Kỹ sư xây dựng bỏ nghề đi nuôi ruồi, kiếm 80 triệu mỗi tháng

06/06/2019 13:31 GMT+7

Trong suy nghĩ của nhiều người, ruồi là loài côn trùng không mấy sạch sẽ. Thế nhưng ở đây, nuôi ruồi đã giúp chàng kỹ sư 9X bỏ túi gần 80 triệu đồng mỗi tháng.

Đó là câu chuyện của chàng trai tên Nguyễn Chí Cảnh, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cảnh tốt nghiệp khoa Xây dựng của Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM năm 2018. Sau một thời gian theo nghề kỹ sư xây dựng nhưng thấy không phù hợp, anh quyết định bỏ việc và khởi nghiệp bằng nghề nuôi ruồi lính đen. Giờ, chàng trai đang là chủ trang trại Phượng Tím Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM.
[VIDEO] ANH KỸ SƯ BỎ VIỆC ĐI NUÔI RUỒI, KIẾM 80 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG
Thực hiện: Tuấn Anh - Lưu Trân

'Làm nông là nghề mình yêu nhất'

Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc nôi ruồi này, Nguyễn Chí Cảnh cho biết đó là một câu chuyện dài: "Ở quê mình người ta rất quan trọng chuyện đi học để có được tấm bằng rồi làm việc văn phòng, máy lạnh cho mát mẻ. Mình cố gắng học và tốt nghiệp để ba mẹ vui, nhưng sau thời gian làm việc tại các công trình thì mình nhận ra làm nông mới là công việc mình yêu thích nhất. Vậy là mình quyết nghỉ việc để làm… công nhân trại bò”.
Theo dòng hồi tưởng của anh, làm ở trại bò được khoảng 7 tháng thì anh nghiệm ra được có thể nuôi trùn quế từ phân bò. Anh bắt đầu tập tành nuôi trùn ở Vũng Tàu, nhưng không may đã thất bại.
“Lúc đó mình buồn lắm, nhưng vì đây là công việc yêu thích nên mình vẫn cố tìm hiểu cách để bắt đầu lại. Vô tình trong một lần đi Vĩnh Long, mình gặp một người anh đang làm vông việc nuôi ruồi lính đen. Được gợi ý từ người này, mình đã tìm về đất Củ Chi để khởi nghiệp bằng việc nuôi ruồi lính đen và cả trùn quế”, anh Cảnh nói.
Giai đoạn nuôi cấy ấu trùng ruồi Tuấn Anh
Khoảng hơn 20 ngày, ấu trùng ruồi chuẩn bị đóng kén sẽ lớn dần và chuyển sang màu đen Tuấn Anh
Khu vực nhà lồng được thiết kế bằng vải mùng, vải bạt để tiết kiệm chi phí và đảm bảo mức nhiệt độ phù hợp cho ruồi sinh trưởng Tuấn Anh
Theo lời anh Cảnh, ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, “nó không gây hại như ruồi thông thường và khả năng gây bệnh của chúng là rất nhỏ”.
Rút kinh nghiệm từ việc nuôi ruồi của những người đi trước, anh Cảnh mua trứng ruồi về để nuôi và nhân giống nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian. Ngoài ra, anh tiết lộ toàn bộ khu vực chuồng trại để nuôi nhộng ruồi đều được thiết kế bằng vải bạt và vải mùng, việc này còn giúp đảm bảo được nhiệt độ luôn ổn định trong mức từ 25 - 38 độ cho ruồi phát triển tốt nhất.
Dừng giữa cuộc trò chuyện, anh hỏi chúng tôi có ngửi thấy mùi hôi không, chính xác là “mùi bã đậu và mùi khai ngai ngái”. Anh Cảnh lý giải: “Thức ăn của ruồi lính đen là các loại rác thải hữu cơ như rau củ quả, bã đậu nành và cơm thừa... vậy nên khu vực chuồng trại luôn có những mùi này, mới đầu chưa quen thì thấy hôi, nhưng riết rồi ghiền lúc nào không hay”.

Thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng

Anh cũng nói thêm, nuôi ruồi lính đen bao gồm 2 giai đoạn là nhộng và ruồi: “Giai đoạn nhộng tức là mình lấy trứng về ấp thành nhộng, nuôi khoảng hai mươi mấy ngày thì con nhộng nó sẽ hóa đen, đóng kén lại và nở thành ruồi. Mình thả ruồi vô khu vực lồng bằng vải mùng và bạt cho nó đẻ trứng”.
Một trong những đặc điểm thú vị của ruồi lính đen là thời gian sống của ruồi trưởng thành rất ngắn, chỉ từ 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, đó cũng chính là khó khăn đối với người nuôi, bởi ruồi lính đen có vòng đời ngắn nên nếu người nuôi không nắm vững kỹ thuật thì có thể làm hỏng ấu trùng trong một vòng đời sinh trưởng.
Ruồi lính đen trưởng thành, không gây hại cho môi trường và con người dù tiếp xúc trực tiếp
Khi đến thời kỳ sinh sản, ruồi cái sẽ tìm đến các thanh gỗ được anh Cảnh chuẩn bị sẵn để đẻ trứng, mỗi con ruồi có thể đẻ từ 500 - 800 trứng Tuấn Anh
Giá bán trứng ruồi lính đen là 20 triệu đồng/kg Tuấn Anh
Về công dụng của “đoàn quân ruồi lính đen”, anh Cảnh cho biết, nhộng ruồi là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm và các loại thủy sản, còn khi nó nở thành ruồi bay lên thì dùng làm mồi cho chim yến. Ngoài ra, ở giai đoạn nhộng thì ruồi lính đen xử lý được rác thải hữu cơ, biến rác thải thành phân hữu cơ vi sinh rất tốt cho cây trồng.
“Ban đầu mình đặt mục tiêu là nuôi ra đủ số nhộng để đưa vào đây và lấy trứng, phải lấy được khoảng 200 gram trứng một ngày. Nhưng hiện tại ở đây có 2 nhà ruồi thì mình thu được một ngày khoảng 150 gram trứng, cũng dao động có ngày được 250 gram, có ngày được 100 gram, nhưng trung bình lại là 150 gram một ngày”, anh chia sẻ.
Hiện trang trại của anh Cảnh chỉ chủ yếu tập trung sản suất trứng ruồi để bán cho người dân mua về nuôi và tự nhân giống. Mỗi tuần, trại ruồi của anh Cảnh cho ra khoảng 1 kg trứng, tương đương với 3 - 4 tấn nhộng, một tháng sẽ thu được từ 4 - 5 kg trứng, tương đương với 15 - 20 tấn nhộng. Giá bán trứng ruồi lính đen ở trang trại của anh Cảnh là 20 triệu đồng/kg.
Ấu trùng ruồi lính đen hứa hẹn mang đến giá trị kinh tế cao, hiện trang trại của anh Cảnh vẫn còn khá khiêm tốn và đang trong thời gian phát triển, do đó, chàng trai 9X vui vẻ cho biết trong tương lai sẽ mở rộng trang trại hơn nữa, phát triển thêm nghề nuôi ruồi mà mình tâm huyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.