4 năm làm kỹ sư cơ khí tại Công ty Samsung Display Việt Nam, Lưu Văn Hải (30 tuổi) được cất nhắc làm Quản lý nhóm, nhận lương tháng nghìn đô. Công việc và thu nhập khiến nhiều người mơ ước nhưng Hải từ bỏ, trở về quê trồng nho sạch.
Vượt thử thách “kép”
Ấn tượng của chúng tôi khi thăm vườn của Lưu Văn Hải ở thôn Ba Gò (xã Trung Mỹ, H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là những luống nho dài ngút ngàn, sâu hun hút về phía chân đồi. Nho trồng theo luống, hàng lối đều tăm tắp với nhiều khu vườn khác nhau. Vườn thì mới nhú quả non nhưng đã có vườn quả to bằng ngón tay, căng mọng.
Hải được bố mẹ nuôi ăn học để thoát ly khỏi nghề nông nghiệp. 4 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, Hải có việc làm ổn định, khẳng định được vị trí ở một doanh nghiệp lớn. Thế nên khi quyết định về quê khởi nghiệp, Hải đối diện không ít thử thách gian nan.
|
“Thử thách đầu tiên là bố mẹ, anh chị em trong gia đình. 3 tháng trước khi nghỉ việc, em thông báo sẽ về quê làm nông nghiệp, ai cũng ngăn cản, phản đối vì công việc ở công ty đang phát triển, lương cao mà về nhà làm nông nghiệp thì cơ cực, bấp bênh”, Hải nhớ lại.
Còn thử thách thứ hai chính là điều kiện tự nhiên trên quê nhà. Quê Hải chỉ có đất đồi khô cằn, sỏi đá bạc màu từ bao đời nay. Người dân trong thôn và ngay cả nhà Hải thử nghiệm trồng nhiều loại ăn quả khác nhau nhưng chẳng có cây nào trụ được. Đất thì ít, xen lẫn là đá sỏi, chỉ phù hợp với trồng keo, mỡ, bạch đàn lấy gỗ bán cho các nhà máy giấy, thu nhập chẳng đáng là bao. Hải mang cây nho về trồng, không ít người bình phẩm cho là “gàn dở, ngu ngốc”.
|
Không lay chuyển khi gia đình phản đối, Hải kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ đồng ý cho chặt bỏ 1 ha đang trồng keo để chuyển sang trồng nho. Có đất, Hải không ngần ngại đầu tư toàn bộ khoản tiền 600 triệu đồng tiết kiệm sau 4 năm đi làm để cải tạo đất đồi, dựng nhà trồng nho theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước.
“Đất đồi toàn đá to như gan trâu, nếu cải tạo toàn bộ diện tích lớn thì rất tốn kém, em chỉ cho rạch luống đổ phân hữu cơ tạo mùn, làm cho đất xốp hơn, có thể giữ được nước sau đó xuống giống trồng nho”, Hải nói.
Giống nho đầu tiên Hải chọn là nho hạ đen do Đại học Nông lâm Bắc Giang cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật. Trước đó khi còn làm việc ở Công ty Samsung Display Việt Nam, Hải tranh thủ từng ngày nghỉ lân la khắp các tỉnh để tìm hiểu nghề trồng nho.
“Lô đầu tiên em trồng 2.000 gốc sau khoảng 3 tháng cây bắt đầu mới xanh tốt, đến tháng thứ 6 thì đồng loạt đơm hoa kết quả, nhìn ngắm nho lớn lên từng ngày mà phập phồng hồi hộp, không biết kết quả sẽ ra sao”, Hải nhớ lại.
Thu bạc tỉ và giấc mơ làm du lịch sinh thái
Trang trại trồng nho của Hải cho thu hoạch vụ đầu tiên từ năm 2019. Đến nay, diện tích trồng nho đã mở rộng đến 3 ha, toàn bộ quy trình chăm sóc, thu hái được giám sát chặt chẽ đảm bảo đạt tiêu chuẩn Vietgap.
Sản lượng nho thu hoạch chủ yếu cung cấp cho hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Vĩnh Phúc, một phần nhỏ bán cho khách quen ở các tỉnh lân cận. Giá bán tại vườn lên tới 150.000 đồng/kg. Giá cao hơn so với nhiều loại hoa quả khác nhưng hiện nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
|
Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào canh tác, Hải thành công khi phá thế độc canh ở vùng đất chỉ có cây trồng quen thuộc "hợp" với đất khô cằn, bạc màu thành những vườn cây ăn quả trù phú. Hải cho biết, nếu tính trên 1 ha đất trồng keo, bạch đàn thì sau 3 - 5 năm bán gỗ nguyên liệu, cao nhất cũng chỉ 300 - 400 triệu đồng/ha. Nhưng chuyển trồng nho chỉ hơn 1 năm là cho thu hoạch và với năng suất từ 10 - 15 tấn/ha thì doanh thu lên tới 1,5 - 2 tỉ đồng.
Đặc biệt, cây nho hạ đen này rất phù hợp với khí hậu địa phương. Các kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nho hạ đen có hương thơm và đột ngọt cao hơn so giống nho cùng lại trồng tại Ninh Thuận.
|
Không chỉ tập trung trồng nho, Hải bắt tay cải tạo, phát triển trang trại thành điểm du lịch sinh thái. Khi vùng trồng nho này kẹp giữa hai điểm du lịch nổi tiếng: Tây Thiên và Tam Đảo mỗi năm đón hàng triệu khách. Cũng từ các điểm dịch này, khách du lịch có thể đến tham quan, trải nghiệm hái và mua nho tại vườn.
Ngay tại địa phương, Hải thuyết phục nhiều hộ chuyển đổi từ trồng keo, bạch đàn sang trồng nho tiến tới hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm như rượu, mứt, nước giải khát từ quả nho. Đi xa hơn nữa, Hải bắt đầu gây dựng, chuyển giao kỹ thuật trồng nho cho một số hộ nông dân tại Hà Giang để mở rộng thị trường.
“Đưa cây nho về quê hương, em nhận thấy đang có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành một điểm du lịch sinh thái mới nằm không xa chân núi Tam Đảo. Em đang nghiên cứu, thử nghiệm chế biến thêm các sản phẩm mới từ từ nho, biết đâu đấy sau này nơi đây sẽ có những sản phẩm đặc sản, nổi tiếng chế biến từ quả nho”, Hải lạc quan nói.
Bình luận (0)