Kỹ thuật cao níu chân người bệnh

01/03/2017 08:01 GMT+7

Ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, những năm gần đây ngành y tế còn ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đòi hỏi phải nâng cao khả năng xét nghiệm chẩn đoán vi rút mới.

Ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm
Với hai ứng dụng vào chẩn đoán và điều trị nói trên, ngày 10.2, BV Bệnh nhiệt đới và BV Bình Dân được Sở Y tế TP.HCM trao đồng giải khuyến khích - giải thưởng Chất lượng khám, chữa bệnh ngành y tế TP.HCM năm 2016.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết những năm gần đây, tình hình bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới và tại VN như: cúm A (H7N9), vi rút Corona gây hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV) và mới đây là bệnh do vi rút Zika. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đòi hỏi ngành y tế phải nâng cao năng lực chẩn đoán để tầm soát và khống chế không để dịch lây lan ra cộng đồng. Do vậy việc xây dựng phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 là yêu cầu cấp thiết. Trên thế giới, rất nhiều trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm liên quan đến việc không đảm bảo an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm, đã được ghi nhận.
Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 của BV Bệnh nhiệt đới được thiết kế ngăn ngừa sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh nguy hiểm ra môi trường bên ngoài; cán bộ phải có tay nghề cao; việc ra vào của y bác sĩ được quản lý chặt chẽ với hệ thống khóa điện tử, không cho phép 2 cửa ra vào mở cùng một lúc nhằm tránh làm lây lan mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường; tất cả rác và chất thải bên trong được hấp bằng lò điện tử 2 cửa trước khi được đem ra ngoài.
“Nhờ có phòng xét nghiệm này mà BV đã có điều kiện để phân lập, xác định và nghiên cứu các mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi hoặc các bệnh lây nhiễm cao tại VN”, TS-BS Châu nói.

Rút ngắn thời gian mổ bằng robot
BV Bình Dân TP.HCM vừa thực hiện phẫu thuật bằng robot. Phẫu thuật nội soi robot hay phẫu thuật robot (robotic surgery) được thực hiện đầu tiên ở Mỹ từ cuối thập niên 1980. Hiện nay, phẫu thuật robot đã phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật lớn và phức tạp ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (ảnh trái) và một ca mổ bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân Ảnh: H.M - Duy Tính

Phẫu thuật bằng robot đã phát triển đến thế hệ thứ tư với 4 cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D. “Với góc phẫu thuật này, không cánh tay người nào có thể thực hiện được, nhờ đó nó có khả năng phẫu thuật ở những vị trí khó và có thể di chuyển tự do ở 6 góc độ và vận động tinh vi. Do vậy, kỹ thuật này đã khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật mổ mở cũng như của phẫu thuật nội soi, đưa ngành phẫu thuật lên một đỉnh cao mới, thành công mỹ mãn tại các trung tâm chuyên khoa lớn trên thế giới”, TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, phân tích. Kỹ thuật mổ bằng robot của BV Bình Dân được Bộ Y tế bình chọn là 1 trong 10 thành tựu y tế năm 2016 của VN.
TS-BS Hưng cho biết việc đưa robot về BV Bình Dân có 5 mục tiêu: thứ nhất là vì lợi ích người bệnh; ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đào tạo chuyển giao; cuối cùng là níu chân người bệnh, giảm lượng bệnh nhân ra nước ngoài điều trị. Đây là cơ hội để người bệnh trong nước được tiếp cận tiến bộ khoa học hiện đại trong điều trị và góp phần khẳng định vị thế của y học VN trên trường quốc tế. “Với phẫu thuật robot, bệnh nhân mau hồi phục hơn, giảm các tai biến, biến chứng các bệnh lý mà các kỹ thuật khác chưa hoàn thiện được như: ung thư tuyến tiền liệt, trực tràng... Robot vào sâu, phóng đại nên mổ rất dễ và thao tác thoải mái”, ông Hưng nói.

Kỹ thuật mổ bằng robot của BV Bình Dân mổ được 14 bệnh về ngoại tổng quát - lồng ngực - mạch máu (tiêu hóa, gan mật tụy, lồng ngực mạch máu); tiết niệu (ung thư tuyến tiền liệt, thận, niệu quản...). Sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay (tháng 2.2017), BV đã mổ trên 50 ca, nhiều nhất là ung thư tuyến tiền liệt (15 ca), 12 ca ung thư trực tràng... Hiện, kỹ thuật trở nên thường quy, quen thuộc, thời gian mổ được rút ngắn tối đa nhiều ca chỉ mổ từ 2 tiếng 15 phút, trong khi ban đầu là 4 tiếng đồng hồ.
Với một ca mổ bằng robot, chi phí có thể lên đến cả trăm triệu đồng, nên BV Bình Dân đã có công văn đề nghị Bộ Y tế cho phép thanh toán bảo hiểm để giảm bớt khó khăn cho người bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.