(TN Xuân) Không còn là những nghiên cứu, chế tạo để thỏa mãn đam mê cá nhân, ngày càng nhiều kỹ sư Việt đủ sức làm chủ công nghệ hiện đại với khát vọng cao hơn, xa hơn và cả sâu hơn trong lòng biển, bằng những cái tên rất Việt: Hòa Bình, Tam Đảo…
|
Tàu lặn Hòa Bình
Chiếc tàu lặn có tên Hòa Bình, do một nhóm nhà khoa học, doanh nhân thuộc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Vinashin (Hà Nội) nghiên cứu, chế tạo được đưa vào thử nghiệm thành công vào ngày 21.9.2014, tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
|
Sự kiện này mở ra triển vọng đóng các loại tàu lặn, nhằm để góp phần phát triển đất nước. Tàu lặn Hòa Bình thuộc Dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp nhà nước “Hoàn thiện thiết kế công nghệ và chế tạo tàu lặn cỡ nhỏ”, được Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Vinashin triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí hơn 25,5 tỉ đồng. Tàu dài 6,63 m, cao 2,74 m, tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ, thời gian lặn 24 giờ, độ sâu lặn 50 m, số lượng thuyền viên 4 người. Khi lặn, tàu có thể liên lạc với bờ hoặc các tàu lặn khác ở khoảng cách 1 km thông qua hệ thống thông tin vô tuyến.
Vào ngày 21.9.2014, tàu lặn được thử nghiệm ở các chế độ đứng tại chỗ, lặn xuống, nổi lên, quay vòng, bơi nổi và bơi lặn tại khu vực có độ sâu 15 m ở vịnh Cam Ranh, trong điều kiện gió nhẹ, sóng khoảng cấp 4. Đích thân Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã “lặn” cùng các nhà khoa học. Ông Nguyễn Quân khẳng định ông rất yên tâm khi ngồi vào tàu lặn, vì tin tưởng năng lực, trình độ của đội ngũ thiết kế kỹ thuật và vận hành con tàu.
Ông Bùi Xuân Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Vinashin, cho biết thời gian tới, tàu lặn Hòa Bình sẽ được thử nghiệm lặn đường dài, ở độ sâu gấp 1,6 lần độ sâu theo thiết kế. Đây sẽ là bước kiểm tra cuối cùng, được cơ quan đăng kiểm của CHLB Đức giám sát để cấp chứng chỉ an toàn kỹ thuật cho tàu hoạt động.
“Thành công nhất qua việc đóng tàu lặn Hòa Bình là chúng tôi đã nắm chắc lý thuyết, thiết kế và công nghệ đóng tàu lặn. Từ đó có thể thiết kế các tàu lặn du lịch, tàu lặn khảo sát tùy theo đơn đặt hàng, với thời gian cả thiết kế và thi công một tàu chỉ từ 6 - 8 tháng. Sản phẩm do chính người Việt vừa có kiến thức, vừa có kinh nghiệm thực tiễn chế tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam, nên tính khả thi cao, giá thành thấp hơn nhiều so với tàu nhập khẩu”, ông Dũng nói.
Thành công bước đầu của tàu lặn Hòa Bình đã mở ra triển vọng trong lĩnh vực chế tạo tàu lặn của Việt Nam, phục vụ nhu cầu du lịch biển, nghiên cứu đại dương, hướng đến xuất khẩu tàu lặn mang thương hiệu Việt trong tương lai.
Thử nghiệm tàu lặn Hòa Bình tại vịnh Cam Ranh ngày 21.9.2014 - Ảnh: Bùi Xuân Dũng
|
Nguyễn Chung
Giàn khoan Tam Đảo
Tại Việt Nam, Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) hiện là đơn vị duy nhất chế tạo được giàn khai thác dầu khí tự nâng.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 được khai thác từ năm 2012 đến nay - Ảnh: Nguyễn Long
|
Năm 2012, các kỹ sư của PV Shipyard đã chế tạo thành công giàn khai thác dầu khí tự nâng Tam Đảo 03 với trọng lượng 12.000 tấn, hoạt động ở độ sâu 90 m nước. Từ cuối năm 2013 đến nay, kỹ sư của PV Shipyard tiếp tục chế tạo giàn khai thác dầu khí tự nâng Tam Đảo 05 trọng lượng 18.000 tấn, thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Mỹ) dài 70,4 m, rộng 76 m và cao 9,5 m, chứa được 140 người. Giàn có chiều dài chân 147 m, hoạt động ở độ sâu 120 m nước, có khả năng khoan sâu 9 km, chở tối đa 6.488 tấn, chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường như sóng cao 20,7 m.
Sau nhiều tháng miệt mài chế tạo, cuối cùng giàn Tam Đảo 03 cũng được các kỹ sư Việt Nam hoàn thành, rồi hạ thủy thành công, ra khơi khai thác dầu khí. Đây cũng là bước ngoặt đưa ngành cơ khí chế tạo lên một tầm cao mới, khẳng định với thế giới về khả năng chế tạo giàn khoan của các kỹ sư Việt Nam.
Đến giàn khoan Tam Đảo 05, kỹ sư Lê Thành Huy tâm sự: “Khó khăn nhất của giàn tự nâng là chế tạo cụm nâng hạ. Chỉ cần sai số trên dưới 5 ly thì công trình xem như vứt bỏ, khi hoạt động giàn khoan sẽ bị nghiêng, gãy xuống biển. Nhưng anh em chúng tôi có kinh nghiệm chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03, nên mọi trở ngại đều dễ dàng vượt qua”.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Dự án Tam Đảo 05, cho hay: “Việc chế tạo giàn khoan này thì dễ rồi. Các kỹ sư của chúng tôi bây giờ chỉ muốn làm những công trình dầu khí khó, phức tạp hơn”. Tương tự, kỹ sư Lê Thành Huy nhận định: “Đội ngũ kỹ sư Việt Nam có tính sáng tạo rất cao, tiếp cận với công nghệ mới rất nhanh. Anh em chúng tôi đang hướng tới những giàn khoan bán chìm hiện đại như hiện nay trên thế giới, chứ còn giàn khoan tự nâng giờ chế tạo dễ như đồ chơi vậy”. Theo dự kiến, vào tháng 8.2016, giàn khai thác dầu khí tự nâng Tam Đảo 05 được bàn giao cho đối tác.
Bình luận (0)