Ký ức Bình Định 30 năm

24/03/2017 13:21 GMT+7

Năm 1987 khi lần đầu tiên đi viết thể thao, dù khi đó chỉ là cộng tác viên thôi, tôi may mắn đi cùng với 2 cựu trọng tài nổi tiếng là Đỗ Đình Hùng và Hồ Thiệu Quang đến Quy Nhơn - Bình Định xem trận chung kết giải A 1 toàn quốc giữa Thể Công và Quảng Nam Đà Nẵng...

Thời đó được đi xem một trận đấu đỉnh cao nhu vậy là cơ hội hiếm có của những người viết thể thao. Là người mới vào nghề, chưa có một kinh nghiệm nào viết báo cả, nhưng khi được 2 cựu trọng tài ưu ái cho đi theo cùng xe đò từ Sài Gòn ra, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn.
Thành phố Quy Nhơn vốn rất hiền hòa nhưng không khí bóng đá thì vô cùng nóng bỏng. Hôm tôi đến một ngày trước trận thì buổi sáng có mưa nhẹ. Từ bến xe về trung tâm thành phố, tôi nghe mọi người bàn tán bóng đá rất rôm rả. Nào là có bác khoảng ngoài 50 kề về việc 3 đội bóng TP.HCM khi đó rất mạnh cùng bị loại ở tứ kết trong buổi chiều mưa, nhắc đến thất bại tức tưởi của Cảng Sài Gòn trước An Giang bằng phạt đền. Nào có bác nhắc đến chuyện Sở Công Nghiệp thua đau Quảng Nam Đà Nẵng tại Huế do tiếng còi của trọng tài Đào Đình Xuyên.
Trọng tài Hồ Thiệu Quang khi đó lập tức phản ứng “Các đội thua cứ hay đổ cho trọng tài. Ngày mai bác đến sân đi rồi coi chúng tôi làm nhiệm vụ thế nào. Chúng tôi không ai muốn “mua dây buộc người” hết, ai cũng muốn trận đấu tròn trịa, kết thúc tốt đẹp, sai sót nếu có cũng chỉ là lỗi nhận định chứ không phải lỗi kỹ thuật đâu...”.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng đoàn của PVF đang tham dự VCK U.19 hiện nay tại sân Quy Nhơn. Cường khi đó mới 22 tuổi, vừa được đôn lên đội 1 cùng với Đặng Văn Dũng (người sau này chuyển về chơi cho Hải Phòng đoạt cúp quốc gia năm 1995) và đã được Ban huấn luyện Thể Công sắp đá chính bên cạnh đàn anh Quản Trọng Hùng, Đoàn Ngọc Tuấn.
HLV Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng đoàn của PVF đang tham dự VCK U.19 hiện nay tại sân Quy Nhơn Khả Hòa
Với nụ cười hiền và sức trẻ, Cường tập luyện rất hăng say. Tôi còn nhớ khi đó tổ trọng tài ra sân tập thì bên đầu sân bên kia Cường tập đá phạt đền. Khán giả Quy Nhơn khi đó đến xem Thể Công tập rất đông, có cả hai xe chở bộ đội đến chỉ để gặp các cầu thủ của CLB Quân đội bắt tay thôi, vì sợ ngày mai trận đấu đông người sẽ không bắt tay được.
Ấn tượng lớn nhất với tôi khi đó là hinh ảnh ông Lê Thì, giám đốc Sở TDTT Bình Định tất tả chạy ngược chạy xuôi để lo cho trận chung kết. Ông là người rất kỹ lưỡng, không chỉ chu toàn cho trận đấu mà còn quán xuyến tất cà mọi việc. Khi dó tôi còn nhớ ông Thì nói: “Tôi nhận trận chung kết vì tôi cam kết là trận này tỉnh Bình Định sẽ tạo tiếng vang với cả nước, sẽ cháy hết mình để thấy đất võ không làm thì thôi, khi đã làm thì hết sức chịu chơi chứ không phải chơi chịu”. Ông Thì còn gây sốc bằng việc lắp thêm các hàng ghế dưới sân ở khu vực khán đài A, vì theo ông trận đấu này người xem sẽ rất đông, nếu không có ghế thì khán giả sẽ đứng đầy ở dưới rất khó kiểm soát và đảm bảo an ninh.
Điều ông Thì tiên liệu không chỉ thành sự thật mà còn vượt hơn cả sự tưởng tượng. Sân Quy Nhơn khi đó sức chứa chỉ khoảng 20.000 người, nhưng người xem khi đó hơn 30.000 người. Người xem đông đến mức dù ban tổ chức sân đã kiểm soát chặt chẽ nhưng các cửa khán đài sân đã bị sập, người xem không chỉ ngồi hết trên ghế mà còn tràn ra sát đường piste. Không khí trên sân lúc đó nóng bỏng vô cùng. Trận đấu khi đó buộc phải chậm lại vì an toàn cho trận đấu không đảm bảo.
Ông Lê Thì lúc đó mồ hôi đổ đầy áo, tất tả chạy ngược chạy xuôi mà vẫn chưa tìm ra được giải pháp để làm sao cho khán giả lùi về phía sau. Tiếng loa trên sân liên tục nhắc mọi người không nên tràn quá sát mặt sân nhưng dòng người vẫn đẩy nhau chen kín ở cac khu vực ở khán đài B và A. Trọng tài Đỗ Đình Hùng, người điều khiển trận chung kết nói: “Không sao, tôi sẽ cố gắng, nhưng mong là lực lượng an ninh đừng để khán giả tràn vào sát nữa, các trọng tài biên sẽ không thể chạy được...”.
Bình Định đón chào ngày hội bóng đá trẻ - VCK U.19 quốc gia 2017 Khả Hòa
Sau ít phút để cho trật tự trên sân tương đối đảm bảo, tổ trọng tài dẫn 2 đội bước ra sân trong tiếng reo hò đinh tai nhức óc. Việc Trọng tài Hùng cùng 2 đội ra sân trong bối cảnh người xem tràn ngập như vậy có thể xem là sự dũng cảm, vì tính mạng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào, nhưng suốt 90 phút trận chung kết, mọi chuyện đều tốt tuy cũng có vài lần trọng tài phải dừng trận do có khán giả “xâm nhập” vào sân.
Trọng tài Hồ Thiệu Quang làm biên trận này, sau trận đấu cho biết: “Tôi và Hùng thở ra một cách nhẹ nhỏm và khoan khoái vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện đầy khó khăn như vậy. Thể Công thắng 1-0 xứng đáng, nhưng lối chơi của Quảng Nam Đà Nẵng quá khó chịu. Khán giả lại ủng hộ đội bóng miền Trung nên la hét rần trời, tai tôi nhức một cách kinh khủng”.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy tình yêu của khán giả Bình Định với bóng đá vô bờ bến. Đã 30 năm trôi qua, người hâm mộ đất võ vẫn luôn dành sự quan tâm cho bóng đá rất lớn. 12 năm trước, Bình Định cũng đông khán giả như vậy khi lọt vào trận chung kết giải U.21 Báo Thanh Niên (2005). Đáng tiếc là những năm sau này Bình Định bị “mất tên” trên bản đồ bóng đá cả nước. Đó cũng là nỗi đau khiến người hâm mộ vùng đất đia linh nhân kiệt buồn. Chính vì vậy thông qua Vòng chung kết giải U.19 lần này, Bình Định đang rất hy vọng sẽ tạo lại "cú hich” để gầy dựng lại bóng đá Bình Định, trong tương lai rất gần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.