Kỹ sư trẻ 'vượt nắng, thắng mưa' trên công trường cao tốc miền Tây

18/02/2025 06:00 GMT+7

Trên công trường cao tốc miền Tây, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trẻ đang nỗ lực chạy đua với thời gian, vượt qua mọi khó khăn để công trình kịp hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tự hào thi công đường cao tốc

Những ngày này, trên công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn TP.Châu Đốc, An Giang), không khí làm việc rất khẩn trương. Nắng gắt, mồ hôi ướt áo, nhưng từng tốp kỹ sư, công nhân của Ban điều hành Trường Sơn 11, thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, vẫn miệt mài, tỉ mỉ kiểm tra từng chi tiết để đổ bê tông cầu Kênh Đào.

Kỹ sư trẻ 'vượt nắng, thắng mưa' trên công trường cao tốc miền Tây- Ảnh 1.

Kỹ sư Mai Trương Trung Nguyên tại công trình cầu Kênh Đào thuộc tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

ẢNH: TRẦN NGỌC

Kỹ sư Mai Trương Trung Nguyên (26 tuổi, quê Bạc Liêu, nhân viên Ban điều hành Trường Sơn 11) cho biết: "Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra 2 tổ thi công cầu Kênh Đào gần 50 người, làm sao mỗi người phải đảm bảo công việc theo đúng tiến độ, chất lượng. Đây là công trình quan trọng của quốc gia, mọi thứ phải rất cẩn thận".

Trung Nguyên chia sẻ, tháng 7.2023, anh được điều về An Giang thi công gói thầu số 42 dài gần 17 km của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước trên công trường nên anh nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu về địa hình, kỹ thuật thi công để nắm bắt tốt công việc và được lãnh đạo đơn vị tin tưởng. "Tham gia thi công cao tốc, cọ xát với môi trường làm việc khắc nghiệt, tôi được học hỏi rất nhiều. Bản thân rèn luyện được tính cẩn thận, tỉ mỉ, mọi thứ phải thật chính xác, hoàn hảo... Tôi rất vui khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc phát triển giao thông của đất nước ", Trung Nguyên bộc bạch.

Theo trung tá Nguyễn Đình Du, Phó giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, mỗi ngày có từ 150 - 170 lao động trên công trường thi công gói thầu số 42. Trong đó lao động trẻ, với tuổi đời từ 25 - 35, chiếm khoảng 70%. Để đảm bảo tiến độ công trình, Ban điều hành Trường Sơn 11 phấn đấu hết quý 1/2025 sẽ hoàn thành 5/5 cầu do đơn vị thi công trên tuyến.

Kỹ sư trẻ 'vượt nắng, thắng mưa' trên công trường cao tốc miền Tây- Ảnh 2.

Thượng úy Nguyễn Văn Hoàng trên công trường thi công cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP.Châu Đốc, An Giang

ẢNH: TRẦN NGỌC

Lần đầu tham gia thi công cao tốc, thượng úy Nguyễn Văn Hoàng (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) được chỉ huy Ban điều hành Trường Sơn 11 giao nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra thi công cầu Kênh Đào và cầu Huỳnh Văn Thu, là 2 cầu lớn nhất trong gói thầu, nên anh không khỏi lo lắng. Để nắm bắt công việc, ban ngày Hoàng trực trên công trường; đêm đến, anh tập trung nghiên cứu thêm hồ sơ kỹ thuật, bản vẽ thiết kế và trao đổi, học hỏi thêm với chỉ huy đơn vị.

