Kỳ tích mở đường bay trong thế cấm vận

30/08/2024 10:00 GMT+7

Bây giờ, ngành hàng không Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc khi mạng lưới đường bay quốc tế có tới 63 hãng hàng không, trong đó có 4 hãng Việt Nam: Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines khai thác gần 160 đường bay kết nối Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Nhưng vào thời điểm 1985 trong thế bị cấm vận, việc mở đường bay thẳng TP.HCM - Manila (Philippines) của Vietnam Airlines có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giúp đất nước từng bước tiến ra và hội nhập sâu rộng thế giới.

Lịch sử hàng không dân dụng Việt Nam có một Việt kiều đã chấp nhận mạo hiểm, dám đánh đổi cuộc sống của mình để mở đường bay quan trọng, tạo một lối mở ra thế giới cho đất nước từ 39 năm trước. Đó là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, Vietnam Airlines chỉ bay đến được một số nước như Trung Quốc, Liên Xô, Lào... trong khối XHCN. Ngay cả những chuyến bay nội địa cũng bay không thường xuyên. Do vậy mà có được đường bay thẳng ra "thế giới tư bản" vào những năm ấy được xem là một cơ hội quý hơn cả vàng.

Kỳ tích mở đường bay trong thế cấm vận- Ảnh 1.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Vào dinh xin chữ ký tổng thống

Ông Phạm Ngọc Minh, khi còn đương chức Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ rằng, theo đánh giá của Vietnam Airlines, để thực hiện thành công sự kiện mở đường bay thẳng TP.HCM - Manila - TP.HCM là nhờ nỗ lực của các cơ quan nhà nước và ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Bên cạnh đó còn có phần đóng góp tích cực và quan trọng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Sự đóng góp đó là cả một quá trình, thể hiện tình cảm và tấm lòng của một Việt kiều yêu nước, luôn hướng về và mong muốn góp phần xây dựng, phát triển quê hương.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn được Chính phủ và Bộ Chính trị Việt Nam lúc bây giờ "chọn mặt gửi vàng" trong quá trình xúc tiến mở đường bay. Ông là Việt kiều quốc tịch Mỹ, làm thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors. Ông định cư ở Mỹ và sau đó ở Philippines. Ông là một trong những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cho phép về nước tham gia đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn may mắn vì "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" nhờ có mối quan hệ thân thiết và uy tín với Chính phủ Philippines. Ngay khi các nhà chức trách Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ mở đường bay, ông Hạnh Nguyễn đã được bác Phạm Văn Đồng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc đó - mời về nước để giao nhiệm vụ, sau một thời gian đắn đo, ông Hạnh đã đồng ý đứng ra nhận nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng cũng thật là vinh dự này. Ông dám chấp nhận mạo hiểm vì tấm lòng luôn hướng về quê hương đất nước.

Ông đã dùng Công ty PHL Impex International (tiền thân của IPPG mà hiện ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT) của gia đình mình ở Philippines để làm đối tác với phía Vietnam Airlines và xúc tiến việc mở đường bay.

Ông Trần Tiến Vinh, từng là Phó vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brunei, vào thời điểm năm 2012 và 2014 nhớ lại rằng, những năm 1984 - 1987, khi là đại biện lâm thời công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, ông đã thấu hiểu những tình cảm đối với quê hương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn như thế nào.

Kỳ tích mở đường bay trong thế cấm vận- Ảnh 2.

Lễ đón chuyến bay đầu tiên VN9033 từ TP.HCM đáp xuống Manila vào ngày 9.9.1985

Ảnh: T.L

Ông Vinh kể, hồ sơ về việc mở đường bay lúc đó đệ trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos bằng đường ngoại giao ít nhất đã 2 lần, đợi chờ suốt 6 tháng vẫn không thấy chuyển biến gì. Những người nhận nhiệm vụ đi mở đường bay trong các cơ quan nhà nước ta đều lo lắng vì sự chậm trễ kéo dài này có thể làm lỡ nhiều kế hoạch quan trọng khác của Trung ương. Thế rồi, ông Johnathan Hạnh Nguyễn xuất hiện và chấp nhận những nhiệm vụ khó khăn này.

