Đối tượng khác nhau, chuyên môn khác nhau
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho rằng đối tượng của bài thi IELTS là dành cho tất cả mọi người muốn kiểm tra trình độ tiếng Anh của mình theo các mục đích khác nhau (đi làm, đi học, định cư…), trong khi đó, đối tượng của bài thi học sinh giỏi (HSG) hướng đến các học sinh đã có một trình độ nhất định về môn chuyên. Đối tượng khác nhau sẽ dẫn đến cách ra đề khác nhau", thạc sĩ Hữu nhận định.
Danh sách đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh của Hà Tĩnh gây tranh cãi |
Về tính chuyên môn, theo thạc sĩ Hữu, mặc dù bài thi IELTS cũng có 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), nhưng yêu cầu đối với việc kiểm tra từ vựng và ngữ pháp chỉ dừng ở mức dành cho đại chúng. Trong khi đó, bài thi HSG cần dựa trên việc người học có xuất phát điểm đã biết tiếng Anh, nên việc kiểm tra cần xoáy sâu, nhiều và rộng hơn các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc chuyên sâu và mức độ thành thục khi sử dụng chúng.
"Chẳng hạn như bài thi nghe của IELTS thường chỉ dừng ở dạng ghi từ hoặc cụm từ, nhưng đối với HSG yêu cầu cả dạng nghe - ghi chú, tóm tắt lại ý vừa nghe. Hoặc bài thi đọc của IELTS cũng chỉ có một số dạng câu hỏi nhất định, còn kỳ thi HSG, thí sinh ở trình độ cao nên được đòi hỏi với những dạng thi cao hơn như bài đọc dài hơn, kỹ năng tóm tắt ý chính cho bài…", thạc sĩ Hữu phân tích.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM, cũng cho rằng kỳ thi HSG dành cho những học sinh ưu tú, vượt trội hơn so với các học sinh khác, còn kỳ thi IELTS là dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể tham gia. Vì vậy tính chất, mục đích và cách ra đề, đánh giá của 2 kỳ thi này là khác nhau.
Liệu có công bằng?
"Việc đặc cách công nhận học sinh giỏi tiếng Anh đối với học sinh đạt điểm IELTS từ 7.0 trở lên sẽ tạo ra nhiều hạn chế nhất định trong tính công bằng của đánh giá. Theo đó, thi HSG mỗi năm một lần, tất cả các học sinh đều được đặt vào cùng một điều kiện thi cử giống nhau để đánh giá mức độ khác biệt về trình độ. Còn kỳ thi IELTS thì học sinh có thể thi rất nhiều lần vì được tổ chức liên tục. Và hình thức cũng như nội dung thi khác nhau nên học sinh có nhiều cơ hội thi lại hơn so với thi HSG. Từ đó, làm giảm đi bản chất về tính cạnh tranh của các thí sinh trong cùng một kỳ thi tranh giải", thạc sĩ Minh Trí chia sẻ.
Có sự khác biệt khá lớn về tính chất giữa kỳ thi IELTS và thi HSG |
đào ngọc thạch |
Đó là chưa kể việc xếp loại của thi HSG là dựa vào điểm lấy từ cao xuống thấp nên điểm chuẩn cho các giải sẽ khác nhau ở các năm, trong khi ELTS không mang tính chất xếp loại theo nghĩa này. Nếu chọn 7.0 thành điểm đạt HSG thì lại mang nghĩa lấy điểm từ thấp lên, theo thạc sĩ Minh Trí.
Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, tỉnh Tiền Giang cho rằng việc gộp chung để công nhận tương đương và xếp giải của tỉnh Hà Tĩnh chưa mang tính công bằng do mục đích mỗi kỳ thi là khác nhau và thang đo lường cũng khác nhau.
Ở một góc độ khác, thầy Hải nêu: "Danh hiệu HSG cấp tỉnh được một số trường ĐH trong cả nước tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Nếu được 7.0 IELTS được công nhận giải 3, 7.5 giải nhì và 8.0 giải nhất thì lúc đó các em sẽ đổ xô đi luyện thi IELTS để có cơ hội được tuyển thẳng. Không ngoại trừ số lượng này sẽ tăng lên rất nhiều, trong khi nếu chọn giải nhất nhì ba từ một kỳ thi HSG cấp tỉnh môn tiếng Anh thì số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Mất đi ý nghĩa truyền thống của kỳ thi HSG?
Thạc sĩ Châu Thế Hữu cho rằng bài thi IELTS chỉ nên được xem là một trong các nguồn tham khảo, chứ không phải thước đo duy nhất đo lường sự thông thạo về tiếng Anh của học sinh. Việc phụ thuộc quá nhiều vào IELTS hay một chứng chỉ tiếng Anh bất kỳ có thể làm mất đi tính độc đáo, cạnh tranh và cả ý nghĩa truyền thống của ba từ “học sinh giỏi”.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hữu, nếu muốn IELTS có thể quy ra các giải của kỳ thi HSG, thì đề thi HSG nên kết hợp những ưu điểm của các bài thi quốc tế như IELTS, TOEFL, hay bài thi các chứng chỉ Cambridge (cấp độ C1, C2). Bên cạnh đó, đề thi cần hướng tới việc kết hợp các kỹ năng với nhau.
"Thêm vào đó, giá trị của kỳ thi HSG không chỉ nên dừng lại ở việc đo lường chuyên môn của thí sinh, mà còn ở việc kiểm tra các kỹ năng đi kèm, như lập luận vấn đề hay tư duy phản biện… góp phần hướng đến đào tạo những HSG toàn diện, vững chuyên môn, giỏi tư duy, mạnh lập luận", thạc sĩ Hữu cho hay.
Ngoài ra, xét ở góc độ tổng thể, theo thạc sĩ Hữu, cần có sự thống nhất chung về mức độ như thế nào là “giỏi” cho thí sinh giữa các tỉnh, thành cả nước.
"Các nơi, tùy theo điều kiện của mình, có thể lựa chọn cách thức để đánh giá “giỏi”, trong đó, sử dụng IELTS với mức điểm tương ứng như một thang đo cũng có thể là một lựa chọn, nhưng không được quá sai khác so với sự thống nhất chung của cả nước. Sự sai khác giữa việc đánh giá mức độ “giỏi” trong tỉnh, thành với cả nước có thể dẫn đến thiệt thòi cho thí sinh khi tham gia các kỳ thi chung với quy mô toàn quốc sau này", thạc sĩ Hữu chia sẻ.
Bình luận (0)