Học ngành kỹ thuật công trình xây dựng giao thông của Học viện Kỹ thuật quân sự, thượng úy Hoàng có nhiều năm liên tiếp đón tết xa nhà. Tuy nhiên, Tết Ất Tỵ vừa qua là đặc biệt nhất, bởi anh cùng đơn vị đón tết ngay tại công trường cao tốc. "Ban đầu, khi nhận nhiệm vụ, tôi rất áp lực vì địa hình, địa chất khu vực miền Tây rất phức tạp. Qua thời gian thi công, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, được học hỏi kinh nghiệm từ các anh đi trước nên tôi dần quen với công việc, quen với áp lực về thời gian. Giờ thì mọi thứ đã ổn. Tôi rất tự hào vì được góp sức thi công cao tốc các tỉnh miền Tây để góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước", thượng úy Hoàng nói.

Trung tá Nguyễn Đình Du nhận xét: "Nhiều anh em lao động trẻ trong đơn vị lần đầu thi công cao tốc nên còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, các bạn được đào tạo chuyên ngành về giao thông, kiến thức vững, có tinh thần làm việc chuyên nghiệp, chịu khó, cầu thị. Cần gì thì anh em trao đổi với chỉ huy công trường để thông suốt về mọi thứ, từ đó công việc của các bạn trên công trường đáp ứng tốt yêu cầu".

Theo ông Ngô Công Thức, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đến ngày 13.2, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành phần 1 dài 57 km qua địa bàn tỉnh thi công đạt 45,72% khối lượng, vượt 0,31% so với tiến độ được duyệt.

Vượt khó để miền Tây phát triển

Trên công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27 km qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, các công nhân, cán bộ kỹ thuật trẻ cũng đang hối hả "vượt nắng, thắng mưa" để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Kỹ sư trẻ 'vượt nắng, thắng mưa' trên công trường cao tốc miền Tây- Ảnh 3.

Kỹ sư Cao Đình Dương (phải) trên công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

ẢNH: TRẦN NGỌC

Kỹ sư trẻ 'vượt nắng, thắng mưa' trên công trường cao tốc miền Tây- Ảnh 4.

Kỹ sư Cao Đình Dương (phải) trao đổi với công nhân trên công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

ẢNH: TRẦN NGỌC

Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, chủ đầu tư 16 km cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 qua địa bàn Đồng Tháp, cho biết sau tết, 3 nhà thầu thi công đã huy động gần 500 nhân sự và 168 thiết bị, chia thành 45 mũi thi công; trong đó có nhiều cán bộ, kỹ sư trẻ. Tính đến ngày 12.2, tiến độ thi công toàn tuyến đạt gần 57,4% kế hoạch.

Kỹ sư Cao Đình Dương (36 tuổi, quê Nghệ An), cán bộ kỹ thuật Công ty CP đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN - E&C, có 8 năm liên tiếp thi công cao tốc trên cả nước. Để công trình cao tốc Cao Lãnh - An Hữu kịp tiến độ, Tết Nguyên đán vừa qua, anh tình nguyện ở lại thi công và ăn tết tại công trường. "Tham gia thi công cao tốc từ Bắc vào Nam, mỗi vùng đều có khó khăn riêng. Do không biết bơi nên khi thi công cao tốc ở miền Tây vào mùa nước nổi, lúc đầu tôi cũng rất sợ, sau đó thì quen dần. Mỗi ngày, nhìn tuyến cao tốc do mình và anh em thi công dần hiện ra, tôi rất vui vì đã cùng góp sức vào phát triển giao thông miền Tây", kỹ sư Dương nói.

Ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng công trình cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cho biết nhân sự tham gia thi công cao tốc An Hữu - Cao Lãnh hơn 150 người, trong đó 20/37 kỹ sư dưới 35 tuổi. Đến nay, tiến độ thi công của gói thầu đạt hơn 55%. "Đơn vị có nhiều cán bộ, kỹ thuật viên trẻ được đào tạo bài bản tham gia thi công tốc Cao Lãnh - An Hữu. Anh em chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đầy nhiệt huyết nên đơn vị bố trí kỹ sư có kinh nghiệm kèm cặp để kỹ sư trẻ học hỏi. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, các kỹ sư trẻ đã đáp ứng tốt yêu cầu công việc", ông Tuân nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.