"Vào lúc 8 giờ tối 4.9.1985, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines và tự lái xe của đại sứ quán đưa tôi đi vào Phủ tổng thống. Khi đến nơi, trong lúc tôi nói chuyện với ông Juan Tuvera, trợ lý điều hành của Tổng thống Marcos, ông Hạnh đã vào phòng làm việc của tổng thống và trình giấy phép bay giữa TP.HCM và Manila. Ông Marcos đã ký duyệt ngay hôm đó. Chữ ký đặc biệt này là khâu đột phá, quyết định cho việc sớm mở đường bay giữa 2 nước", ông Vinh xác nhận.

Sau khi được chính Tổng thống Marcos duyệt giấy phép bay, ngày 9.9.1985, Hàng không Việt Nam đã thực hiện chuyến bay đầu tiên TP.HCM - Manila - TP.HCM, đánh dấu sự khởi đầu quan hệ hàng không giữa 2 nước.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải vào những năm đầu thập niên 1980 là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Lúc sinh thời, ông Khải cũng khẳng định Johnathan Hạnh Nguyễn có công lớn mở đường bay TP.HCM - Manila. Khi đã có đường bay rồi, ngay trong thời gian đầu, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã tổ chức nhiều chuyến đi của TP.HCM, trong đó có ông Khải đi thăm Philippines và nhiều nước khác để tìm hiểu thị trường, chuẩn bị cho những kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho thời kỳ đổi mới, mở cửa kinh tế sau này.

Kỳ tích mở đường bay trong thế cấm vận- Ảnh 3.

Một tình yêu Việt Nam

Mạng đường bay rộng mở, thủ tục visa thông thoáng là một trong những đòn bẩy tăng sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế của ngành hàng không Việt Nam (6 tháng đầu năm 2024 đạt 20,3 triệu khách, tăng 38% cùng kỳ năm 2023; sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt hơn 492.000 tấn, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023).

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đó là sự tăng trưởng ngoạn mục, bởi thời điểm 39 năm trước, vấn đề giao thương kinh tế, tham quan du lịch còn nhiều hạn chế. Nguồn khách từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại rất ít ỏi; xin visa nhập cảnh thường mất đến 60 ngày, xuất cảnh phải đợi chờ đến 6 tháng…

Năm 1987, Ban Việt kiều Trung ương có văn bản đồng ý cấp cho bố mẹ và các anh chị em của ông Johnathan Hạnh Nguyễn 7 giấy thông hành để xuất cảnh sang Philippines. Văn bản ghi: "Chúng tôi cũng coi đây chính là nguồn động viên lớn giúp anh thêm phấn khởi và gắn bó với đất nước, tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước". Thế nhưng, cuối cùng gia đình các anh chị em đã trở lại Việt Nam làm ăn sinh sống. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bắt đầu mở công ty ở Việt Nam và triển khai những kế hoạch đầu tư, phát triển IPPG thành tập đoàn dẫn đầu trong việc kinh doanh cửa hàng miễn thuế cũng như đưa các thương hiệu thời trang quốc tế cao cấp đến với thị trường Việt Nam.

IPPG do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch cũng chính là nhà cung cấp hàng hóa miễn thuế đầu tiên tại nhiều sân bay trên các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines hỗ trợ phát triển các sân bay Việt Nam có được những cửa hàng kinh doanh chuyên ngành bán lẻ du lịch đồng đẳng với các nước trong khu vực. "Sống" với ngành hàng không gần tròn 40 năm, ông vẫn luôn đau đáu về việc góp sức phát triển lĩnh vực quan trọng này, với tâm nguyện: "Làm để có chút gì đó đóng góp cho xã hội. Mình làm những gì là thế mạnh của mình, mình am hiểu được".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.