Kỳ thú thể thao thế giới: Cuộc thi cõng vợ

20/01/2016 09:32 GMT+7

Dân gian VN có câu “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Ở Phần Lan, ý nghĩa của câu ca dao ấy phần nào ẩn hiện trong môn thể thao có cái tên lạ đời: Cõng vợ. Đến nay, môn cõng vợ đã vượt ra khỏi biên giới Phần Lan và trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia.

Dân gian VN có câu “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Ở Phần Lan, ý nghĩa của câu ca dao ấy phần nào ẩn hiện trong môn thể thao có cái tên lạ đời: Cõng vợ. Đến nay, môn cõng vợ đã vượt ra khỏi biên giới Phần Lan và trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia.

Cõng vợ - môn thi kỳ thú trong thể thao thế giới	Ảnh: EPACõng vợ - môn thi kỳ thú trong thể thao thế giới Ảnh: EPA
Ngoài chức vô địch, những cặp vợ chồng, đôi uyên ương đang yêu, thậm chí là cặp đôi hàng xóm tham gia môn thi này có một trải nghiệm đầy thú vị: thử thách sự chung thủy, vun đắp tình yêu trước khi bước lên xe hoa và gắn kết “tình làng nghĩa xóm”.
Giai thoại ra đời
Môn cõng vợ (Wife Carrying hay Eukonkanto) ra đời ở Phần Lan và là một cuộc thi truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác. Cuộc thi cõng vợ vốn có một truyền thuyết và giai thoại từ cổ xưa ở đất nước Bắc Âu về một nhân vật có tên Herkko Rosvo-Ronkainen. Tương truyền Rosvo-Ronkainen được xem là một tên cướp khét tiếng vào cuối những năm 1800. Gã này sống trong một khu rừng, đứng đầu một băng đảng chuyên trộm cướp gây nỗi khiếp sợ ở các làng mạc. Câu chuyện trộm cướp của băng đảng Rosvo-Ronkainen có rất nhiều giai thoại truyền miệng từ dân gian cho đến nay mà trong đó đều được cho là nguồn cơn để hình thành môn thể thao cõng vợ sau này. Một số người thời xa xưa ở Phần Lan cho rằng băng đảng Rosvo-Ronkainen chuyên trộm thực phẩm, phụ nữ ở các làng mạc và cõng những phụ nữ trên lưng khi tẩu thoát vào rừng. Một giai thoại khác kể lại những tên trộm khét tiếng trên đến một ngôi làng gần nơi ở để ăn cắp vợ của người đàn ông khác cõng đi, sau đó biến người phụ nữ kia thành vợ mình.
Có người cho rằng đó chỉ là những giả thuyết có chủ đích hay một câu chuyện đùa nhưng môn cõng vợ thì có thật. Và những giai thoại “giả giả thật thật” ấy chỉ làm cho cuộc thi lạ đời trên thêm phần kỳ bí và thú vị.
Cõng vợ vượt biên giới Phần Lan
Quy định của cuộc thi cõng vợ ở Phần Lan không có nhiều ràng buộc về cách thức. Người đàn ông miễn sao nhấc người được cõng khỏi mặt đất. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là các cặp đôi tham gia đều chọn cách cõng không chính thống và trở nên phổ biến ở các cuộc thi sau này: đó là cách cõng theo kiểu Estonia. Theo kiểu cõng này, người phụ nữ bị treo lộn ngược đầu phía sau lưng người đàn ông, 2 chân vắt chéo quanh cổ, mông chổng lên trời còn 2 tay giữ eo đối tác. Người đàn ông sau đó sử dụng sức mạnh để mở hết tốc lực chạy vượt qua nhiều chướng ngại vật để đến đích một cách nhanh nhất.
Hấp lực của cuộc thi được định hình sau sự ra đời của một Ủy ban thiết lập điều lệ cuộc thi cõng vợ quốc tế và những cặp đôi tham gia đều phải trải qua tập luyện hẳn hoi. “Các cặp đôi có thể tập luyện khắp mọi nơi, từ sân chơi công viên, nhà tắm đến siêu thị... và môn cõng vợ sẽ giúp mối quan hệ của các bạn tốt hơn”, một lời tư vấn về việc tham gia cuộc thi cõng vợ.
Theo điều lệ, người đàn ông cõng vợ, người yêu và người phụ nữ hàng xóm với tuổi đời trên 17, trong đó người được cõng phải có trọng lượng từ 49 kg trở lên, chỉ được trang bị mũ bảo hiểm. Trong trường hợp chưa đủ trọng lượng, người phụ nữ được cõng phải mang thêm ba lô để đủ số ký theo quy định. Các cặp thi sẽ vượt qua quãng đường 253,5 m và cặp đôi có thời gian đến đích nhanh nhất sẽ chiến thắng.
Nếu vậy một số người sẽ nghĩ rằng cuộc thi cõng vợ chẳng có gì thú vị và quá dễ dàng. Thế nhưng, nếu nhìn vào quãng đường có vẻ ngắn mà các cặp đôi phải vượt qua, không ít thí sinh sẽ phải chùn chân bởi thách thức của chướng ngại vật, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người thi. Theo đó, các cặp thi sẽ vượt qua một đầm lầy cát, một hồ nước sâu hơn 1 m. Điều oái oăm là trên đường đua, nếu khuôn mặt người đàn ông luôn nhăn nhó trước những chướng ngại vật, thì người phụ nữ được cõng lại có vẻ mặt lo lắng vì sợ “rơi” xuống đất hoặc nước, trong khi hàng ngàn người xem được những trận cười hả hê trước những cú lộn nhào, té ngã của những cặp đôi.
Kể từ năm 1992, giải vô địch cõng vợ thế giới được tổ chức hằng năm tại Sonkajarvi (Phần Lan). Sau giai đoạn đầu lép vế trước các đối thủ Estonia, các cặp đôi Phần Lan là Taisto Miettinen - Kristiina Haapanen và Ville Parviainen - Sari Viljanen giành lại vị thế bá chủ thế giới khi thay nhau đoạt chức vô địch kể từ năm 2008 đến nay. Năm ngoái, giải đã thu hút các cặp đôi tham gia đến từ 14 quốc gia. Thách thức, ý nghĩa và sự thú vị đã làm môn thi này không còn là “tài sản riêng” của Phần Lan và đang dần phổ biến tại nhiều quốc gia. Cho đến nay, các cuộc thi cõng vợ được tổ chức đều đặn hằng năm ở Bắc Mỹ, Úc, Hồng Kông, Estonia, Vương quốc Anh... Các giải vô địch này được xem là vòng loại bởi cặp đôi chiến thắng sẽ đoạt vé đến ngày hội cõng vợ lớn nhất hành tinh ở Sonkajarvi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.