Ký sự pháp đình: Giật tài sản, giật cả mạng người

29/12/2019 18:00 GMT+7

Thứ các bị cáo cướp đi không chỉ là chiếc giỏ xách với vỏn vẹn chiếc điện thoại với 120 ngàn đồng. Tàn nhẫn hơn, cú ra tay cướp giật tài sản kéo theo đó là hạnh phúc của một gia đình khi mất đi người chồng, người cha...

“Coi chừng đồ nha con”

Câu nói ấy, cũng là lời dặn dò cuối cùng ông Q.C dành cho chị Đ.C.H. (27 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), khi ông trên đường chở con gái đi làm vào tờ mờ sáng. Chị H. kể: “Hôm đó là ngày 28.12.2018, ba đưa tôi đi làm lúc ba rưỡi sáng để kịp giao ca. Suốt năm năm rồi, sáng nào cũng vậy…”.
Chị nhớ như in cái ngày xảy ra vụ cướp, chị chọn mặc một cái áo len, đeo theo chiếc túi nhỏ. Ông Q.C. ngồi trước lái xe, H. ngồi phía sau cẩn thận khoác chéo túi qua vai, đặt chính giữa hai người. Trên con đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM), đã hai lần chị bị giật điện thoại bất ngờ, vì vậy, không lúc nào cô gái này ngưng cảnh giác.
“Chạy qua quãng đường vắng, đột nhiên thấy lo lo, tôi bất giác đưa tay ghì chặt túi xách. Lúc này, ba đang lái xe cũng ngả người về sau, dặn nhỏ, coi chừng đồ nha con. Vậy mà chưa đầy một giây thôi là có người rồ ga ở phía sau, kéo mạnh dây túi xách.”, H. nhớ lại.
Lần thứ ba bị giật tài sản, của lại chẳng thể “đi thay người” như những lần chị H. thở dài cho qua mỗi khi gặp cướp. Cú giật mạnh đã khiến ông C. loạng choạng tay lái, xe đổ, hai cha con chị ngã xuống đường. Sau cú té, ông C. tử vong, hạnh phúc của gia đình chị H. cũng mất đi vì lòng tham của những tên cướp giật.

Lòng tham và sự lười biếng

Một năm sau cái chết của ông C., khi nhóm cướp ngày nào bị đưa ra xét xử, chị H. cùng mẹ đến dự phiên Tòa với tư cách người bị hại. Và rồi, chị lặng người khi nghe lời khai lạnh lùng từ những kẻ gián tiếp gây ra cái chết của ba mình.
“Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có thấy nạn nhân té ngã không?”, tại phiên tòa, Viện KSND có hỏi Phúc, một trong năm bị cáo. “Bị cáo có thấy”, Phúc cúi đầu, trả lời. “Vậy tại sao bị cáo không dừng lại để đỡ nạn nhân. Còn đi theo Nam, Cường và Sang để chia tiền cướp được?”, đổi lấy câu hỏi từ Viện KSND là sự im lặng kéo dài của các bị cáo cùng tiếng xì xào phẫn nộ của người tham dự.
“Nếu chúng không quay xe bỏ đi mà chạy tới đỡ ổng, gọi cấp cứu, có lẽ chồng tôi cũng không đi như vậy”, bà T.M.P (62 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) gạt nước mắt.
Đứng đối diện HĐXX, năm bị cáo, tất cả đều rất trẻ, người nhỏ nhất chỉ vừa 18 tuổi. “Vì sao lại đi cướp giật?”, với mỗi bị cáo, HĐXX đều đặt câu hỏi như vậy. “Vì thiếu tiền”, “Không có tiền xài”, đáp lời HĐXX là những câu trả lời ngắn gọn, lạnh lùng. “Thiếu tiền? Chị cũng đi làm, cực nhọc, vất vả mới có đồng trang trải. Tại sao vì thiếu tiền lại đi giật tài sản người khác, để rồi cướp luôn mạng sống của cha chị?”, ra khỏi phòng xử, chị H. bức xúc hỏi tôi.
Gia đình chị H. tại phiên tòa.Huyền Mai

