Kỳ thú cổ vật - Kỳ 5: Những chiếc ấn mang dấu thời gian

24/03/2013 03:15 GMT+7

Ấn triện là con dấu của các vua chúa, tướng lĩnh, quan lại thời phong kiến đóng lên những văn bản nhằm xác nhận tính hợp pháp. Giới sưu tầm đồ cổ Việt Nam đã “ngược dòng thời gian” để tìm lại những chiếc ấn xa xưa nhất của cha ông.

>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 4: Nét hoa văn gợi nhớ một vương triều

Bộ ấn triện Tây Sơn

Năm 2008, Báo Thanh Niên  từng có bài viết về “kho vũ khí” (qua đồng) của ông Nguyễn Văn Phẩm (ở TP.HCM). Tuy nhiên, ông Phẩm còn được giới sưu tầm đồ cổ trong cả nước biết đến là người sở hữu bộ sưu tập ấn triện lớn nhất Việt Nam, trong đó có bộ ấn triện thời Tây Sơn được cho là đầy đủ nhất... Ông Phẩm kể về chiếc ấn đầu tiên ông có được: “Là người gốc Bình Định nên tôi rất chú tâm nghiên cứu vương triều Tây Sơn, cũng như những giai đoạn liên quan đến triều đại này. Năm 1992, tôi có người bạn ở Tây Sơn (Bình Định) khoe mới sưu tầm được một con dấu cổ còn rõ niên đại, chức tước…, sau đó tặng lại cho tôi. Đó là chiếc ấn đồng Thần vệ tướng quân, được đúc năm 1526 (thời Lê) - chiếc ấn tiên khởi đồng thời là ấn của một võ quan cấp cao nhất trong bộ sưu tập của tôi…”.

 “Tây Sơn Thất Ấn”
“Tây Sơn Thất Ấn” - Ảnh: nhân vật cung cấp

Riêng về bộ sưu tập ấn triện Tây Sơn, sau 20 năm lặn lội tìm kiếm, ông Phẩm đã có được 7 chiếc. Tuy chỉ là ấn của các bộ tướng nhưng cũng rất có giá trị về mặt lịch sử - khảo cổ. Trong bộ “Tây Sơn thất ấn” này, ông Phẩm ấn tượng nhất với chiếc ấn Tân Hợi niên đông tạo (được đúc vào mùa đông năm Tân Hợi, 1791) bởi nó được hoàn thành trước khi vua Quang Trung băng hà một năm.

Ngoài bộ “Tây Sơn thất ấn”, Nguyễn Văn Phẩm còn sở hữu nhiều chiếc ấn cổ và quý như ấn đồng Thiên Trường phủ ấn (1628, đời Lê Thần Tông) hoặc ấn Quan Thiệu lục niên (1526, thời Lê)…

Ấn nào cổ nhất ?

Đầu năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) tổ chức công bố và trưng bày 11 bảo vật quốc gia, trong đó có chiếc ấn đồng Môn Hạ sảnh. Đây là chiếc ấn được phát hiện ở Hà Tĩnh vào năm 1962. Ấn hình vuông 3 cấp, cao 8,5 cm. Núm hình chữ nhật giống hình bia đá. Hai cạnh lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên phải có 4 chữ Môn Hạ Sảnh ấn (ấn của Sảnh Môn Hạ). Bên trái khắc 11 chữ Long khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo (được đúc ngày 23.5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh - tức năm 1377, đời vua Trần Duệ Tông). Mặt ấn hình vuông, kích thước 7,3 x 7,3 cm, đúc 4 chữ kiểu triện Môn Hạ Sảnh ấn. Môn Hạ Sảnh ấn là chiếc ấn thời Trần duy nhất hiện biết. Ấn có nội dung rõ ràng, niên đại cụ thể, liên quan đến lịch sử hành chính triều Trần. Sảnh Môn hạ nằm trong bộ “Tam sảnh” của chính quyền trung ương, gồm: sảnh Thượng thư, sảnh Trung thư và sảnh Môn hạ là cơ quan thân cận của nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh vua tới các quan và các công việc lễ nghi trong cung. Môn Hạ Sảnh ấn được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình từ đời Trần Phế Đế về sau. Đây là một bằng chứng về tổ chức hành chính trung ương thời Trần.

