Kỳ thị là vấn đề nổi cộm với người lao động nhiễm HIV/AIDS

04/12/2021 10:08 GMT+7

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu mới được công bố nhân Ngày Thế giới phòng, chống bệnh AIDS (1.12), hơn 40 năm sau kể từ khi bệnh AIDS xuất hiện, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn tồn tại.

Thông tin trên được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết ngày 1.12.

Báo cáo “Khảo sát Toàn cầu về Phân biệt đối xử với HIV trong thế giới việc làm”là sản phẩm hợp tác mang tính đột phá giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và công ty nghiên cứu và thăm dò dư luận Gallup International phối hợp thực hiện. Báo cáo đã làm sáng tỏ nguyên nhân khiến tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn tồn tại dai dẳng trong thế giới việc làm. Thông tin xây dựng báo cáo được thu thập từ hơn 55.000 người từ 50 quốc gia trên toàn thế giới.

Gần 40% người được phỏng vấn cho rằng, không nên cho phép những người có HIV làm việc trực tiếp với những người không bị nhiễm. Cứ 10 người được hỏi, thì có tới 6 người cũng ủng hộ việc bắt buộc xét nghiệm HIV trước khi cho phép đi làm.

Báo cáo đã làm sáng tỏ nguyên nhân khiến tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn tồn tại dai dẳng trong thế giới việc làm. Theo đó, việc thiếu kiến thức về lây truyền HIV là căn nguyên dẫn đến thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử. Cứ trong 2 người thì chỉ có một người biết HIV không thể lây truyền khi sử dụng chung một nhà vệ sinh và chỉ có một phần tư số người được hỏi trả lời chính xác về cách thức HIV lây truyền như thế nào. Những lầm tưởng và quan niệm sai lầm vẫn tồn tại dai dẳng và góp phần dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử.

Một chương trình nâng cao ý thức về bệnh HIV/AIDS ở Jakarta, Indonesia

Ảnh chụp màn hình The JAKARTA POST

Quan điểm về vấn đề này của các khu vực khá khác nhau. Châu Á và Thái Bình Dương là khu vực có mức độ dung nạp thấp nhất về khía cạnh trực tiếp làm việc với người nhiễm HIV (chỉ có 40% người được phỏng vấn cho rằng nên cho phép người có HIV làm việc với người không bị nhiễm), tiếp đến là Trung Đông và Bắc Phi (chỉ 42% người được phỏng vấn cho rằng nên cho phép người có HIV làm việc với người không bị nhiễm).

Những khu vực có thái độ tích cực nhất là Đông Phi và Nam Phi, theo đó gần 90% người được phỏng vấn cho biết nên cho phép làm việc trực tiếp với người nhiễm HIV.

Trình độ học vấn cao hơn cũng có mối tương quan với thái độ tích cực về khía cạnh làm việc với người nhiễm HIV. 68% những người có trình độ đại học trên toàn cầu đồng tình rằng nên cho phép làm việc trực tiếp với người có HIV, trong khi chỉ có 39,9% người tốt nghiệp tiểu học đồng ý với điều này.

Bà Chidi King, Trưởng Bộ phận Giới, bình đẳng, đa dạng và hòa nhập của ILO bày tỏ: “Thật đáng kinh ngạc khi những lầm tưởng và quan niệm sai lầm về HIV/AIDS vẫn còn rất phổ biến sau 40 năm kể từ khi căn bệnh này xuất hiện. Chính việc thiếu kiến thức cơ bản về phương thức lây truyền của HIV đã dẫn tới sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Cuộc khảo sát này là lời cảnh tỉnh để củng cố lại các chương trình phòng chống và giáo dục về HIV. Thế giới việc làm phải đảm nhận vai trò then chốt trong đó. Kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc khiến mọi người bị xa lánh, đẩy những người nhiễm HIV vào tình cảnh nghèo khó và ảnh hưởng tới mục tiêu đạt được việc làm thỏa đáng.”

Báo cáo của ILO cũng đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia, bao gồm việc triển khai các chương trình về HIV nhằm tăng cường hiểu biết của người lao động về cách thức lây truyền của HIV và xóa bỏ những hiểu biết sai lầm, cải thiện môi trường chính sách pháp luật về HIV để bảo vệ quyền của người lao động, bỏ yêu cầu xét nghiệm HIV bắt buộc theo khuyến nghị của ILO về HIV và AIDS (Khuyến nghị số 200), mở rộng phạm vi tiếp cận an sinh xã hội, cũng như giải quyết tình trạng bạo lực và quấy rối có thể bắt nguồn từ kỳ thị và phân biệt đối xử bằng cách phê chuẩn và thực thi Công ước của ILO về chấm dứt Bạo lực và quấy rối năm 2019 (Công ước số 190).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.