Gia đình chị H. tại phiên tòa

Huyền Mai

Phiên tòa hôm đấy, HĐXX lẫn người tham dự chẳng thể chấp nhận lý do các bị cáo đưa ra. Tất cả đều là những thanh niên trẻ, khỏe, thế nhưng, thay vì lao động chân chính, các bị cáo lại chọn cách "rong ruổi" các nẻo đường để cướp của, giật đồ. Vì thiếu tiền, câu trả lời này có thỏa đáng cho những gì H. và gia đình của chị đang gánh chịu?

Nỗi đau của một gia đình

“Hành vi phạm tội phạm tội của các bị cáo để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng”, HĐXX nhận định tại phiên tòa ngày hôm ấy. Trong vụ án này, thứ mất đi không chỉ là cái điện thoại, đôi ba giấy tờ hay vài trăm tiền mặt. Đó là cả một mạng người, cả hạnh phúc của một gia đình đang yên ấm.
“Dù vào tù mười mấy, hai mươi năm, nó còn có đường trở ra lại, nhưng chồng tôi thì sao? Chỉ vì lòng tham của chúng nó mà chồng tôi chết oan ức như vậy? Thà ông ấy qua đời vì bệnh tật, tôi còn không đau như lúc này”, ngồi dưới hàng ghế bị hại, mỗi khi HĐXX nhắc đến ông C., bà P. lại đưa tay áo lau nước mắt.
Kể từ ngày chồng qua đời, bà P. chẳng còn biết niềm vui, hạnh phúc là gì. Trước khi ông mất, hàng ngày, hai đứa con đi làm, vợ chồng già ở nhà chăm sóc lẫn nhau. Sáng sớm, sau khi chở con gái đến công ty, ông sẽ về nhà, nấu cho bà ấm nước. Đợi nước sôi, chồng bà sẽ rót ra, đặt một ly lên tủ chén để vợ uống khi thức dậy. Những giây phút yên ấm đấy, sẽ chẳng thể nào quay trở lại.
Kết thúc phiên tòa, khi ống kính của các phóng viên vây quanh nhóm bị cáo, tôi thấy chị H. dìu bà P., lặng lẽ đứng nhìn nơi góc cửa. Hôm nay là ngày tái khám cái chân bị gãy, nhưng bà P. xin bác sĩ dời lại để tham dự phiên tòa. Cái chân đau của bà, cũng là vì té ngã khi bê ấm nước, công việc hàng ngày ông C. phụ giúp vợ mình.
Chỉ vì lòng tham, thứ các bị cáo cướp đi từ gia đình chị H. không chỉ là cái điện thoại cùng 120 ngàn tiền mặt, đó còn là hạnh phúc của một gia đình khi người đàn ông trụ cột qua đời.
Ngày 25.11, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Nam (27 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) 18 năm tù, Cao Phúc (31 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) 14 năm tù, Phạm Tấn Cường (22 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) 13 năm tù, Huỳnh Văn Sang (18 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) 10 năm tù và Trần Mạnh Đăng (19 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, cùng TP.HCM) 5 năm tù về tội "cướp giật tài sản"
Nguyễn Hoàng Nam là người chủ mưu rủ rê các bị cáo khác đi cướp giật. Để tránh bị phát hiện, các bị cáo ngụy trang thành tài xế xe ôm công nghệ, điều khiển xe gắn máy rong ruổi trên các con đường trên địa bàn quận Tân Bình, kiếm những người có tài sản để chiến đoạt.
Ngày 28.12.2018, trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình), nhóm này giật giỏ xách của chị H. khi người này đang ngồi sau xe máy do ông Q.C điều khiển. Hậu quả khiến ông Q.C. té xuống đường, sau đó tử vong do bị gãy đốt sống cổ. Sáng 18.1, khi các bị cáo tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội thì bị Công an Q.Tân Bình phát hiện, bắt giữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.