguyên lý hoạt động, khi trời bắt đầu mưa, các giọt nước sẽ rơi vào cảm biến mưa gắn trên giàn, mạch truyền tín hiệu đến mô tơ làm mô tơ quay kéo quần áo đi vào nhà chứa quần áo thông qua các con chạy trên thanh đường ray. Khi quần áo được đưa vào nhà chứa, hệ thống quạt thông gió sẽ hoạt động, đảm bảo cho độ ẩm trong giàn không tăng do hơi nước bốc ra từ quần áo. Khi trời hết mưa, quần áo sẽ được tự động kéo ra. Khi giàn phơi không hoạt động, năng lượng pin mặt trời sẽ được dùng để sạc bình dự phòng…

Giàn phơi có thể hoạt động ở mọi nơi và có thể dễ dàng di chuyển sang nơi khác. Đặc biệt, giàn phơi có tốc độ kéo quần áo vào nhanh, không tiêu tốn điện năng của gia đình, giảm chi phí tiền điện và thân thiện với môi trường.

“Nếu được ứng dụng rộng rãi nhóm sẽ cải tiến sản phẩm thành thiết bị mô đun, có thể tự do lắp thêm một thanh phơi đồ vào, tăng số lượng móc phơi quần áo…”, Minh Đức hy vọng.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Sản phẩm của các em rất hữu ích cho mọi người. Sản phẩm này vừa đoạt giải nhì (không có giải nhất) tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Long năm 2014. Hiện sản phẩm giàn phơi đồ tự động của các em đã được chuyển ra Hà Nội để dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc sắp tới. Hy vọng sản phẩm đoạt giải cao và nhân rộng ra cho người dân sử dụng”.

Thanh Đức

>> Học sinh lớp 11 chế tạo rô bốt máy cẩu
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 24: Nông dân chế tạo máy rửa cà rốt
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 22: Chế tạo máy sấy lúa, rê lúa...
>> Vệ tinh siêu nhỏ do Việt Nam chế tạo phát tín hiệu đầu tiên
>> Thích chế tạo robot, thi ngành nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.