Kỹ sư ra khơi cùng ngư dân

20/08/2017 06:50 GMT+7

Kỹ sư cùng ngư dân ra khơi là cách làm mới của Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân sau những chuyến khai thác xa bờ tại vùng biển Trường Sa.

Ngư dân Nguyễn Thanh Bình, chủ tàu cá NT-90690 ở P.Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết trước đây gia đình ông thường tổ chức đánh bắt gần bờ với nghề lưới rê ba màng, thu nhập thấp và bấp bênh.
Năm 2015, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận có chương trình cử kỹ sư chuyên ngành khai thác đi cùng tàu cá để hướng dẫn ngư dân khai thác xa bờ, nên gia đình mạnh dạn đầu tư. Kỹ sư Nguyễn Quách Trường Thanh là người được cử theo tàu cá ông Bình vươn khơi xa.
Trên chuyến đi đầu tiên, được sự hướng dẫn về ngư trường của kỹ sư Thanh, sau hơn nửa tháng bám biển, hiệu quả khai thác đem lại kết quả rất cao. Từ chuyến đi đó, ngư dân Bình quyết định chuyển sang khai thác xa bờ. “Mỗi chuyến đi khai thác từ 15 - 18 ngày, trừ chi phí đầu tư, tôi thu lãi 100 - 150 triệu đồng”, ông Bình nói. Còn ngư dân Trần Minh Tuấn, chủ tàu cá NT-90201 ở xã Phước Diêm, H.Thuận Nam, cho biết năm 2016, kỹ sư Phan Tấn Minh đi trên tàu cá của ông ra vùng biển Trường Sa để đánh bắt.
Trong chuyến đi, kỹ sư Minh đã chỉ dẫn về ngư trường nên khai thác được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, đổng, gáy… Từ chuyến đi biển đó, ngư dân Tuấn chuyển từ nghề pha xúc gần bờ sang nghề lưới rê, thường xuyên bám biển khai thác ở vùng biển Trường Sa.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, cho biết từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã thực hiện hơn 30 chuyến đưa các kỹ sư trẻ đi cùng ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ. Trong những chuyến đi này, bên cạnh khảo sát, thăm dò ngư trường, các kỹ sư còn chủ động hướng dẫn kỹ thuật giúp ngư dân khai thác hải sản theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng và chia sẻ thông tin ngư trường, thời tiết, an toàn trên biển.
Đây là cách làm mới, góp phần thay đổi nhận thức của ngư dân từ tập quán khai thác gần bờ lâu nay sang đánh bắt xa bờ. Theo ông Tín, từ mô hình này, nhiều ngư dân khai thác xa bờ đạt hiệu quả cao, đã tự truyền miệng nhau, nên lượng tàu đăng ký khai thác ở vùng biển Trường Sa đã tăng lên theo từng ngày.
Kỹ sư Thanh trên chuyến tàu cá của ngư dân Ảnh: Trường Thanh
Tính đến nay, số tàu cá đánh bắt ở vùng biển Trường Sa tăng gấp 30 lần so với thời điểm năm 2015. Hiệu quả đem lại từ việc đánh bắt xa bờ đã xóa dần tập quán khai thác ven bờ, nhiều ngư dân chủ động đầu tư tàu cá có công suất lớn vươn xa đánh bắt ngày càng tăng. Đến nay, đã thành lập được 162 đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 198 tàu cá tham gia.
Ông Tín cho biết, ngoài việc cử kỹ sư trẻ ra ngư trường, các tàu cá đánh bắt xa bờ còn được hỗ trợ trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa, trang bị thiết bị giám sát hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển để thông tin liên lạc với đất liền. Sự hình thành và đẩy mạnh hoạt động các tổ đoàn kết khai thác, giúp cho các tàu cá ở địa phương không những mạnh dạn vươn xa đánh bắt hiệu quả, mà còn đoàn kết hỗ trợ giúp nhau trên biển khi gặp khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.