Kỳ thú 'Bát danh hương' Quảng Bình?: Lệ Sơn - Đệ nhất 'Bát danh hương'

23/12/2022 07:05 GMT+7

Hàng trăm năm trước, Quảng Bình đã có “Bát danh hương” (8 ngôi làng nổi tiếng) gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại.

Xưa kia, các ngôi làng này vang danh với truyền thống hiếu học, có sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, lắm danh lam thắng cảnh... Qua bao biến thiên, ngày nay “Bát danh hương Quảng Bình” còn lại gì?

Đứng đầu “Bát danh hương Quảng Bình” là làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình). Ngày trước, người Lệ Sơn chỉ biết đi học rồi... làm quan, còn nay đa phần người Lệ Sơn đi học rồi... đi dạy!

Một góc làng Lệ Sơn

BÁ CƯỜNG

“Tranh thủy mặc” giữa cao nguyên Tuyên Hóa

Chỉ cần đi qua cầu Văn Hóa, bắc qua sông Gianh, người ta như “nhón chân” bước vào một bức tranh thủy mặc bởi nhìn bên dưới là sóng nước dập dềnh, còn ngước đầu lên là những dãy núi đá vôi trùng điệp, loang những mảng xanh cây cối. Ruộng đồng ngô khoai được người dân canh tác phía dưới những chân núi đó. Tuyến đường sắt chạy ngang qua làng, chui qua những ngọn núi đá vôi càng làm cho người lần đầu vào làng trầm trồ bởi sự sắp đặt của tạo hóa.

Theo ông Phạm Quang Vịnh (70 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Văn Hóa), Lệ Sơn được thành lập từ năm 1471, diện tích khoảng 770 ha. Hơn 500 năm qua, Lệ Sơn đã nổi tiếng khắp Quảng Bình với nhiều huyền thoại cổ xưa.

Có tích cũ chép lại rằng, Lệ Sơn tựa lưng vào 99 đỉnh núi. Thuở hồng hoang, có 100 con phượng hoàng trên hành trình đi tìm “kinh đô” đã đậu lại nơi đây. Ngặt nỗi, vẫn còn thiếu 1 ngọn núi để con chim đầu đàn kiễng chân, nên Lệ Sơn chỉ là Lệ Sơn như bây giờ chứ không thể là kinh đô nào đó…

Lệ Sơn được xếp vào “Bát danh hương” không chỉ bởi cảnh quan sông núi, mà còn vì các thế hệ của Lệ Sơn đã sáng tạo, tích lũy nên một gia tài văn hóa đồ sộ, riêng có nơi đây. Trong đó 8 họ (Lê, Trần, Nguyễn, Phan, Phạm, Bùi, Lương và Cao) có công lớn dựng xây làng, mà dân địa phương gọi trân trọng là “Bát đại tính”.

Ngôi làng này, với tinh thần hiếu học, thời nào cũng sinh ra những người học hành giỏi giang, dũng cảm, thượng võ, nếu không ra làm quan thì cũng có công với cách mạng, giúp đời, giúp người. Thời phong kiến người đỗ đạt làm quan nhiều vô số, đến các thời sau Lệ Sơn cũng không ít người tài trí, dũng cảm và thượng võ mà người thể hiện tập trung nhất những ưu điểm nổi bật đó là thiếu tướng Hoàng Sâm (đội trưởng đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân).

Ông bà Lê Hải Tâm và Phan Thị Kim Luyến (giữa) là giáo viên, có 2/4 con ruột theo nghiệp gõ đầu trẻ

THANH LỘC

Nghề giáo - Nghề gia truyền

Ở tỉnh Quảng Bình ngày nay, xã Văn Hóa đứng đầu bảng trong các xã được gọi là “cái nôi sản sinh ra giáo viên”. Từ lâu, Văn Hóa được biết đến là làng giáo viên của cả tỉnh. Theo một thống kê chưa đầy đủ thì ngôi làng là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của gần 1.000 người làm nghề “gõ đầu trẻ”. Theo ông Vịnh, chỉ tính số giáo viên nghỉ hưu đang sinh sống ở xã và là hội viên người cao tuổi đã hơn 110 người, một con số “khủng” ở nông thôn. “Ở xã có rất nhiều gia đình có 2 hoặc 3 thế hệ làm nghề giáo. Nổi tiếng như gia đình ông giáo Thịnh, ông giáo Dần, ông giáo Tâm… Bà con chúng tôi hay trêu nghề giáo ở đây là nghề gia truyền”, ông Vịnh cho hay.

Theo lý giải của cụ ông đã qua tuổi 70 này thì nguyên nhân để dân làng Lệ Sơn bén duyên với nghề giáo cũng vì tinh thần hiếu học. “Người Lệ Sơn chưa bao giờ nổi tiếng trong buôn bán hay làm nghề thủ công. Có thể nói nếu dân Lệ Sơn không đi học thì khó giỏi trong nghề gì. Nên xưa đi học để làm quan, nay đi học để làm thầy”, ông Vịnh khẳng định.

Như gia đình ông Lê Hải Tâm và bà Phan Thị Kim Luyến (thôn Bàu Sỏi, xã Văn Hóa), 2 vợ chồng đều làm giáo viên, họ có cả thảy 8 người con (tính cả dâu rể) thì 5 trong số đó là giáo viên. Ông Lê Hải Châu(43 tuổi, con trai út của ông Tâm) kể rằng người cha vừa mất của ông trước đây là Hiệu trưởng Trường THCS xã Văn Hóa, còn bản thân ông, sau nhiều năm lang bạt “gõ đầu trẻ” ở nhiều địa phương của H.Tuyên Hóa, cũng vừa được bổ nhiệm vào đúng vị trí của cụ thân sinh ngày xưa. “Lớp tôi đi học trường làng ngày xưa, nay hết một nửa làm giáo viên. Người Văn Hóa chúng tôi trong ngành nhiều đến độ mỗi lần Phòng Giáo dục Tuyên Hóa tổ chức phong trào văn nghệ, thể thao gì… người ta lại đùa “Giải nội bộ của dân Văn Hóa”. Với chúng tôi, nghề giáo viên mang trong đó cả truyền thống gia đình, truyền thống làng xã. Chúng tôi tự hào về điều đó”, ông Châu nói.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.