Ngôi làng từng được ví là con thuyền đang bồng bềnh trên sóng nước vì có 3 mặt giáp sông biển, nay lại gây thương nhớ cho bao người khi trở thành làng bích họa nức tiếng…
Chỉ có thể là Cảnh Dương
Nằm bên sông Loan, núi Phượng, làng Cảnh Dương được lập từ năm 1634. Qua gần 400 năm gầy dựng và phát triển, cùng với truyền thống ngư nghiệp, Cảnh Dương đã tự tạo thương hiệu có một không hai về làng biển trù phú, dân trí cao, cảnh quan tuyệt đẹp. Thời chiến tranh, với khẩu hiệu “rào làng chiến đấu” Cảnh Dương là làng biển hiếm hoi được 2 lần phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Nguyễn Đình Diến (79 tuổi, thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương) cho biết du khách nên đến thăm Cảnh Dương vào mùa xuân |
BÁ CƯỜNG |
Nhắc đến Cảnh Dương, không ai không biết đến phong tục thờ Cá Ông (thờ Nam Hải Bồ Tát) với Linh Ngư miếu, lễ hội Cầu Ngư. Linh Ngư miếu là nơi thờ 2 bộ xương cá voi có chiều dài lớn nhất tại Việt Nam với ước tính gần 27 m, bề rộng gần 10 m. Theo truyền thuyết của làng, cá bà (cá voi cái) và cá ông (cá voi đực) vào "lụy" (bị nạn) ở Cảnh Dương năm 1806 và 1818. Không chỉ vậy, Cảnh Dương còn có nghĩa địa Cá Voi, nơi yên nghỉ của khoảng 17 cá ông, cá bà, đã “lụy” vào làng trong gần 400 năm nay.
Theo ông Nguyễn Đình Diến (79 tuổi, thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương), du khách nên đến thăm Cảnh Dương vào mùa xuân, nếu đúng là dịp rằm tháng giêng càng tuyệt vời. “Đó là thời gian mà người Cảnh Dương tổ chức các lễ hội cầu ngư, rước lửa, đua thuyền. Nơi mà mọi người có thể chìm đắm trong các làn điệu dân gian, đậm đà sắc thái miền biển như hò ru, chèo cạn…”, ông Diến giới thiệu với chất giọng Cảnh Dương lơ lớ rất đặc biệt mà người viết phải rất chăm chú mới nghe, hiểu được.
Ngày nay, nhiều người vẫn bảo Cảnh Dương là “phố trong làng”, bởi chỉ có thể là ở Cảnh Dương, mới cảm nhận sự hòa quyện đồng điệu giữa nét đặc trưng của làng quê miền biển truyền thống với những mảng tường bê tông, với những gì là hiện đại, là đổi mới…
Bích họa phố trong làng
Cuộc “đổi đời” của làng biển Cảnh Dương đã đến vào năm 2018, khi 1 dự án “khoác áo mới” cho ngôi làng đã được Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Bình triển khai. Đã có khoảng 50 bức bích họa 3D dài tổng cộng cả cây số đã được khoác lên tường nhà hoặc tường rào của những ngôi nhà mà người Cảnh Dương đang sống.
Rất kỳ công, những người cầm cọ đã kể lại lịch sử làng biển Cảnh Dương qua hình ảnh. Đó là những pháo đài thép Cảnh Dương, những dân quân du kích… thời chiến; đó là chợ cá lúc sáng sớm, đoàn tàu vững vàng giữa biển khơi, ngư phủ bủa lưới buổi bình minh... của thời bình; đó là những lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền hay là những loài cá tôm. Cảnh Dương vụt sáng thành ngôi làng bích họa, kéo bao du khách gần xa đến thưởng lãm và gây thương nhớ bằng những gì dung dị nhất.
Những bức bích họa tồn tại giữa cuộc sống hiện đại của người Cảnh Dương |
Len lỏi trong những con hẻm đầy tranh vẽ của làng Cảnh Dương, thời gian tưởng như ngưng đọng. Sự chật chội của ngôi làng biển lại tạo nên sự gần gũi đến lạ kỳ. Những mảng tường đầy sắc màu, những gian nhà thấp le te, sát rạt bên nhau, chỉ cần nhà này nói tiếng to là cả ngõ đều nghe thấy. Ấy thế nên tình làng nghĩa xóm vẫn lâu bền. Bước chân du khách trên những ngõ bê tông, có đôi chỗ được ghép bằng đá hộc, thường được chào đón bằng ánh mắt, nụ cười hồn hậu của người dân địa phương…
Sự đổi thay chóng vánh không làm Cảnh Dương mất đi bản sắc làng biển của mình. Dù không ít gia đình đã nhanh nhạy nắm bắt chuyển sang làm dịch vụ, thương mại nhưng đa phần các hộ dân ở Cảnh Dương vẫn bám biển. Ngư lưới cụ vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi trong làng, nhiều như những bức bích họa. Cũng dễ dàng bắt gặp những gia đình Cảnh Dương, vợ phụ chồng cùng nhau đan lưới, chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Anh Nguyễn Ngọc Sơn (33 tuổi, thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương) vừa thoăn thoắt tay lưới vừa bảo với chúng tôi rằng, cứ mỗi 12 giờ đêm, anh lại lên thuyền thúng ra biển làm nghề, đến 3 giờ chiều hôm sau thì trở về. Có hôm trúng ghẹ xanh, cá chai, cá hố, mực… kiếm được 5 - 6 triệu đồng nhưng cũng có hôm chỉ đủ tiền dầu, nhưng mấy chục năm qua, anh vẫn sinh hoạt như thế. “Tôi vẫn bám nghề chài lưới nên thú thật việc Cảnh Dương nổi tiếng và được nhiều người thăm viếng cũng chẳng ảnh hưởng mấy đến “bữa cơm” của gia đình. Nhưng tôi tự hào vì quê mình được nhiều người biết đến. Du khách đến làng thăm thú, tây ta xì xồ vui vẻ, chúng tôi cũng đâu tiếc chi những nụ cười chào đón”, anh Sơn nói, mộc mạc như chính ngôi làng biển này. (còn tiếp)
Kỳ thú 'Bát danh hương' Quảng Bình
Bình luận (0)