Ký sự pháp đình: Dang dở một ước mơ lương thiện

23/02/2020 07:25 GMT+7

Cả đời, ông Hùng cần cù làm lụng, chỉ mong sao thoát khỏi kiếp sống nhà thuê tạm bợ đã đeo hai ba con suốt mấy chục năm. Thế nhưng, ước mơ đó với ông mãi dang dở vì gã người quen tàn độc .

Ngày 18.2, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án cướp của, giết người. Theo cáo trạng, chỉ vì thiếu tiền tiêu xài, bị cáo Nguyễn Văn Hồ (23 tuổi, ngụ X.Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM) đã ra tay giết hại người tài xế xe ôm quen biết, cướp đi chiếc xe là phương tiện kiếm cơm của cả một gia đình.

Ba - con và chiếc xe trả góp

Theo cáo trạng, do thường xuyên đi lại bằng xe ôm, Nguyễn Văn Hồ quen biết và có số điện thoại của ông Phạm Văn Hùng, tài xế xe ôm công nghệ. Ngày 3.12.2018, do nợ tiền phòng trọ và thiếu tiền tiêu xài, bị cáo nảy sinh ý định cướp xe của ông Hùng.
Khoảng 1 giờ sáng 4.12.2018, Hồ gọi điện nói ông Hùng chở tới đường Rạch Cầu Suối, thuộc X.Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh. Tới nơi, lợi dụng lúc ông Hùng không để ý, bị cáo rút dao kề vào cổ nạn nhân đe dọa. Ông Hùng chống trả thì bị Hồ đâm nhiều nhát vào người, tử vong do mất máu. Sau khi gây án, bị cáo lấy đi điện thoại, 100.000 đồng tiền mặt và chiếc xe máy của nạn nhân.
Tại phiên tòa, nhiều người bất bình trước hành vi giết người tàn nhẫn của bị cáo, xót xa khi biết được hoàn cảnh của gia đình bị hại. Hội thẩm nhân dân phân tích: “Người ta vì cuộc sống, người ta thức đêm thức hôm chở bị cáo đi mà bị cáo lại ra tay giết người tàn bạo như vậy. Vì đồng tiền mà bị cáo lại tước đi mạng sống của người khác. Giờ bị cáo đứng đây chờ nhận án, con bị cáo, vợ bị cáo ra sao? Sao lúc ra tay bị cáo không nghĩ đến điều này? Vì lòng tham, vì sự tàn nhẫn, chính bị cáo đã đẩy cả hai gia đình vào cảnh tang thương...”.
HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hồ tử hình về tội “giết người”, 7 năm tù về tội “cướp tài sản”, tổng hình phạt là tử hình.
Sau khi phiên tòa kết thúc, tôi tìm gặp anh Phạm Công Hậu (25 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM), cậu con trai duy nhất của người tài xế bạc mệnh. Anh dẫn tôi đến căn phòng trọ cũ kỹ, rộng vỏn vẹn 6 m2, nằm trong con hẻm tối tăm, chật hẹp, chỉ đủ để một chiếc xe máy lách vào. Hai năm trôi qua sau vụ án, Hậu vẫn ở lại dãy trọ cũ, cùng vợ thuê căn phòng đối diện nơi ba mình từng sinh sống. Hằng tháng, anh cố gắng trả thêm một khoản tiền nhà, giữ đồ đạc trong phòng trọ của ba vẹn nguyên như những ngày ông còn sống.
Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng với Hậu, mọi thứ cứ như vừa mới hôm qua. Thường ngày, khoảng 6 giờ sáng, ba anh, ông Phạm Văn Hùng, sẽ trở về nhà sau ca chở khách. Tuy nhiên, vào ngày 3.12.2018, đã 9 giờ sáng mà chưa thấy ba đâu, Hậu vội mượn người quen chiếc xe, chạy đi khắp nơi tìm kiếm. “Tới tầm 1 giờ trưa, tôi vô quán nước ngồi nghỉ mệt, lên Facebook thì thấy người ta đăng có chú Grab lớn tuổi nằm chết ở đường Rạch Cầu Suối. Cũng không biết phải ba hay không, lúc đó tôi vừa run vừa sợ, tức tốc chạy qua Công an Bình Chánh thì biết tin ba bị giết”, anh kể lại.

