Ký ức Huế Mậu Thân 1968: Trước đền Tưởng niệm sân bay Tây Lộc

03/02/2018 06:33 GMT+7

Những nhân vật của Thái Bá Lợi thường bước ra từ ký ức của anh. Không ai có thể nhớ mọi thứ, kể cả nhà văn. Nhưng những khoảng “bất chợt nhớ” của nhà văn có vẻ nhiều hơn người thường.

Những câu văn của Thái Bá Lợi cũng có vẻ được gọi ra từ ký ức, vừa hoàn chỉnh vừa lấp lửng. Trùng tu những điều lấp lửng, những ánh vụt lóe ấy còn gian khó hơn trùng tu Thế Miếu của Huế nhiều. Vậy mà Thái Bá Lợi đã quyết trùng tu. Đúng ra, anh cùng những nhân vật của mình trùng tu những “bức tường gạch đen sì một vệt dài trong đêm” của quá khứ, cái “ánh nắng đầu tiên” sau những ngày mưa lê thê ở Huế hồi Mậu Thân 1968.
Trong đội hình một trung đoàn đánh vào Huế Tết 1968, nhân vật của Thái Bá Lợi đã nhắc nhà văn nhớ lại căn hầm hai người đã nằm bên nhau trong Thành nội, mà bây giờ: “Bức tường trước cửa hầm thì còn nguyên”. “Điều kỳ lạ hơn nữa là vệt máu của tao vẫn còn trên tường. Hình như còn cả dấu tay của mày ấn vào đó sau khi băng cho tao” (Trùng tu, trang 13). Người ta vẫn biết câu nói của nhân vật có ẩn một ý khác. Cái anh ta nhìn thấy có thể không còn ở nơi mà anh ta nhìn. Nhưng nó vẫn còn đâu đó trong khoảng nhớ quên đầy day dứt, đôi khi đau đớn của anh. Và dĩ nhiên, của tác giả. Và Thái Bá Lợi quyết “trùng tu” những nỗi day dứt đó. Không theo kiểu người ta “chơi” bê tông hay xi măng lên những di tích, mà theo kiểu người đi trong đường hầm quẹt lửa lên soi một khoảng tối nào đó của ký ức. Trong thoáng chốc ánh lửa lóe lên, nhà văn cho chúng ta thấy một góc bất chợt, một góc bị quên lãng với biết bao số phận những người lính. Cả một trung đoàn đánh xuống Huế, trụ trong lòng thành Huế mấy chục ngày, rồi rút “lên xanh”, rồi lại hạ sơn, vòng phía sau Huế để thực hiện một mệnh lệnh nào đó của cấp trên nhằm nghi binh, rồi cuối cùng, gần như cả trung đoàn hy sinh. Và có thể không để lại dấu tích gì, bởi chiến tranh đi qua đã lâu. Nhưng nghĩa vụ đau đớn của nhà văn là phải nhớ lại, phải cấp lại “sổ đỏ” cho những gì mà thời gian đã “xóa sổ”. Số phận của cả một trung đoàn, của từng người lính trong “trung đoàn Igor” ấy.
Và rồi, từ không gian những trang sách của tiểu thuyết Trùng tu, tôi chợt đứng ngay giữa sân bay Tây Lộc thuộc Thành nội Huế trong một buổi chiều khô lạnh.
Thái Bá Lợi nói với chúng tôi: “Mình chỉ nhớ, khi vào Thành nội, có đọc thấy tên hai con đường giao nhau ở một ngã tư. Đó là đường Thái Phiên và đường Cường Để”.
Ký ức Huế Mậu Thân 1968: Trước đền Tưởng niệm sân bay Tây Lộc 1
Nhà văn Thái Bá Lợi (trái) và tác giả
Chúng tôi bắt đầu từ nơi xưa là đồn Mang Cá, cái đồn Tây đã đi vào thơ Tố Hữu: “Ở đồn Mang Cá/Thích hơn ở nhà” (Lượm), từ đó tìm cái ngã tư đường phố mà nhà văn từng thấy 50 năm trước. Đã tìm thấy đường Thái Phiên, nhưng đường Cường Để ở đâu? Hỏi những người già, chúng tôi mới biết, đường Cường Để đã đổi tên thành đường Nguyễn Trãi. Thế thì đây rồi!
Và đột ngột, chúng tôi đứng trước đền Tưởng niệm ngay sân bay Tây Lộc cũ. Đây là đền Tưởng niệm những liệt sĩ của Trung đoàn 6 - Trung đoàn Trị Thiên-Huế, đã hy sinh trong chiến trận Tết Mậu Thân.
Trung đoàn 6 là một trong những đơn vị đầu tiên đánh vào Huế, và chiếm sân bay Tây Lộc. Việc chiếm sân bay không hao tổn nhiều sinh lực, nhưng hơn 10 ngày sau, những trận đánh chống phản kích tại sân bay này đã khiến rất nhiều chiến sĩ của trung đoàn thương vong. Theo tổng kết trên bia tưởng niệm, thì 2.000 chiến sĩ của Trung đoàn 6 đã hy sinh trong suốt chiến dịch Mậu Thân, kể cả hy sinh tại sân bay Tây Lộc. Cúi đầu trước bia tưởng niệm, anh Thái Bá Lợi nói khẽ: “Trung đoàn 3 của tôi đã phải thay quân 3 lần sau khi đánh vào Huế. Lần thứ nhất, là lính quê Thái Bình. Lần thứ hai, lính quê Thanh Hóa. Còn lần thứ 3, là lính Hà Nội. Trong những trận đánh khốc liệt như ở Huế, càng lính mới lính trẻ càng dễ bị thương vong do anh em thiếu kinh nghiệm, mà cơ hội sống sót lại rất ít”. Năm ấy, anh Lợi tròn 23 tuổi, đã được coi là “lính cũ”.
Chúng tôi im lặng. Rồi không nén được, tôi hỏi: “Trung đoàn 3 đầy đủ thì có bao nhiêu quân?”. Anh Lợi nói: “1.500 quân”.
Cái góc phố mà người lính Thái Bá Lợi năm xưa chợt băng ngang và bỗng dưng nhớ lại, là một trong những trọng điểm ác liệt nhất của trận chiến Mậu Thân ở Huế. Do ta không chiếm được đồn Mang Cá khi đánh vào Huế, quân Mỹ đã lấy nơi này làm bàn đạp, phối hợp với tàu hải quân trên sông Hương cùng pháo lớn ngoài Hạm đội 7, rồi lực lượng không quân, tổ chức phản kích khốc liệt.
Làm sao “trùng tu” một ký ức đã vỡ vụn ra bởi bom đạn, bởi thời gian và bao nhiêu biến cố như thế này?
Nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long vẫn cần mẫn làm việc với chiếc máy ảnh phim đen trắng. Làm sao chụp được ký ức? Làm sao chụp lại được trận chiến với những hy sinh khó tưởng tượng như thế này, sau 50 năm? Nhưng rồi, mấy ngày sau, khi được xem những bức ảnh đen trắng Dương Minh Long đã chụp trong chuyến “ngược đường ký ức”, nhà văn Thái Bá Lợi bỗng nhớ lại rõ ràng từng chi tiết nhỏ dù nửa thế kỷ đã qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.