Môn Hạ Sảnh ấn được giới chuyên môn xác nhận là chiếc ấn cổ nhất của Việt Nam cho đến thời điểm công bố (đầu năm 2013) và được xếp vào một trong 30 bảo vật quốc gia năm 2012.

Tuy nhiên, mới đây trong bài viết Đôi điều về ấn chương và ấn đồng cổ mới được phát hiện đăng trên trang web Cổ vật tinh hoa, PGS-TS Nguyễn Công Việt, Phó viện trưởng Viện Hán Nôm (Hà Nội), đề cập đến việc tìm ra chiếc ấn đồng cổ tên là Tam Giang khẩu Tuần kiểm ty ấn. Theo mô tả của PGS-TS Nguyễn Công Việt thì “... Quả ấn đồng qua nhiều thế kỷ bùn đất chôn vùi nên chuyển màu xám xỉn đen, mặt ngoài sần sùi, ở núm có lỗ mọt nhỏ. Ấn được đúc theo dạng đế vuông, núm chuôi vồ dẹt to bản, dưới to trên thuôn nhỏ. Núm có chiều cao 6,3 cm. Đế dày 1 cm, tổng chiều cao của ấn là 7,3 cm. Mặt đế hình vuông kích thước 5,7 x 5,7 cm. Trong khuôn có 7 chữ Triện xếp theo 3 hàng dọc đều nhau từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Hàng đầu và hàng thứ nhì, mỗi hàng có 2 chữ; hàng thứ ba khắc 3 chữ. Hàng 1 và hàng 2 chữ khắc đều nhau theo khuôn hình chữ nhật đứng, hình thức mỗi chữ là 2,1 x 1,35 cm. Hàng thứ ba có 3 chữ khắc đều nhau khuôn hình vuông, kích thước mỗi chữ là 1,35 x 1,35 cm. Mặt trên núm ấn phía bên phải có 7 chữ Hán khắc thể Chân thư theo chiều dọc. Phía bên phải dòng chữ sát mép cạnh ấn nên một số chữ bị sứt mẻ, bị mờ khó đọc. Qua “chân hóa” chữ Triện của dấu, chúng tôi đã xác định được 7 chữ Triện trong dấu là Tam Giang khẩu Tuần kiểm ty ấn. Đồng thời, qua xem xét kỹ đối chiếu 7 chữ trên mặt ấn vế phải, thấy chữ Triện trong dấu trùng hợp với dòng chữ mặt trên ấn. Đây là ấn của Ty Tuần kiểm vùng Tam Giang khẩu.

Mặt trên núm ấn vế bên trái là dòng ghi niên đại, song bùn đất cùng thời gian đã bào mòn chữ bị mờ gần hết. Sử dụng phương pháp nghiệp vụ chuyên môn trong xác định niên đại hiện vật ấn dấu; đồng thời tra cứu các tài liệu lịch sử, địa chí về địa danh Tam Giang và Tam Giang khẩu, cộng với việc đối chiếu những tài liệu quan chức chí liên quan với tên gọi Ty Tuần kiểm, chức Tuần kiểm khắc trên ấn, chúng tôi khẳng định ấn đồng này có niên hiệu Đại Khánh (1314 - 1329) triều Trần Minh Tông. Việc so sánh đối chiếu với tên niên hiệu của một số triều vua thời Trần trước và sau niên hiệu Đại Khánh càng khẳng định cho việc xác định niên đại ở quả ấn này là có cơ sở...”.

Như vậy, chiếc ấn Tam Giang khẩu Tuần kiểm ty ấn còn cổ hơn cả chiếc Môn Hạ Sảnh ấn. Chúng tôi đã liên hệ với PGS-TS Nguyễn Công Việt để hỏi thêm về xuất xứ của chiếc ấn cổ nhất Việt Nam này. Ông tiếp chuyện rất nhiệt tình và cho biết chiếc ấn hiện đang nằm trong bộ sưu tập tư nhân (ở phía bắc) nên không thể tiết lộ gì thêm, nhằm bảo vệ hiện vật và chủ sở hữu.

Hà Đình Nguyên

>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 5: Ẩn số lăng mộ vua Quang Trung
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 4: Cung Đan Dương là lăng vua Quang Trung?
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 3: Bí ẩn lăng Ba Vành
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 2: Giả vương của vua Quang Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.