Kỹ thuật mới nuôi cấy phôi trong điều trị vô sinh

26/09/2019 20:34 GMT+7

Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc đưa vào ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị hiếm muộn vô sinh, giúp bác sĩ và người mẹ có thể thấy được phôi phát triển.

Chiều 26.9, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc công bố về việc bệnh viện ứng dụng nuôi cấy phôi Time - lapse trong hỗ trợ sinh sản, giúp chất lượng phôi (trứng gặp tinh trùng tạo thành phôi) đạt được tốt hơn trước khi chọn lựa phôi đưa vào buồng tử cung làm tổ.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện này, việc nuôi cấy phôi là một khâu quan trọng có tính quyết định thành công của thụ tinh trong ống nghiệm. Trứng sau khi được thụ tinh và phát triển thành phôi (ở môi trường bên ngoài tử cung) được nuôi cấy đến ngày chuyển phôi vào tử cung.
Sự phát triển công nghệ của tủ nuôi cấy phôi trên thế giới đã có nhiều cải tiến, và mới nhất là tủ nuôi cấy nhiều ngăn tích hợp hệ thống kính hiển vi soi ngược và camera (Time - lapse). Với Time - lapse, mỗi phôi được nuôi cấy riêng, được camera ghi hình ảnh phôi ở các giai đoạn phân chia, chuyền hình ảnh qua máy tính, giúp bác sĩ đánh giá chất lượng phôi mà không cần lấy phôi ra ngoài quan sát như trước đây; giúp người mẹ cũng thấy được giai đoạn ban đầu của đứa con mình. Tại bệnh viện còn có phần mềm trí tuệ nhân tạo giúp đánh giá phôi nhanh và khách quan hơn.
Nữ chuyên gia về y sinh đến từ Đức - thạc sĩ Susanna Brandi, cho biết đây là công nghệ nuôi cấy phôi tiên tiến trong điều trị hiếm muộn vô sinh đang được áp dụng tại châu Âu, Mỹ và các nước phát triển. Nuôi cấy phôi bằng Time - lapse giúp môi trường nuôi cấy ổn định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng tương thích với môi trường tử cung, cho chất lượng phôi tốt, giúp tỷ lệ điều trị vô sinh cao.
Bác sĩ Võ Thanh Liên Anh - Trưởng khoa Lâm sàng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc), cho biết tâm lý, tinh thần của người mẹ trước khi làm thụ tinh trong ống nghiệm cũng rất quan trọng, có ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Từ khi Trung tâm đi vào hoạt động (2012), đến cuối 2018, đã có hơn 1.000 em bé ra đời bằng hỗ trợ sinh sản tại đây; với tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn vô sinh hơn 50%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.