Kỳ thi đánh giá tư duy 'phiên bản mới': E ngại vì nội dung khác lạ

28/12/2022 06:05 GMT+7

Tại hội thảo giới thiệu về kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều cán bộ quản lý trường THPT đều bày tỏ lo ngại khi kỳ thi có vẻ thiếu ổn định.

Thay đổi liên tục cấu trúc, nội dung

Hôm qua (27.12), ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức giới thiệu phiên bản mới của kỳ thi đánh giá tư duy, với một số thay đổi căn bản. Trước hết, cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, từ 270 phút xuống còn 150 phút. Phần thi tự luận môn toán được bỏ, nên hình thức thi hoàn toàn là trắc nghiệm, tất cả thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính. ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức thi nhiều đợt, tại nhiều địa điểm thi.

Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), phát biểu tại hội thảo

QUÝ HIÊN

Tư duy theo tổ hợp môn học sẽ được xóa bỏ, không còn là toán + đọc hiểu + khoa học tự nhiên (hóa, lý, sinh) + tiếng Anh nữa, mà là đánh giá tư duy toán học + tư duy đọc hiểu + tư duy giải quyết vấn đề, để phù hợp với chương trình giáo dục THPT mới. Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, với cấu trúc và nội dung bài thi như trên, việc sử dụng kết quả bài thi cho tuyển sinh ĐH sẽ mở rộng phạm vi các ngành tuyển, gồm: khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Trao đổi tại hội thảo, nhiều cán bộ quản lý trường THPT của Hà Nội, Hải Phòng đều bày tỏ băn khoăn với nội dung thi “khác lạ”, cũng như sự thay đổi liên tục về cấu trúc và nội dung kỳ thi này kể từ khi được tổ chức đến nay.

Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), cho rằng tuy điểm mạnh của kỳ thi là mở ra cơ hội cho các em có mong muốn tuyển sinh vào các trường ngoài khối kỹ thuật công nghệ, kết quả được sử dụng 2 năm, nhưng yêu cầu đánh giá tư duy tổng quát chứ không dựa vào kiến thức từng môn sẽ là một điều lạ lẫm nên sẽ gây khó khăn cho học sinh (HS) trong quá trình ôn luyện. Đồng thời, bà Yến cũng mong mỏi đội ngũ ra đề cần phải là những người có kỹ thuật ra đề đánh giá tư duy (hiện đang là “của hiếm” - PV) chứ không phải là nặng về đánh giá nội dung môn học.

PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin về những thay đổi của kỳ thi đánh giá tư duy

mai chi

Mong muốn giữ ổn định kỳ thi

Ông Phạm Trường Nghiêm, giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), chuyển tới ĐH Bách khoa Hà Nội mong muốn của HS và phụ huynh trường mình là giữ sự ổn định của kỳ thi. “Mong nhà trường giữ ổn định kỳ thi, cách tiếp cận phù hợp với chương trình phổ thông hiện hành. Tránh cao quá, làm cho HS e sợ”, ông Nghiêm nói.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng chia sẻ, kỳ thi đánh giá tư duy được nhiều HS quan tâm, muốn đăng ký dự thi, nhưng chính các thầy cô và người quản lý ở trường phổ thông cũng không hiểu rõ để giải thích cho các em. Thực tế những năm trước, khi tham gia kỳ thi này, nhiều HS ngỡ ngàng với những kiến thức được kiểm tra, vì các em không được học ở nhà trường phổ thông. “Các trường ĐH đang quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến cho các thầy cô cũng lúng túng. Rồi thi cử, nào là kỳ thi tốt nghiệp, rồi thi đánh giá năng lực, thi tư duy… khiến cho HS cảm thấy quá nhiều. Mong Bộ GD-ĐT và các trường ĐH làm thế nào để giúp các em, chứ thời gian học chẳng được bao nhiêu mà cứ phải… thi thi thi”, ông Bình nói.

Công bố đề thi mẫu trong tháng 1.2023

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ công bố đề mẫu phiên bản đề thi đánh giá tư duy mới trong tháng 1.2023. Sau đó sẽ tổ chức kỳ thi năm 2023 trong 3 đợt: đợt 1 vào tháng 3 tại Hà Nội, đợt 2 vào tháng 5 cũng tại Hà Nội, đợt 3 vào tháng 7 (sau kỳ thi THPT) tại một số địa điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên... Các khối ngành có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển ĐH năm 2023, gồm: khoa học kỹ thuật, công nghệ; kinh tế, tài chính, ngân hàng; thương mại, ngoại thương; công nghiệp, nông nghiệp; y, dược.

Ông Tạ Xuân Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP.Hải Phòng), kiến nghị với phần tư duy đọc hiểu, ĐH Bách khoa Hà Nội nên bổ sung phần đọc hiểu văn bản chính luận để đánh giá được tư duy lập luận và cách nhìn nhận các vấn đề xã hội của HS. Cũng phần này, có một số kỹ năng được đề cập tới khá xa lạ với HS phổ thông, nên cũng mong có cách nào đó cho HS làm quen. Ngoài ra, cần tăng cường câu hỏi mức độ thông hiểu và mức độ vận dụng để phân loại thí sinh trong phần đọc hiểu. Với phần tư duy khoa học và giải quyết vấn đề (phiên bản được dự kiến áp dụng năm nay) nội dung khá rộng, mong ĐH Bách khoa Hà Nội có những ma trận hoặc bản mô tả chi tiết hơn để HS có thể dựa vào đó để ôn tập.

Ông Hòa cũng đề xuất ĐH Bách khoa Hà Nội công khai nội dung và phạm vi kiến thức ở các phần, công khai đáp án để người thi biết và rút kinh nghiệm trong mỗi lần làm bài. “Tính ổn định của kỳ thi tư duy sắp tới là đến năm nào? Nhà trường có sớm công bố các trường ĐH sẽ dùng kết quả? Dự kiến tổ chức thi ở những tỉnh, thành nào?”, ông Hòa nêu một loạt câu hỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.