Chiếc xe đạp ba con Hậu thay phiên nhau chạy ngày trước và bức ảnh kỷ niệm của hai ba con

Nghĩ tới hoàn cảnh của đứa cháu trai, mắt bà Phạm Thị Tuyết Lan (55 tuổi) lại đỏ hoe: “Ngày hay tin ba mất, thằng Hậu chết điếng, người rũ xuống. Tội thằng nhỏ, mẹ bỏ đi từ lúc lên 3. Ba mất chưa được bao lâu, nó đi khắp nơi tìm lại mẹ thì cũng hay tin mẹ bị ung thư, vừa mới qua đời”. Thương cháu, nhưng gia đình bà cũng đâu khá hơn gì. Cố gắng lắm, bà mới vay mượn được ít tiền đưa thằng nhỏ lo ma chay cho ba nó.
Hỏi ra mới biết, chiếc xe bị cướp là tài sản duy nhất của hai ba con Hậu. Mấy chục năm trên đất Sài Gòn, anh và ba chia nhau đi làm thuê, làm mướn trên chiếc xe đạp bạc màu, cọc cạch. Thấy người ta chạy Grab có tiền, ông Hùng bàn với con mua chiếc xe máy. “Một chiếc xe, hai ba con chia ra chạy. Ba bảo tôi chạy từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, để ba đi mấy giờ còn lại. Chiếc xe Wave đó cũng là mua trả góp, đến lúc ba mất vừa góp xong tiền xe”, Hậu ngậm ngùi.

Chỉ muốn về quê nuôi gà nuôi vịt...

Hỏi Hậu nhớ nhất điều gì về ba, anh nói đó là ước mơ cháy bỏng của ba. “Trước lúc mất, ba mơ có một căn nhà vì từ xưa tới giờ chỉ ở nhà thuê thôi. Lúc nào ba cũng tâm sự với cô Lan rằng muốn về quê nuôi gà nuôi vịt. Vì vậy, ba làm bao nhiêu tiền cũng để dành, tằn tiện”, Hậu chia sẻ.
Bà Lan kể, nhiều lần, bà gạt đi khi nghe em trai kể về ước mơ có mảnh đất và căn nhà nhỏ. Bà cho rằng, sống ở đất Sài Gòn, kiếm ít chi nhiều, em mình thì chạy xe bữa được bữa không, rồi biết bao giờ mới gom đủ để mua đất, cất nhà. “Nghe mình khuyên vậy nhưng nó cũng tự tin tuyên bố, kiểu gì em cũng mua được”, bà Lan nhớ lại.
“Trước lúc mất vài ngày, nó bảo giờ em chạy xe em hà tiện, rồi vay người ta một chút ráng lo cho thằng Hậu học lái xe cho có cái nghề. Ước nguyện, ước muốn tùm lum, tính dữ lắm. Vậy mà...”, kể đến đây, bà nghẹn giọng, mắt đỏ hoe.
Phiên tòa hôm ấy, bà Lan cùng Hậu đến dự. Nhiều lần, bà phải nắm chặt tay cháu để nén cơn xúc động. Còn Hậu, anh cũng cố gồng mình kìm bức xúc: “Ngày lên tòa tôi cũng mới biết mặt người giết ba. Lúc nhìn thấy người đó, tôi tức tối lắm, chỉ muốn nhào vô đánh cho hả giận”. Hậu nghĩ, mình cũng nghèo, cũng phải bỏ học đi làm thuê nhưng đâu có đi cướp của giết người như những gì bị cáo đã làm với ba của anh. “Cứ đổ lỗi cho nghèo khổ, thiếu thốn rồi đi cướp giật, giết người như vậy thì được sao...”, Hậu lẩm nhẩm, để lửng câu nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Hồ bị tuyên án tử hình, nhưng với Hậu, dù án có thế nào thì anh cũng mất đi người ba hằng ngày nấu cơm, đợi cửa. Trước khi về, tôi hỏi Hậu tương lai định sẽ thế nào. Anh bảo sẽ ráng đi làm, để dành tiền, rồi về quê, mua một căn nhà nhỏ, hoàn thành nốt nguyện vọng dở dang ngày trước của ba.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.